Đây là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm trước nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, đồng thời tri ân các hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Lễ hội này được diễn ra từ ngày 4 đến ngày mồng 8 tết.
Tại Lăng ông Nam Hải ( thôn Đông xã An Hải), nơi thờ và lưu giữ bộ xương cá voi có niên đại hàng trăm năm tuổi, đồng thời cũng là nơi bảo quản thuyền Rồng ( thuyền đua của người dân trong xóm), ngay từ sáng sớm, hàng chục bô lão cùng đám thanh niên là những ngư dân trong làng vừa từ Hoàng Sa trở về đang cố sức “hò dô” khiên thuyền đua của xóm mình ra sơn sửa.
Cũng như mọi năm, năm nay, sau lễ trồng nêu đón tết (dân địa phường còn gọi là Lễ trồng đu lên phướng) cùng mọi thủ tục nghi lễ “ động ghe” thuyền đua được trang trọng khiên ra để sơn sửa chuẩn bị cho Hội đua thuyền đầu xuân mới.
Cụ ông Trương Cai, 83 tuổi, người trong làng cho biết: Trước khi khiêng thuyền ra sửa nhiều nghi lễ cầu xin thần linh được tiến hành.
“Thuyền đua được trạm trổ tinh xảo. Khi sơn sửa thuyền đua, tuyệt đối cấm kỵ những người cao số hoặc có tang gia... tham dự. Thợ sửa thuyền phải là người có tâm có đức và có hậu vận...", cụ Cai bộc bạch.
Đầu, đuôi thuyền đua được trạm trở tinh xảo và được người dân coi đây là thuyền của thần linh.
Theo nghi lễ, trước khi tiến hành sơn sửa thân thuyền, việc đầu tiên mà người thợ mộc cần làm là hoàn tất các công đoạn sơn sửa đầu đuôi thuyền đua rồi đưa vào lăng thờ nơi trang trọng nhất.
Ngư dân Trương Văn Phúc, một vận động viên của đội thuyền Rồng thôn Đông xã An Hải, cho biết: Thuyền đua là báu vật của làng. Sau khi được thợ mộc sơn sửa xong, nghi lễ hạ thủy được chủ lăng đứng ra tiến hành. Thuyền đua được người dân trong xóm tập trung đưa xuống nước để thử. Nếu thuyền đua đi không nhanh, độ lướt sóng chậm, phải sửa lại, cho đến khi thuyền nhẹ đi mau mới thôi.
Sơn sửa thuyền đua phải trải qua nhiều công đoạn và nhiều nghi lễ tâm linh, vì vậy đối với người dân trên đảo Lý Sơn, mỗi khi tết đến xuân về, ngoài việc chuẩn bị sắm tết cho gia đình mình, thì việc sửa lại thuyền đua không kém phần quan trọng.
Quan niệm của người dân trên đảo cho rằng, nếu thuyền đua của xóm mình năm đó đi trước, thì việc làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa còn không thì ngược lại.