Người đam mê “làm cho cái cây biết hát”

Người đam mê “làm cho cái cây biết hát”
Già làng Vỗ Hôm không chỉ là người “làm cho cái cây biết hát”, mà còn có một tấm lòng đam mê giữ hồn của núi, hồn của dân tộc mình.
Người đam mê “làm cho cái cây biết hát” ảnh 1
 Vỗ Hôm biểu diễn dàn ống Phuar

Ngược Trường Sơn tôi trở lại bản Ly Tôn (xã Tà Long, Đakrông, Quảng Trị). Đón tôi từ chân cầu thang, già làng Vỗ Hôm nắm chặt tay rồi mời ngay lên nhà sàn. Giữa nhà, một tốp con trai nước da ngăm đen, tuổi chừng 14 - 16 đang mân mê từng cây sáo, cây đàn đã ngả màu hổ phách.

Thấy tôi ngỡ ngàng, ông vội giải thích: “Chúng từ nhiều bản khác nhau, rủ nhau về đây học cách “làm cho cái cây nó biết hát”. Vỗ Hôm người dân tộc Vân Kiều, dáng người chắc đậm, nhưng cử  chỉ lại rất mềm mại và khéo léo. Trông bề ngoài ông trẻ hơn tuổi 70.

Trong những năm chiến tranh, cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hết sức gian khổ. Đồng bào phải thường xuyên thay đổi chỗ ở để tránh bom đạn kẻ thù.

Do vậy nhiều loại nhạc cụ, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá và lễ hội truyền thống đã bị mai một, số nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ và am hiểu sâu sắc về các làn điệu dân ca cũng ngày càng thưa vắng.

Với già làng Vỗ Hôm, chuyện trở thành nghệ nhân của ông gắn với chuyện tình. Năm 18 tuổi, một lần đi dự  hội ở bản xa ông phải lòng một thiếu nữ Vân Kiều. Vỗ Hôm đã âm thầm cất công tìm thầy học cách biểu diễn nhạc cụ để lấy lòng người mình yêu…

Chuyện tưởng chỉ có vậy. Không ngờ tình yêu là nhịp cầu để ông gắn bó với âm nhạc và nhạc cụ dân tộc. Giọng kể của già làng Vỗ Hôm bất chợt như chùng xuống và chỉ còn nghe tiếng lửa tí tách phía cuối gian nhà, vợ ông đang chất thêm củi vào bếp để chuẩn bị bữa tối cho đám học trò.

Nhà của Vỗ Hôm nằm trên một quả đồi lớn, hướng về phía Đông, nơi có dòng Ta Ling uốn lượn rì rào suốt ngày đêm. Ngôi nhà được cất từ cây rừng, rộng rãi thoáng mát.

Trên các bức vách chỗ nào cũng có treo nhạc cụ: sáo Khui, Taril, Amam, đàn ống Pluơ hai dây, kèn môi Ngakưai làm bằng tre, làm bằng bạc, bằng đồng. ở vách giữa ngôi nhà  là bộ gõ gồm trống, cồng, chiêng…

Bên ánh lửa bập bùng, hoà trong men rượu nồng đến mềm môi, người nghệ nhân già say sưa chơi các làn điệu cổ. Đó là làn điệu Oát từ sáo Taril được cất lên khi lần đầu đôi trai gái hẹn hò tình tự.

Làn điệu Ta oat kể về thân phận lứa đôi khi tình yêu trắc trở; làn điệu Zau từ sáo Amam để cho đôi trai gái mới yêu nhau trong những đêm đi “sim” cùng thổi - được ví như một hình thức cách điệu của nụ hôn tình yêu - nụ hôn của núi rừng; làn điệu Sanớt với kèn Khui dùng cho người lớn tuổi “nói” về nhân tình thế thái trong đêm vắng và có cả  làn điệu Aroal hát tiễn đưa người xấu số về với “thế giới bên kia”…

Tôi cứ nhớ mãi lời già làng Vỗ Hôm: Sau một thời gian dài ít được quan tâm, nhiều loại nhạc cụ và phương pháp diễn tấu, nhiều làn điệu dân ca và hình thức thể hiện của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang bị lãng quên. Ví như sáo Amam dùng cho hai người thổi hiện giờ chỉ có Vỗ Hôm và Pả Đươn ở xã Húc Nghì biết sử dụng.

Một số làn điệu như Rayuak trong lễ phong thần, lễ cúng lúa mới, hay làn điệu Sanớt kể chuyện sử thi... ít được lớp trẻ biết đến, việc chế tác các loại nhạc cụ truyền thống lại càng khó khăn…

Chính vì thế, ông gắng sức khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê  âm nhạc, nhạc cụ dân tộc trong tâm hồn mỗi đứa trẻ Vân Kiều, Pa Kô.

MỚI - NÓNG