Người dân được lợi gì khi đăng ký tài khoản định danh điện tử ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện C06 giải thích, tài khoản định danh điện tử đưa vào hoạt động nhằm mục đích thay thế cho thẻ CCCD vật lý khi thực hiện các thủ tục hành chính công trên môi trường điện tử.

Tài khoản định danh điện tử dùng song song với CCCD

Từ cuối tháng 2/2022, công dân làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, nếu có nhu cầu mở tài khoản định danh điện tử có thể đăng ký với cán bộ công an tại nơi làm thủ tục cấp thẻ.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an giải thích, tài khoản định danh điện tử đưa vào hoạt động nhằm mục đích thay thế cho CCCD vật lý thực hiện các thủ tục hành chính công trên môi trường điện tử.

Theo thiếu tá Dũng, người dân sau khi được cấp tài khoản định danh, nếu họ không muốn trực tiếp cầm thẻ căn cước ra bộ phận một cửa thuộc cơ quan Nhà nước làm thủ tục hành chính có thể ngồi làm tại nhà.

"Tài khoản định danh điện tử được thực hiện trên ứng dụng VNEID do Bộ Công an vận hành, được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trên ứng dụng này có mọi dịch vụ hành chính công, người dân chỉ việc đăng nhập vào sử dụng", thiếu tá Dũng nói.

Ông giải thích thêm, số tài khoản định danh điện tử sẽ trùng khớp tuyệt đối với số CCCD gắn chíp; trong mã định danh có tích hợp đủ thông tin như một thẻ CCCD. Đối với một số giấy tờ như "Giấy phép lái xe, thẻ Bảo hiểm...", nếu người dân muốn tích hợp trên tài khoản định danh điện tử chỉ việc kê khai, bổ sung với cán bộ công an.

Người dân được lợi gì khi đăng ký tài khoản định danh điện tử ? ảnh 1
Công dân thực hiện thủ tục làm CCCD có thể mở tài khoản định danh điện tử.

Số tài khoản định danh điện tử trùng khớp với số CCCD

Vẫn theo đại diện C06, việc quản lý thông tin của công dân hiện nay được thực hiện trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, người có CCCD gắn chíp đến làm việc với các đơn vị hành chính công hoặc cơ quan công an chỉ cần xuất trình thẻ quét mã QR sẽ biết thông tin về hộ khẩu, nhân thân, nơi cư trú.

Với ngân hàng hoặc các đơn vị khác nếu công dân đến làm việc vẫn bị yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu là sai. Để khắc phục hết vướng mắc này, cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành cùng sửa điều luật đã ban hành

"Về lộ trình tích hợp dữ liệu thông tin công dân trên tài khoản định danh điện tử, chúng tôi chưa xác định được thời gian cụ thể. Trước mắt, chúng tôi mới thực hiện việc mở tài khoản", thiếu tá Dũng nói và cho biết, song song với việc cấp tài khoản định danh, Bộ Công an cũng đang kết nối với Ngân hàng, đơn vị Bảo hiểm, các Bộ ban ngành, để đồng bộ hóa dữ liệu.

Qua khảo sát, bước đầu C06 ghi nhận phía ngân hàng rất muốn thực hiện. Sau khi liên kết với Bộ Công an, ngân hàng sẽ biết rõ thông tin về tên tuổi, nơi cư trú của người vay tiền; còn Bộ Công an bảo đảm cho ngân hàng thông tin cá nhân của người vay là chính xác thông qua ứng dụng định danh xác thực, việc này giảm bớt thời gian cho cán bộ ngân hàng không phải xuống nơi cư trú xác minh, làm hồ sơ.

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển.

Về quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử, công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip có thể đăng ký với cán bộ. Thông tin đăng ký gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email).

Nếu ai có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, ...thì mang các loại giấy tờ gốc đối chiếu.

Khi đưa tài khoản định danh điện tử vào sử dụng sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm nhiều khâu thủ tục.

MỚI - NÓNG