Người 44 tuổi mới được quyền công dân

Người 44 tuổi mới được quyền công dân
TP - Đó là câu chuyện về một chàng trai tật nguyền đất Bình Định tên là Huỳnh Trọng Quý, từ một đứa trẻ không cha, không mẹ, không người thân, quê quán, hơn 40 năm nay sống lê lết, tự lực cánh sinh kiếm miếng cơm manh áo che thân.

Do không rõ nguồn gốc, nên mãi gần đây người đàn ông đã 44 tuổi ấy mới chính thức được công nhận quyền công dân. Nhưng nghị lực vươn lên của anh thật đáng nể.  

“Té ra mình cũng có quyền!”

Không nhớ chính xác mình sinh ra vào tháng năm nào mà chỉ mường tượng trong đầu là mình được lớn lên trong Cô nhi viện Từ Tâm (nay là trường THPT Trần Cao Vân , TP Quy Nhơn, Bình Định).

Anh giới thiệu mình là Huỳnh Trọng Quý, sinh ngày 1/2/1964, nhưng thực chất đó không phải là họ, tên mà cha mẹ đặt cho, mà nhà chùa đã lấy ngày “hệ phái khất sĩ” làm ngày sinh tháng đẻ cho Quý. Cho đến lúc này anh cũng không biết cha mẹ mình là ai, còn sống hay đã chết.

Cuối những năm 70, cơ sở Cô nhi viện Từ Tâm giải tán, Quý được trả về Ty Thương binh xã hội (nay là Sở LĐ-TBXH) tỉnh Bình Định. Được một thời gian Quý thấy mình chỉ bị teo hai chi dưới, nhưng vẫn còn đôi tay khỏe mạnh nên đã xin tự nguyện ra ngoài kiếm sống bằng đủ thứ nghề.

Tuy sống đầu đường xó chợ, nhưng dù phụ giúp rửa bát cho quán ăn hay bán vé số dạo, đan lát, cơ khí …, Quý luôn cố gắng tìm tòi học hỏi, và để lại hình ảnh tốt đẹp bằng sự thông minh và tính cần cù của một người “tàn mà không phế”.

Người 44 tuổi mới được quyền công dân ảnh 1

Huỳnh Trọng Quý đã học và trải qua rất nhiều nghề để kiếm cơm nhưng chưa nơi nào anh bám trụ lâu dài và tâm huyết như ở cơ sở sản xuất xe máy, xe lắc dành cho người khuyết tật của anh Võ Đình Minh (người sáng tạo ra số lùi xe máy dành cho người khuyết tật).

Bởi “đây không chỉ là cái nghề đem lại cho mình một cuộc sống tự lập, mà đây còn là ân nhân, là người đầu tiên đã giúp mình tìm lại cái quyền công dân như bao người khác”, Quý tâm sự: “Suốt 44 năm nay mình chỉ là một kẻ vô gia cư phải vật lộn với cuộc sống.

Đến khi về sinh hoạt ở Hội khuyết tật Sức Sống (Quy Nhơn) và quen một cô gái rồi cả hai có ý định đi đến hôn nhân, mới biết là mình chưa có quyền công dân, như giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thì lấy cơ sở đâu để đăng ký kết hôn.

Đơn giản chỉ vì không có nguồn gốc! Nay nhờ anh Võ Đình Minh giúp đỡ, mình đã có đầy đủ quyền công dân rồi!”.

Đau đáu một nỗi niềm

Trò chuyện với chúng tôi, Quý vẫn di chuyển như một con thoi bằng đôi tay và mải miết với công trình chiếc xe mô tô bằng i-nox trông rất lạ mắt. Đây là sản phẩm đặt hàng của một vị khách nước ngoài tên là Fredrik - Bí thư thứ nhất Chính trị - Kinh tế (Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam).

Vị khách đặc biệt này mong ước biến cái mô tô đồ chơi kỷ niệm lúc tuổi thơ thành một sản phẩm độc đáo để đem về Na Uy trưng bày trong khu vườn của mình.

Nhìn Quý, chúng tôi được cảm nhận sự vui mừng trong anh như đang lan tỏa khắp cả căn nhà xung quanh chỉ toàn dầu và mỡ. Anh Minh đùa: “Từ hôm Quý có quyền công dân đến nay lúc nào cũng thấy nó cười”.

Hỏi về ước mơ, Quý chợt bần thần: “Suốt mấy chục năm qua mình đã giúp đỡ không biết bao nhiêu thành viên khuyết tật có được cái nghề trong tay, và họ hạnh phúc hơn mình vì họ có gia đình, người thân. Còn mình giấc mộng ấy đã tan vỡ từ 2 năm trước, khi chưa có giấy tờ”.

Tư lự một lúc, Quý tiếp lời: “Nay đã sống hơn nửa cuộc đời mà vẫn chưa có một miếng đất dựng cái chòi để ở. Mình chỉ mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp cho mình một miếng đầu thừa, đuôi xẹo nào đấy có thể dựng túp lều để tính chuyện xây dựng mái ấm gia đình”.

Được biết, cơ sở sản xuất kinh doanh dạy nghề cho người khuyết tật Võ Đình Minh (là nơi anh Quý đang làm việc và ở) có nguy cơ giải tán vì giá thuê mặt bằng lên quá cao. Anh Minh cho hay:

“Nếu cơ sở này giải tán thì số các công nhân khác tôi không lo vì chí ít họ cũng có nhà để sinh sống. Riêng bản thân anh Quý có nguy cơ lại rơi vào tình trạng cơ nhỡ như trước, vì anh không có chỗ nào để ở ngoài nơi này”. Hiện anh Quý là Chi hội phó chi hội khuyết tật Sức Sống (Quy Nhơn).

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền nên để tâm xem xét, giúp đỡ trường hợp khuyết tật Huỳnh Trọng Quý, người đã góp nhiều công lao đào tạo nghề cho những người khuyết tật, bản thân cũng là người khuyết tật không nơi nương tựa, để anh có thể thực hiện được tâm nguyện lớn nhất đời mình. 

MỚI - NÓNG