Người chăn nuôi lao đao vì thịt nhập

Người chăn nuôi lao đao vì thịt nhập
TP - Ngày 26-11, tại Đồng Nai, Cục Chăn nuôi (Bộ NN &PTNT) cùng Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và lãnh đạo địa phương có buổi đối thoại với người chăn nuôi, nhằm tìm phương án giảm thiệt hại cho họ trong bối cảnh thịt gia súc, gia cầm đang được nhập khẩu với giá rẻ mạt.

> VN nhập khẩu gà để… ăn Tết!
> Chăn nuôi lớn ngồi chờ phá sản

Nguồn thịt gà tại Đồng Nai không thiếu, nhưng không cạnh tranh được với thịt gà nhập.
Nguồn thịt gà tại Đồng Nai không thiếu, nhưng không cạnh tranh được với thịt gà nhập. .

Dù sản lượng chăn nuôi thời gian qua giảm, do giá xuống thấp, nhưng Đồng Nai, Bình Phước vẫn là các có tổng đàn heo, gà đứng hàng đầu trong ngành chăn nuôi cả nước vẫn duy trì tổng đàn heo, gà hàng chục triệu con. Tuy nhiên, trước việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm với giá rẻ mạt, người chăn nuôi trong nước đang đứng trước nguy cơ bỏ chuồng.

Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Cty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn, một doanh nghiệp có đàn heo khá lớn tại tỉnh Đồng Nai, nói: “Tổng đàn heo của công ty vẫn ổn định, mỗi tuần cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1.000 heo giống và 500 con heo thịt. Hiện nay đầu vào chăn nuôi đang lỗ, sản xuất bán ra đang dưới giá thành. Nếu cho nhập khẩu thịt heo, gà như hiện nay thì người chăn nuôi sẽ phá sản”.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các trang trại nuôi heo lớn trong tỉnh vẫn duy trì đàn, mong dịp Tết giá nhích lên để bớt lỗ.

Các trang trại đều cho rằng, quyết định cho nhập khẩu thịt vì lo thiếu nguồn cung cần phải được xem xét kỹ, nếu không sẽ đẩy người chăn nuôi vào bế tắc.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhiều hộ chăn nuôi gà trong cả nước nói rằng, gần như suốt từ đầu năm đến nay đều bị lỗ, trong đó có thời điểm giá gà bán tại trại chỉ còn 14.000 - 18.000 đồng/kg (hiện nay, giá duy trì ở mức 20.500 đồng/kg), trong khi giá thành chăn nuôi đã lên đến 30.000 đồng/kg, tức lỗ gần 10.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội này, tính cả chi phí vận chuyển, trữ lạnh, lợi nhuận của nhà phân phối và thuế nhập khẩu (20%) cùng các chi phí khác, giá các loại cánh, đùi gà nhập chỉ chưa đến 20.000 đồng/kg trong khi giá thành chăn nuôi 1 kg gà hơi trong nước lên đến 30.000 đồng/kg.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định, đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá để thao túng thị trường chăn nuôi Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Bình Phước, nêu nghi vấn về việc thịt gà nhập khẩu giá rẻ: “Vì sao chi phí cũng ngang với mức đầu tư của người chăn nuôi trong nước, nhưng giá thịt nhập khẩu lại rẻ hơn?”.

Theo ông Phước, giá thịt gà nhập khẩu hiện vào khoảng 16.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa giá thịt gà nuôi trong nước. Đối với người chăn nuôi, số tiền này chưa đủ cho chi phí thức ăn.

Ông Ngọc lo ngại, với tình hình này, trang trại hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng của người chăn nuôi chỉ có thể… bán ve chai. Người dân đang lâm nợ với ngân hàng.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết, toàn huyện có gần 600 trang trại chăn nuôi, nhưng từ đầu năm đến nay do giá gia súc, gia cầm giảm, người chăn nuôi trên địa bàn lỗ khoảng 333 tỷ đồng.

Ông Vinh kiến nghị: “Các ngành chức năng cần cân nhắc kỹ trước khi cho nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm”.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F, nói: “Nhà máy đã ký hợp đồng chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho dịp cuối năm. Nguồn cung ứng thịt tươi sống cũng như sản phẩm chế biến cho thị trường Tết từ thịt vẫn ổn định”.

Ngoài ra, phần lớn trang trại, DN chăn nuôi, giết mổ và chế biến đều khẳng định đã chuẩn bị gần đủ nguồn hàng phục vụ cho dịp cuối năm và Tết.

Các doanh nghiệp này đều đã ký hợp đồng trực tiếp với người chăn nuôi và khẳng định, không cần đến thịt nhập khẩu vì nguồn cung trong nước khá dồi dào.

Trước những lo lắng của người chăn nuôi, đại diện Hiệp hội và các ngành chức năng ở địa phương, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, năm 2012, ngành chăn nuôi chồng chất nhiều khó khăn nhưng giá sản phẩm xuống dưới mức giá thành là vấn đề chung của cả thế giới.

Ông Giao cũng khẳng định thịt cho Tết không thiếu, gà, lợn trong dân còn rất nhiều, nên doanh nghiệp nhập khẩu cần lưu tâm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG