Người chống tham nhũng: Không đơn độc

Người chống tham nhũng: Không đơn độc
TP- Nhân sự kiện lần đầu tiên 10 cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng được tôn vinh, chiều qua, Tiền Phong  tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng ?".

>> Xem chi tiết buổi giao lưu trực tuyến tại đây

Khách mời tham gia cuộc giao lưu có ông Ngô Đức Hòa, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thông tin Tuyên truyền - Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống Tham nhũng (BCĐTƯVPCTN); ông Hoàng Thái Dương, Phó cục trưởng Cục chống Tham nhũng - Thanh tra Chính phủ; bên cạnh đó là những gương mặt nổi bật về chống tham nhũng vừa được Đảng và Nhà nước tôn vinh: Hai cựu sỹ quan quân đội - đại tá Nguyễn Văn Vượng và đại tá Hoàng Cường; nhà giáo về hưu Lê Hiền Đức; cán bộ TCty Vật tư Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT Lê Thiên Long; bốn chiến sĩ trẻ Trung đoàn CSCĐ Công an TP Hà Nội Phạm Văn Trúc, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Thành Đức, Nguyễn Vương Vũ.

“Chúng tôi được nhiều người ủng hộ”

“Các vị có cảm giác đơn độc không, khi tham gia chống tham nhũng?” - câu hỏi chung Ban tổ chức đặt ra cho các khách mời cuộc giao lưu.

Cựu sỹ quan quân đội Nguyễn Văn Vượng đáp ngay: “Hơn tám năm chống tham nhũng, tôi nhận được sự ủng hộ của nhân dân, chi bộ, Quận ủy, Bí thư Thành ủy, Trung ương Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. Như vậy chúng tôi không đơn độc”. Đồng đội thân thiết của ông Vượng - cựu sỹ quan Hoàng Cường nhấn mạnh: “Việc mình làm đúng đắn, hợp lòng dân, được dân đồng tình ủng hộ là sự bảo vệ vững chắc nhất”.

Người phụ nữ duy nhất tham gia cuộc giao lưu, nhà giáo về hưu Lê Hiền Đức, nhận xét: “Dường như có lúc chúng tôi đơn độc. Chẳng hạn không ai dám cùng tôi ký các văn bản kiến nghị gửi đến các cấp. Nhưng rõ ràng nhiều người đang ủng hộ tôi bằng cách cung cấp cho tôi chứng cứ, tài liệu”.

Người chống tham nhũng: Không đơn độc ảnh 1
Bà Lê Hiền Đức, một trong 10 gương mặt chống tham nhũng vừa được vinh danh (bìa phải) trả lời các câu hỏi giao lưu trực tuyến của độc giả Tiền Phong chiều 30/3

Ông Ngô Đức Hòa (BCĐTƯVPCTN) đồng tình: “Rõ ràng những người chống tham nhũng không đơn độc”.

Cấp trung gian cần cương quyết hơn

“Vẫn biết người tố cáo tham nhũng không đơn độc, nhưng liệu cánh tay của BCĐTƯVPCTN có với tới được những người ở cơ sở rất xa xôi hay không, hay việc tố cáo lại bị các cơ quan chức năng địa phương bưng bít?”, một bạn đọc ở Nam Định đặt câu hỏi với ông Ngô Đức Hòa.

Nhà giáo về hưu Lê Hiền Đức tâm sự: “Đôi khi tôi hơi buồn, nhưng rồi tôi lại có niềm tin, bởi các cấp lãnh đạo rất lắng nghe khi nhận được các kiến nghị của tôi. Các ông Trương Vĩnh Trọng (Phó Thủ tướng), Nguyễn Thiện Nhân (Phó Thủ tướng), Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội), Lê Tiến Hào (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ)… sau khi nghe điện thoại của tôi đã bố trí tiếp tôi ngay, lắng nghe tôi trình bày và sau đó chỉ đạo cấp dưới. Điều tôi buồn nhất là hiện nay, một số cấp trung gian, cụ thể là có một số cán bộ cấp quận, huyện, sở có sự đùn đẩy, bao che cho những người có dấu hiệu tham nhũng”.

Ông Lê Thiên Long cũng cho rằng “cấp trung gian” ở nhiều nơi có vấn đề.

Điều may mắn là “cấp trung gian” rất nhiều nơi không làm ngơ với tham nhũng. Một bạn đọc ở Tây Nguyên đặt câu hỏi “Chống tham nhũng ngay tại địa phương, bác có gặp những phản ứng gây sức ép nào đáng kể không?”. Ông Nguyễn Văn Vượng trả lời: “Có kẻ tố cáo bác với bác Cường là những kẻ gây rối ở cơ sở. Họ gửi đơn lên lãnh đạo các cấp, nói rằng nội dung tố cáo của hai bác là vu cáo. Bác đã góp ý với Bí thư Đảng ủy phường chỉ tổ chức nhẹ nhàng để người đó tự nhận thấy nội dung đơn tố cáo là không đúng sự thật, không chính xác, và chỉ cần thông qua chi bộ, không cần xét kỷ luật. Người này viết đơn nhận rõ khuyết điểm của mình”.

Phải tự bảo vệ mình

Cán bộ Ban Kiểm soát, TCty Vật tư Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), ông Lê Thiên Long, cho rằng “Để bảo vệ được người chống tham nhũng, trước hết những người chống tham nhũng phải biết cách tự bảo vệ mình. Muốn vậy, họ phải tố cáo một cách khách quan, chính xác, đúng sự thật, sao cho những kẻ tham nhũng không tìm ra được kẽ hở để phản công”.

