Ngủ gật khi đến trường

Ngủ gật khi đến trường
Thay vì mang theo tinh thần sảng khoái đến trường vào mỗi buổi sáng, hình ảnh học sinh (HS) gật gù ngủ sau lưng cha mẹ trên đường đến trường không còn xa lạ.

Ngủ gật khi đến trường

Thay vì mang theo tinh thần sảng khoái đến trường vào mỗi buổi sáng, hình ảnh học sinh (HS) gật gù ngủ sau lưng cha mẹ trên đường đến trường không còn xa lạ.

Tranh thủ ngủ trên đường đến trường
Tranh thủ ngủ trên đường đến trường. Ảnh: Đăng Trình (Thanh Niên)

Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi

Trong ngày 14-12, trên đoạn đường Liên tỉnh 5 (ngã tư Bùi Minh Trực - Liên tỉnh 5, quận 8, TP.HCM) qua cầu Nhị Thiên Đường, Tùng Thiện Vương, đến dốc cầu Chà Và (nối liền quận 5 và quận 8), chúng tôi bắt gặp đến ba trường hợp HS ngủ gật trên xe.

Tại đoạn trước cổng Phòng khám đa khoa Xóm Củi (đường Tùng Thiện Vương, quận 8, TPHCM), lúc 6 giờ 30, một phụ huynh chạy xe ba gác máy chở hai HS, trong đó có một HS nữ khoảng 14 tuổi, một HS nam khoảng 10 tuổi. Mặc xe cộ ồn ào, HS nam vẫn… trùm áo mưa và say sưa ngủ trong tư thế ngồi dựa lưng vào thành xe.

Tại điểm khác cũng trên đường này, một HS khoảng 13 tuổi trong trang phục quần xanh, áo trắng ngồi trước xe cha chở. Thỉnh thoảng cậu lại ngủ gật, dập mạnh đầu xuống thành tay lái, tỉnh giấc rồi không lâu sau lại tái diễn hành động cũ...

Trong lúc dừng đèn đỏ tại ngã tư Lương Nhữ Học - Trần Hưng Đạo, quận 5, chúng tôi tiếp tục bắt gặp hình ảnh một nữ sinh tiểu học ngồi trên xe, mắt nhắm nghiền, người dựa vào lưng cha còn tay lúc ôm, lúc… thả tự nhiên. Vì sự an toàn của con, người cha phải một tay cầm lái, một tay ngoái lại phía sau giữ con.

Tại nhiều đoạn đường khác của quận 5 như Trần Phú (có Trường tiểu học Trần Quốc Toản), Nguyễn Duy Dương (có Trường tiểu học Phạm Hồng Thái, THCS Lý Phong), đường CMT8 (quận 3), Phạm Viết Chánh (quậ 1)…, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh HS ngủ gật trên đường đến trường. Đó còn chưa kể đến chuyện, nhiều phụ huynh vì sự an toàn của con nên… cả nhà ta cùng đến trường: cha cầm lái, con ngủ, mẹ ngồi phía sau giữ con.

Áp lực từ nhiều phía

Nhiều phụ huynh khẳng định, do con em họ truy cập internet tại nhà quá khuya nên sáng không thức nổi; nhiều phụ huynh khác cho biết do đặt tiêu chí cho con là “chưa thuộc bài không đi ngủ” nên các em phải thức khuya học thuộc bài.

Một phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TPHCM) nói: “Làm như vậy chỉ muốn tốt cho kết quả học tập của con. Và chuyện cha con cùng thức đến 11, 12 giờ đêm để dò, học bài là chuyện thường xảy ra”.

Nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý nhận định: “HS đang sống lệch múi giờ khi ngày ngủ li bì, đêm thức khuya”; một số chuyên gia cho rằng HS ngủ gật trên đường đến trường còn có nguyên nhân giờ vào học buổi sáng quá sớm...

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, nhận định: “Trước kia, vào buổi sáng, HS rất minh mẫn và tiếp thu bài nhanh, nhưng nay thì ngược lại. Chu kỳ giấc ngủ của người phương Tây là ngủ trễ - dậy trễ, ở phương Đông (trong đó có Việt Nam) là ngủ sớm, dậy sớm. Nhưng hiện nay, cuộc sống của đa phần chúng ta đang có sự chuyển hóa sang ngủ trễ và dậy sớm, do tính chất công việc. Từ đó, kéo theo con em phải thích nghi theo”.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục quận 5, cho biết: “Hiện nay, HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Việc học ở lớp là chính. Về nhà phụ huynh chỉ nên cho con đọc trước hoặc xem các bài học tiếp theo cho ngày mai khoảng một giờ đồng hồ là đủ. Còn HS THCS thì một buổi học ở trường, buổi còn lại nên ôn bài vừa học trên lớp và xem trước bài mới. Đừng chờ đến tối mới học. Một đêm ngủ có 5, 6 tiếng thì không thể nào tái tạo sức khỏe tốt để tiếp thu bài vở khi lên lớp”.

Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cũng khuyên: “HS cấp một, cấp hai, trung bình mỗi ngày ngủ từ 8-12 giờ thì mới đảm bảo sức khỏe. Nếu mỗi đêm chỉ ngủ 5, 6 giờ, khi vào lớp, chắc chắn các em sẽ có trạng thái ngầy ngật, tiếp thu bài kém. Phụ huynh nên để cho con em ngủ đúng giờ để khi lên lớp tinh thần học tốt, tiếp thu bài nhanh, đỡ mất thời gian học bài tại nhà”.

Cần điều chỉnh giờ học muộn hơn

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Giờ học như hiện nay là quá sớm. Như vậy, để khắc phục tình trạng HS ngủ gật vào mỗi sáng đến trường, chúng ta cần phải thực hiện một bài toán vĩ mô của các cấp ngành, đồng bộ điều chỉnh giờ học và giờ làm việc muộn hơn hiện nay. Có như vậy, HS có thể kéo dài thêm giấc ngủ, đủ sức khỏe đến trường.

Nên học theo tuyến

Bà Lê Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM): Nguyên nhân xảy ra tình trạng HS ngủ gật trên trường đi học buổi sáng còn xuất phát từ việc cho con học trường trái tuyến xa nhà.

Chẳng hạn như gia đình ở quận này nhưng có nhiều lý do nên xin cho con học tại quận khác. Vì vậy nếu học tại trường được phân tuyến có khi chỉ cần 15 phút đến trường. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì HS không có hứng thú tiếp thu kiến thức…

Theo Bích Thanh - Minh Luân
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Ngay từ sáng sớm, khu vực tổ chức concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tại Vinhomes Ocean Park 3 đã đón một lượng lớn khán giả tập trung, háo hức chờ đến giờ check-in. Người hâm mộ đã sẵn sàng cho một bữa tiệc âm nhạc bùng nổ, “thủng nóc, bay trần, tung trời” cùng 33 Anh tài, ban tổ chức và nhà đồng đầu tư – ngân hàng Techcombank.
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.