Người bị suy thận nên kiêng ăn gì?
Với người suy thận, dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát huyết áp, cân nặng, cholesterol và hàm lượng đường trong máu, làm bệnh tiến triển chậm.
Người bị suy thận nên hạn chế ăn các loại đậu. Ảnh: Internet. |
Trong đó, việc kiểm soát chế độ ăn, uống là điều hết sức cần thiết và lượng thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng cũng là một vấn đề quan trọng.
Muối là nguyên nhân chính gây bệnh thận mạn tính. Ăn nhiều muối sẽ dẫn đến giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất trong các mạch máu thận làm tăng gánh nặng cho thận.
Các bác sĩ khuyến cáo, những người mắc bệnh về thận cần phải ăn nhạt và không nên ăn quá 2 - 4g muối mỗi ngày. Người bị tăng huyết áp kèm theo thì nên hạn chế dùng muối đến mức thấp nhất.
Người mắc bệnh thận cũng nên hạn chế ăn chất đạm vì việc chuyển hóa đạm trong cơ thể sẽ tạo ra nhiều chất độc hại, các chất này được lọc qua thận gây quá tải và tổn thương thận.
Hạn chế dùng dầu mỡ trong chế biến thức ăn, nên chọn phương pháp chế biến là luộc hay nướng.
Đối với bệnh nhân bị suy thận phải ăn chế độ ăn giàu năng lượng, tăng khoảng 30% so với bình thường (khoảng 2.000 kcalo/ ngày), chia nhỏ bữa ăn ra thành 4 - 6 bữa/ngày.
Nếu ăn không đủ năng lượng sẽ làm thay đổi sự trao đổi chất trong cơ thể. Cơ thể sẽ đốt cháy mỡ và đạm của các tổ chức mô làm cho cơ thể gầy yếu, đồng nghĩa với việc tăng hàm lượng chất độc và lúc này chế độ ăn hạn chế đạm sẽ là vô nghĩa.
Hàm lượng kali có thể tăng cao ở bệnh nhân suy thận hoặc đối với những ai đang phải lọc thận. Hàm lượng rất cao chất này có thể gây nguy hiểm và khiến tim ngừng đập. Kali có nhiều trong những thực phẩm như: đậu nành, chuối, nho, trái cây khô, chocolate, cá hồi,...
Cần phải hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều phospho như: phô-mai, gan, các loại đậu,... Khi hàm lượng phospho trong cơ thể quá nhiều có thể gây suy thận, đau tim và những bệnh liên quan tới xương.
Không nên ăn các đồ kích thích như ớt, hạt tiêu, hành, tỏi; không ăn thức ăn chua, không ăn các loại nấm, không nên ăn các thức ăn chế biến sẵn như thịt cá đóng hộp, thịt cá xông khói,...
Không nên uống rượu, bia, các loại nước khoáng, đặc biệt là nước khoáng có nhiều natri. Có thể uống các loại nước như nước mưa đun sôi, nước hoa quả tươi,... Tuy nhiên, lượng nước bổ sung cho cơ thể cũng cần được theo dõi kỹ.
Nếu không phải lọc thận, đừng hạn chế lượng nước bổ sung mà hãy uống khi nào cảm thấy khát. Nếu cơ thể giữ nước, nên hạn chế dùng muối. Vì khi dùng muối cơ thể sẽ không kiểm soát được lượng nước và lúc nào cũng cảm thấy khát.
Các thức ăn tốt cho bệnh nhân thận như gạo, bánh mì không có muối, mì ống, khoai tây và các loại rau khác. Người bệnh thận có thể uống sữa, không hạn chế các thức ăn chay. Nên ăn các loại trái cây tốt cho thận như táo, dưa hấu, lê,...
Người suy thận cũng cần ăn uống đầy đủ bốn thành phần là chất đường bột, chất đạm, chất béo và chất khoáng - vitamin như người bình thường.
Thực đơn trung bình cho người suy thận hằng ngày: Bột đường 300g - 450g; béo 45 - 55g, đạm 20 - 27g, khoáng - vitamin như người bình thường, tổng số calo năng lượng 1.600- 2.000 kcalo. Nên hạn chế chất đạm, uống nước vừa phải và hạn chế muối ăn, hạn chế thức ăn giàu kali.
Theo Bác sĩ Trần Quốc Ninh
Báo Sức khỏe và Đời sống