Ông Hoàng Thái Dương cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành “Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng”, trong phần giải pháp có đưa ra nội dung phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế khen thưởng, bảo vệ người chống tham nhũng.

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Thanh tra Chính phủ hưởng ứng: “Người đấu tranh chống tham nhũng phải biết tự bảo vệ mình. Chống tham nhũng phải có phương pháp tốt, đúng pháp luật, cương quyết nhưng khôn khéo”.

Phòng chống tham nhũng là công việc của mọi người, mà trước hết là của những người có chức vụ, có quyền lực. Các chiến sỹ trẻ Trung đoàn CSCĐ Hà Nội, những người  từ chối món quà biếu 120.000 USD mà lương một đời công tác của họ có lẽ cũng không bằng,  phát biểu: “Mỗi chiến sĩ đang công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như chúng tôi phải biết tự vượt qua sự cám dỗ đối với chính mình”.

Người chống tham nhũng cũng không tránh khỏi những giây phút đứng trước sự cám dỗ và họ phải tìm cách vượt qua. Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi: “Có khi nào những kẻ tham nhũng dùng tiền để mua chuộc bác không nói ra sự thật không ạ?”. Ông Lê Thiên Long thẳng thắn: “Một ngày đầu tháng Giêng năm 2007, Tổng Giám đốc (nay đã bị xử lý) đưa tôi một phong bì to và dày, nói: “Chú cầm lấy để mua cổ phần, vì cổ phần sẽ lên tới 4-5 lần đấy. Tôi đứng dậy cảm ơn và ra khỏi phòng Tổng Giám đốc”.

Khen thưởng kịp thời hơn 

Một bạn đọc ở Thanh Xuân, Hà Nội hỏi ông Long: “Tốn khá nhiều chi phí để thu hồi lại được hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước như vậy, có tổ chức hay cá nhân nào tỏ ý giúp đỡ bác không ạ?”. Bạn đọc này đã nhận được câu trả lời: “Chi phí để chống tiêu cực là khá tốn kém, như tiền trang bị máy in, máy chụp ảnh, máy ghi âm, tiền gửi tài liệu, tiền gửi chuyển phát nhanh, tiền giấy, mực... Một phần cá nhân tôi bỏ ra, nhưng phần lớn là do được những người ủng hộ mình hỗ trợ, chứ không được một tổ chức nào giúp đỡ”. Có bạn đọc nêu ra vấn đề khen thưởng, ông Long đặt câu hỏi ngược lại: “Những trường hợp đấu tranh nội bộ trong cơ quan, đơn vị, nhân viên đấu với những người ở vị trí lãnh đạo, vậy thì ai sẽ đứng ra khen thưởng cho họ?”.

Một bạn đọc ở Nha Trang hỏi “Hằng năm nhà nước ta có tổ chức hội nghị biểu dương khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc với danh hiệu và phần thưởng xứng đáng. Tại sao những người tích cực chống tham nhũng lâu nay không được như thế?”.

Ông Hoàng Thái Dương (Thanh tra Chính phủ) khẳng định: “Văn phòng BCĐTƯVPCTN mới tổ chức được một hội nghị vinh danh những người đấu tranh chống tham nhũng ngày 18/3 vừa qua. Về quan điểm của Đảng và Nhà nước, bất kỳ ai có thành tích trong đấu tranh chống tham nhũng đều được ghi nhận. Việc biểu dương thành tích của những người đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới”.

Già hay trẻ đều chống tham nhũng

- “Sau lớp các bác sẽ là những ai tiếp tục, tôi thấy những người trẻ bây giờ hơi thiếu dũng khí?” (Hoàng Hà, 45 tuổi, Nha Trang). Ông Nguyễn Văn Vượng: “Trong danh sách 10 người được vinh danh những gương mặt tiêu biểu chống tham nhũng, chỉ có bốn nguời ở lứa tuổi 70-80, hai người ở lứa tuổi 40-50, còn bốn người ở lứa tuổi 20-30. Bác e rằng, cháu nhận xét về lớp trẻ như vậy là chưa chính xác”.

- “Người ta thường bảo những người chống tham nhũng là hâm. Có lúc nào các bác cảm thấy mình hâm không?” (Hoàng Hà, 27 tuổi, Hà Nội). Ông Lê Thiên Long: “Có thể có cái gì đó khác khác một chút, chứ hâm thì không. Vì nếu hâm thì làm sao đủ khả năng để tiến hành đến cùng cuộc chiến thật gian khổ và kết thúc với thắng lợi”.

- “Ngoài việc từ chối 120.000 USD, các anh có tham gia vào hoạt động chống tham nhũng nào khác không?” (Nguyễn thị Huyền, 27 tuổi, Hà Nội). Các chiến sĩ Trung đoàn CSCĐ: “Trước vụ này khoảng ba tháng, tôi (Trương Thành Đức) có tham gia tổ công tác của đồng chí Nguyễn Hải Đường. Hôm đó tôi cũng trực tiếp tham gia bắt đối tượng Nguyễn Thị Thiều trộm cắp một vali trong đó có 135 triệu đồng tại tượng đài Lê-nin, đường Điện Biên Phủ, Hà Nội. Thiều đi đến khu vực cầu Chui thì bị chúng tôi phát hiện, bắt giữ. Thiều hối lộ tổ công tác 80 triệu đồng, xin lại 55 triệu đồng, nói là để đi trốn. Chúng tôi kiên quyết lập biên bản về hành vi hối lộ và trộm cắp tài sản”.

MỚI - NÓNG