Tôi năm nay 75 tuổi, đang nuôi cháu nội 10 tuổi (cháu tôi mồ côi cha mẹ từ năm 3 tuổi) và tôi cũng đang quản lý cả mảnh đất mà bố mẹ cháu để lại. Nay tôi muốn cho cháu đứng tên toàn bộ giấy tờ nhà đất của bố mẹ cháu, đồng thời cho cháu thêm mảnh đất của tôi vì tôi ngày càng già yếu, sợ sau này có mệnh hệ gì. Nhưng tôi nghe cán bộ xã bảo khi nào cháu tôi 18 tuổi trở lên mới được đứng tên trong sổ đỏ, như vậy có đúng không?
Luật sư Phạm Chí Công - Giám đốc điều hành Cty Luật Khai Phong (Hà Nội) trả lời:
Mọi thắc mắc, đề nghị được tư vấn xin gửi về Tienphongtraloi@gmail.com hoặc Ban Bạn đọc, báo Tiền Phong - 15, Hồ Xuân Hương, Hà Nội. |
Điều 15, Bộ luật Dân sự quy định về nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.
Theo đó cá nhân có các quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật, ở đây là người giám hộ đồng ý (điều 20, Bộ luật Dân sự).
Cháu không còn cả cha lẫn mẹ thì ông nội, bà nội sẽ là người giám hộ đương nhiên. Trong trường hợp này, quan hệ dân sự trong việc xác lập quyền sử dụng đất cho cháu (người chưa thành niên) được pháp luật công nhận và thủ tục đứng tên cháu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua người giám hộ.
Nếu cán bộ xã cản trở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cháu như bà trình bày là không phù hợp với quy định. Bà có quyền đề nghị UBND xã, huyện thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho cháu trong đó có xác định tư cách của người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật.