Người bị tạm giam, tạm giữ bỏ phiếu bầu cử thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Người bị tạm giam, tạm giữ bỏ phiếu bầu cử thế nào?
TPO - Những cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được bỏ phiếu bằng cách sử dụng hòm phiếu phụ, được đưa đến từng buồng giam để người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ.

Nhằm đảm bảo quyền bầu cử cho những người đang bị tạm giam, tạm giữ, lực lượng công an tập cả nước đã hoàn tất việc "gõ cửa" buồng giam, tuyên truyền để người bị tạm giam, tạm giữ hiểu được quyền công dân, quyền được bầu cử, tiếp cận thông tin ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, với sự chuẩn bị chu đáo và chấp hành nghiêm quy định của Luật Bầu cử, cán bộ quản giáo đã trực tiếp xuống từng buồng giam để phổ biến, tuyên truyền cho người tạm giữ, tạm giam biết quyền được bầu cử.

Qua tuyên truyền cho thấy, người bị tạm giam, tạm giữ cơ bản nắm được quyền của mình và thể hiện thái độ hợp tác, chấp hành. Dù việc tuyên truyền gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục, đại tá Sơn nói.

Tính tới nay, 100% số người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đã có bản án của các cấp sơ thẩm tuyên nhưng đang kháng cáo, kháng nghị tại trại tạm giam, nhà tạm giữ được thực hiện đầy đủ quyền lợi về bầu cử.

Đại tá Phạm Văn Sơn thông tin thêm, hàng ngày, cán bộ quản giáo thường xuyên rà soát, cập nhật để bổ sung kịp thời số cử tri là can phạm mới nhập trại hoặc xóa tên khỏi danh sách cử tri tại tổ bầu cử đối với những trường hợp đã bị tòa án tuyên phạt tước mất quyền bầu cử.

Theo đó, trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình sẽ chốt danh sách cử tri, trước ngày 23/5/2021 (ngày bầu cử), với Ủy ban bầu cử tỉnh Ninh Bình để nhận và phát thẻ cử tri cho người bị tạm giam, tạm giữ, người đã có bản án của các cấp sơ thẩm tuyên nhưng đang kháng cáo, kháng nghị.

"Tới Ngày bầu cử, lực lượng công an cùng với chình quyền sắp xếp các hòm phiếu giúp người tạm giam, tạm giữ thuận tiện khi bỏ phiếu", đại tá Sơn nói.

Người bị tạm giam, tạm giữ bỏ phiếu bầu cử thế nào? ảnh 1
Người bị tạm giữ, tạm giam tại Trại tạm giam số 2 nghiên cứu thông tin - lý lịch các ứng viên (Ảnh ANTĐ)

Trao đổi với Tiền Phong về Ngày bẩu, đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an Yên Bái cho biết, đối với trường hợp tạm giam, tạm giữ, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền để họ biết quyền công dân của mình, trong đó có quyền được bầu cử, tiếp cận thông tin về các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, cán bộ quản giáo tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời động viên, khuyến khích họ thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Những cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được bỏ phiếu bằng cách sử dụng hòm phiếu phụ, được đưa đến từng buồng giam để người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, thời điểm này, danh sách cử tri là những người bị tạm giữ, tạm giam đủ điều kiện được bầu cử đã được niêm yết đầy đủ, rõ ràng tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

"Cử tri được tiếp cận danh sách các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong thời gian sắp tới ngày bầu cử, cán bộ, quản giáo trại tạm giam tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cử tri trong việc bỏ phiếu bầu cử theo đúng quy định và Luật Bầu cử", đại tá Đức nói.

Tại trại tạm giam số 2 - Công an Hà Nội, đại diện lãnh đạo Ban Giám thị Trại cũng cho hay, đến thời điểm này, đơn vị đã thực hiện đầy đủ, chính xác các quy trình về công tác bầu cử theo chỉ đạo của Công an thành phố và Ủy ban bầu cử xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, nơi đơn vị đóng quân; đảm bảo 100% cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam được tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

MỚI - NÓNG