Người đắm đuối với tiếng Tày

Người đắm đuối với tiếng Tày
TP - Biết tin cuốn Từ điển Tày - Việt vừa được xuất bản, thấy sốt ruột muốn được gặp ngay tác giả. Vậy nên tôi hồi hộp đến thăm ông - nhà giáo, nhà ngôn ngữ, nhà văn hóa người Tày Lương Đức Bèn.
Nhà giáo, nhà ngôn ngữ Lương Đức Bèn
Nhà giáo, nhà ngôn ngữ Lương Đức Bèn.

Suốt đời dạy học

Sinh ra ở vùng núi rừng Nguyên Phúc (Bạch Thông, Bắc Kạn), mới lên mười ông đã phải xa quê. Sau khi học xong ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1968 ông được phân công về giảng dạy ở Khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc. Đây là ngôi trường mà ông đã gắn bó trọn vẹn cuộc đời dạy học của mình.

Với cách lên lớp hóm hỉnh, sự hóm hỉnh của trí tuệ, ông đã gây ấn tượng mạnh với các thế hệ sinh viên. Người học ông thường ngộ ra được bài học thấm thía về vận dụng ngôn ngữ vào đời sống.

Trong nghiên cứu, ông là một người rất nghiêm cẩn và sắc sảo. Được biết, từ hồi những năm 1970, sau khi công bố những công trình nghiên cứu về tiếng Tày trên báo chí, ông được phía Liên Xô mời đích danh sang làm cộng tác viên cho Viện Đông phương học.

Vừa giảng dạy, ông vừa cần mẫn viết giáo trình ngôn ngữ cho bậc đại học, công bố hơn 40 bài báo khoa học trên các báo - tạp chí trong và ngoài nước.

Đã có một số công trình khoa học của ông được dịch và xuất bản thành sách tiếng Nga, tiếng Nhật. Giờ đây, dù đã tạm nghỉ công việc ở cơ quan nhà nước, nhưng ông vẫn đều đặn đi dạy các lớp học tiếng Tày, do Sở Nội vụ các tỉnh tổ chức cho cán bộ công chức viên chức các địa phương.

Cuốn sách của ước mơ

Ông xa làng bản từ năm mới lên mười tuổi, nhưng vốn tiếng Tày thì chưa bao giờ vơi hụt, mà chỉ càng phong nhiêu hơn theo năm tháng. Nhiều người đánh giá, ông là từ điển sống, với kho từ khổng lồ, hòa kết trong sự am tường tinh thông về văn hóa Tày.

Ấp ủ đã từ rất lâu, giờ đây thì cuốn sách mơ ước Từ điển Tày - Việt mà ông nung nấu bấy nay đã được hoàn thành. Cuối năm 2011, NXB Đại học Thái Nguyên đã cho xuất bản cuốn sách với tư cách Sách Nhà nước đặt hàng.

Được biết, vì nhiều điều kiện khác nhau, cho nên dù đã dự định kế hoạch làm từ điển tiếng Tày khá lâu rồi, nhưng ông chưa thể thực hiện. Khoảng năm 2007, ông có gặp gỡ nhà văn Nông Viết Toại. Hai vị tâm đầu ý hợp, bàn bạc trao đổi, người này hối thúc người kia.

Sau hơn hai năm, với sự chủ biên của ông, cùng sự tham gia của các tác giả Nông Viết Toại, Lương Kim Dung và Lê Hương Giang, cuốn sách Từ điển Tày - Việt được hoàn thành và ấn bản. Đây là cuốn sách có giá trị hết sức đặc biệt, cả trong ý nghĩa học thuật lẫn thực tiễn đời sống văn hóa và tiếng nói.

Thực tế, cho đến nay chỉ có duy nhất một cuốn sách về từ vựng liên quan đến tiếng Tày. Đó là cuốn Từ điển Tày - Nùng - Việt xuất bản từ những năm 70 thế kỉ trước. Do điều kiện hạn chế, cuốn sách đó chỉ tổng hợp được những từ trùng phát âm giữa tiếng Tày và tiếng Nùng, dẫn đến nhiều bất cập.

Cuốn Từ điển Tày - Việt lần này là công trình đầu tiên trong cả nước tổng hợp một cách cơ bản đầy đủ từ vựng tiếng Tày. Để hoàn thành công trình này, ông đã gặp những khó khăn rất đặc thù. Thứ nhất, từ trong tiếng Tày phải được đối chiếu so sánh và kiểm tra qua những văn bản và trong những ngữ cảnh khác nhau.

Thứ hai, việc giải nghĩa cẩn trọng minh xác gần một vạn từ tiếng Tày là một khối lượng công việc khổng lồ, mà đòi hỏi của nó không đơn thuần nằm trong phạm vi vấn đề kho từ vựng, mà khó khăn là vấn đề vốn văn hóa. Đặc biệt, thách thức lớn nhất đòi hỏi người biên soạn phải giải quyết ở đây, là xử lí hiện tượng biến âm theo địa phương.

Tuy cùng là tiếng Tày, nhưng mỗi vùng lại phát âm khác nhau. Vì tính phức tạp của vấn đề biến âm, thiếu một bộ âm chuẩn làm khung tiêu chí, nên việc biên soạn gặp nhiều khó khăn. Là người Tày, ông thấu hiểu điều đó, và phải chấp nhận lựa chọn cách phát âm nào phổ biến nhất, những cách phát âm còn lại được giới thiệu như một sự tham khảo.

Việc nhiều con em dân tộc Tày hôm nay không biết nói tiếng mẹ đẻ, chưa nói đến chuyện nhận mặt và sử dụng chữ Nôm Tày, là một thực tế hiển hiện. Tiếng nói là nơi cất giữ nguồn mạch văn hóa một cách tinh túy nhất, cho nên muốn xây đắp vun trồng văn hóa thì không gì hơn là trước hết phải bảo tồn được tiếng nói.

Cuốn từ điển này chính là một cách bảo tồn khoa học và thiết thực nhất, khi mà nguy cơ mất mát vơi hụt tiếng nói các dân tộc thiểu số đang ngày càng trở thành vấn đề bức thiết.

Ông còn cho biết thêm một kế hoạch đang tiến hành. Hiện ông đang sưu tầm khảo cứu để dịch và giới thiệu thành sách về ca dao, thành ngữ, tục ngữ Tày. Ông lại cho tôi thêm một sự sốt ruột nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.