Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các đơn vị có biện pháp quản lí, nắm chính xác số lượng học sinh đến trường và ra về trong các ngày triều cường dâng cao. Phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tổ chức đưa đón các em. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước và các sự cố khác do triều cường gây ra, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Tuyệt đối không được chủ quan, phải thường xuyên nắm bắt thông tin diễn biến các đợt triều cường để kịp thời thông báo đến phụ huynh quyết định cho học sinh nghỉ học tại các đơn vị. Đồng thời, tổ chức bảo vệ hồ sơ, trang thiết bị, cảnh quan, môi trường,... có phương án phòng chống dịch bệnh sau ngập.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn các quận, huyện Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền cho học sinh nghỉ học thêm ngày 2/10.
Vào hôm qua, căn cứ vào tình hình triều cường dâng cao thực tế tại địa phương, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cũng đã ra thông báo yêu cầu các trường chủ động cho học sinh nghỉ học hôm nay (01/10) để đảm bảo an toàn.
Ba ngày qua, triều cường dâng cao không chỉ khiến đô thị lớn như Cần Thơ bị ngập nặng mà đi sâu các các vùng nông thôn ở khắp các tỉnh miền Tây cũng bị ảnh hưởng. Triều cường tấn công khiến hoa màu, ao cá, cây ăn trái của nông dân thiệt hại, đặc biệt là nông dân đang gồng mình thức trắng đêm bơm nước để cứu vườn tược.
Triều cường gây ngập giao thông nông thôn
Sáng 1/10, phóng viên Tiền Phong len lỏi vào các vùng nông thôn sâu của tỉnh Hậu Giang bắt gặp cảnh nước tràn qua mặt lộ, ngập nhà cửa, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Đồng thời, triều cường dâng cao kết hợp với lũ về đã nhấn chìm hoa màu, cây ăn trái và ao cá của dân. Ngoài ra, để bảo vệ vườn cây ăn trái, nhiều người dân đã phải trắng đêm bơm nước ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Nghê, 65 tuổi ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A (Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết, bơm gần tuần nay cả ngày lẫn đêm hết mấy chục lít dầu để bảo vệ 0,4 ha cam sành.
Năm nay nước quá nhiều nên không chủ quan được. Theo lời ông, bên sông là địa bàn xã Nhơn Nghĩa của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cũng đã nhấn chìm nhiều ruộng bắp và cây ăn trái của người dân, còn cặp vườn của ông là vườn cam cũng bị ngập cả mét nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, cách nhà ông Nghê vài trăm mét cũng ngập lênh láng vườn tược, tuy nhiên, bà xót nhất là ao nuôi hơn 1000 con cá tra, gần đến thời điểm bán nhưng nước ngập đi gần hết.
Càng len lõi vào vùng sâu, chạy sang xã Thạnh Xuân (Châu Thành A) chứng kiến cảnh tượng đường sá ngập sâu, nhiều nơi ngập cả vườn tược, nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp xẻo Cao, xã Thạnh Xuân đang loay hoay mò từng cục gạch phía sau nhà trong biển nước để đem ra trước tấn nước lại cho đỡ tràn vào nhà.
Ông Hoàng nói: "Năm nay ban đầu nghe đài nói lũ về muộn, nước ít nhưng không ngờ chỉ mấy ngày nước ngập nhà cửa". Còn vợ chồng của ông Nguyễn Văn Ba ở đối diện nhà của ông Hoàng cũng loay hoay lấy gạch xây thêm trên mé lộ ngăn không cho nước vào nhà. Ông Ba cho biết, năm ngoái đỉnh cao nhất thì nước chỉ ngập khỏi mặt lộ lên 1 cục gạch, tuy nhiên năm nay vượt quá xa nên tiếp tục xây thêm cho đỡ ngập.
Còn tại xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) ông Nguyễn Văn Thanh và ông Nguyễn Thanh Tiền ở ấp Long Hòa A2 cũng thức canh bơm nước để bảo vệ hơn 1 ha chanh.
Ông Thanh cho biết, nếu không bơm nước ra thì chỉ trong cơn mưa hay nước rong tràn qua đập thì mọi thành quả lâu nay sẽ bị chìm hết.
Ngoài ra, ở trong mấy ngày nay, ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng... cũng bị ngập sâu, thậm chí có nơi vỡ đê bao gây ngập ảnh hưởng đến cây ăn trái của người dân.