> Bí mật bên trong Kim tự tháp Mặt trời
Gương mặt những người đàn bà của Triều mang thổ cẩm lên mặt. Mang đất sét phù sa, tro than và củi lửa. Lá khô, lá xanh. Bình minh, hoàng hôn. Cơn đau sinh nở. Có khi lại phẳng lặng như thinh không, như gió không hình hài. Gương mặt những người đàn ông của Triều lưu đày trên đó cả kiếp trước và kiếp sau. Bện xoắn lấy cái nhìn của người thị kiến.
Trong một phút giây buồn bã, tôi hỏi Triều: “Sự tha hóa của con người hôm nay, mỗi lúc tạo ra một mặt nạ - người mới, anh nghĩ gì ?”. “Hình như bạn hơi bi quan về con - người - hiện – nay. Tất nhiên khi Trái Đất đã có hơn bảy tỷ người, người đông hơn, nhiều nhục dục hơn sẽ tạo nên một cuộc đời nhiều tính múa may hơn (cũng vui đấy chứ ?!). Tôi nghĩ cách hay nhất để “yêu đời” là cứ di chuyển nhiều, gặp gỡ nhiều những khuôn - mặt - người - mới, ta sẽ đỡ phải nhận ra những sự thật không mong muốn, đỡ phải nhìn tận tâm can nhau… Nhưng dù sao thì hình như bao giờ Cái Đẹp cũng tồn tại đâu đó rất gần ta, cho dù đó có thể là nơi tối tăm nhất”.
Câu trả lời của Triều, khiến tôi nhớ đến Max Picard - nhà tư tưởng đầu thế kỷ XX, tác giả của những cuốn Gương mặt con người, Thế giới Thinh lặng… Ông nói rằng, khuôn mặt là biểu tượng của những gì thần thánh trong con người, tượng trưng cho quá trình tiến hóa của sinh thể từ bóng tối ra ánh sáng. Khuôn mặt nói lên nhiều điều hơn toàn bộ phần thân thể còn lại. Dù không ai có thể trực tiếp nhìn thấy gương mặt của mình…
Bộ mặt nạ - người của Triều đã lên tới vài trăm chiếc, được nặn từ đất sét, bột gỗ, phối ngẫu với sơn dầu, acrylic mà tác giả không hề có chủ đích sắp đặt khuôn mẫu từ trước. Như hiện về từ tiềm thức. Triều không lưu tâm nhiều về một bộ phận nào trên khuôn mặt, mà cứ cho chúng tự hòa trộn vào nhau tạo sự biểu cảm. Những mặt nạ chàng họa sĩ lãng du gọi đó là một thế giới mặt. Thế giới mang tên Triều Mask Art, và Mặt Nạ Tuồng - Đời của Tôi. Như Triều đã viết: “Đôi khi trong giấc mơ nào đó, tôi nhìn thấy tôi - là tôi, mà không là tôi/Đôi khi tan buổi rượu buồn nào đó, tôi nhìn thấy bạn - là bạn, mà không là bạn/Từ sâu thẳm đáy nước đêm xa nào đó, trăng đã vỡ tan muôn mảnh/Từ sâu thẳm trong tôi, đêm xa ấy, cũng vỡ ra muôn vạn mặt người/Của tôi, của bạn, của em, của người… từng người”.
Ai đó thấy những chiếc mặt nạ thật quái dị, méo mó, xa cách với mỹ cảm thông thường. Nhưng lại nói như Max Picard, chiếc mặt nạ có vai trò giải phóng, xả trừ cái xấu, cái ác. Bởi vậy, ngay từ các lễ hội carnaval cổ xưa, con người đã hóa trang dưới những gương mặt hạ đẳng, ma quái nhằm trục xuất chúng ra khỏi con người. Mặt nạ không che giấu, mà phô bày cái thấp hèn mà ta cần xua đuổi. Để chỉ còn đọng lại vẻ đẹp trên gương mặt đích thực của con người. Triều đã ý thức điều đó khi anh nói sẽ còn tiếp tục cuộc chơi với Mặt: “Với tôi, các hình thức và ý tưởng về khuôn mặt con người là đẹp nhất và vô cùng. Thời gian tới tôi dự định cho những mặt nạ của tôi “nằm” trên lụa, sơn dầu… mà cũng chưa biết là HIỀN hơn hay DỮ hơn”.
Sinh ra ở Quảng Ngãi. Mấy mươi năm trôi dạt Tây Nguyên, rồi vào lập nghiệp Sài Gòn. Giờ nơi dừng chân đang là Đà Nẵng - Hội An. Cuộc dịch chuyển nào sẽ đến tiếp theo để chàng họa sĩ lãng du gặp tiếp nhiều khuôn - mặt - người - mới ? “Tôi đang băn khoăn giữa Nha Trang và Đà Lạt, nhưng ai biết… Có khi bạn lại gặp tôi ở Huế không chừng…”.
(*) Họa sĩ Đặng Việt Triều (1957) – Hội viên Hội Mỹ thuật VN, Hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM. Vẽ tranh, điêu khắc, đắp mặt nạ…
Triển lãm Nét Tây Nguyên – TPHCM 1991. Bỏ vẽ luôn từ đó. Vẽ lại khi đến Đà Nẵng 2009.
2010 - Bày tranh tại Bảo tàng tư nhân Đồng Đình – Đà Nẵng
Bày mặt nạ tại 320 Nguyễn Duy Hiệu – Hội An