Ngổn ngang phận người sau bão

Ngổn ngang phận người sau bão
TP - Huyện Vũng Liêm bị thiệt hại do bão Durian nặng nhất tỉnh Vĩnh Long với 1 người chết, 31 người bị thương, hơn 9.000 ngôi nhà sập và tốc mái, nhiều trường học, trạm xá hư hỏng nặng.
Ngổn ngang phận người sau bão ảnh 1
Chòi lá của gia đình anh Nguyễn Thành Đại được dựng lên sớm nhất ở xã Thanh Bình sau khi bão đi qua.

Đã nhiều ngày sau cơn bão, bà con ở đây vẫn cảnh “màn trời chiếu đất”.

Mất trắng vựa trái cây

Ngày 8/12, tôi đến xã cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm) bên sông Cổ Chiên, đường đi vẫn bị cây ăn trái gãy đổ bít lối. Sầu riêng, xoài, bưởi đang mùa thu hoạch trốc rễ nằm ngổn ngang, lưa thưa một vài cây sót lại thì trơ trụi lá. Xã không trồng lúa hoặc hoa màu, sống nhờ vào 340 ha cây ăn trái nay mất trắng.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhanh xót xa: “Bà con trồng gần 10 năm, chỉ 3 tháng nữa là thu hoạch, như thế này dân xã tôi sẽ thiếu ăn trong vòng 10 năm tới”. Xã có 2.600 hộ dân thì hơn 1.500 căn nhà bị sập hoặc tốc mái và hàng ngàn người vẫn cảnh “màn trời chiếu đất”.

Cả xã có 3 người bị thương do cây sầu riêng đè phải. Chủ tịch Nguyễn Văn Nhanh than thở: “Dân xã từ trước tới giờ chưa thấy bão nên chủ quan. Nếu bão tràn vào ban đêm thì không biết sẽ thế nào nữa”.

Liền kề xã Thanh Bình, xã cù lao Quới Thiện cũng điêu tàn sau cơn bão, 1.550 căn nhà sập và tốc mái, 720 ha cây ăn trái bị bẻ gãy hoang tàn. Thanh Bình và Quới Thiện là hai xã nổi tiếng về đặc sản trái cây của tỉnh Vĩnh Long.

Trong vòng 10 năm tới, những đặc sản sầu riêng, bưởi năm roi, xoài ở đây sẽ không còn trên thị trường, kèm theo nó là cảnh lao đao của hơn 5.000 hộ dân.

Ngổn ngang sau bão

Trung tâm của xã Thanh Bình (Vũng Liêm, Vĩnh Long) nhá nhem trong cảnh hoàng hôn bàng bạc. Bà Phan Thị Hà kê lại mấy viên gạch giữa nền đất trống mấy ngày trước còn có căn nhà để đun nồi cháo trắng cho bữa tối.

Chỉ vào hai miếng ván đặt cạnh đống lá, bà nói: “Tối đến tôi ngủ ở đó, ngủ lại trụ sở xã hai hôm trước, tối nay chuyển về đây vì nhớ… nhà quá, nếu mưa thì lại chạy vào trụ sở xã”.

 Ngày 9/12, lãnh đạo UBND huyện Vũng Liêm đi khảo sát tình hình thiệt hại tại các xã. Trước mắt, UBND tỉnh Vĩnh Long và huyện Vũng Liêm chi 1,5 tỷ đồng giúp đỡ các hộ nghèo, chính sách.

Cũng trong ngày, hàng ngàn chiến sỹ công an, quân đội, đoàn viên thanh niên được điều đi các xã giúp đỡ dân dựng nhà và phòng chống dịch bệnh.

Tôi hỏi bao giờ dựng lại nhà, bà rớm nước mắt lắc đầu. Nhà nghèo, bà buôn bán nhỏ nuôi hai đứa cháu ăn học. Hôm bão đến, bà bị lật đò ở sông, may mà thoát chết. Trở về thì thấy nhà không còn, đồ đạc cũng bị cuốn mất. Không còn gì nữa, nhờ hàng xóm cho ít gạo, muối sống qua ngày.

“Ở đây bà con ai cũng khổ cả, chỉ giúp nhau được dăm bữa nửa tháng thôi, chẳng biết mai mốt sống thế nào” - Bà Hà nói rồi nhìn nồi cháo trên bếp, lại nhìn bâng quơ lên bầu trời hoàng hôn. Trong ấp có chị Nguyễn Thị Nhiên hay mang gạo phát cho bà con cứu đói, nay nhà chị Nhiên cũng bị tốc mái chưa lợp lại.

Láng giềng của bà Hà, gia đình anh Nguyễn Thành Đại vừa dựng được cái chòi đủ kê một chiếc giường. Gia đình anh có 3 người, đứa con gái lớn phải đi ngủ nhờ hàng xóm. Anh thuộc diện “may mắn” vì bão chỉ đánh sập ngôi nhà chứ không cuốn mất.

Sau một ngày nhặt nhạnh tre gỗ vụn, anh cất được cái chòi. Việc ăn uống tất nhiên là ngoài trời. Vệ sinh thì …chờ đêm xuống ra sông Cổ Chiên. Anh cũng như nhiều hộ khác không biết bao giờ mới dựng lại được nhà ở.

“Vật liệu tăng giá hàng chục lần, lại còn phải xếp hàng để mua, vì các chủ hiệu phải bán hạn chế sao cho đều” - Anh Đại nói.

Chị Hiền, vợ anh thì thở dài vì nhà hết cái ăn mà không kiếm đâu ra tiền. Đêm đến, cả xã tối mịt, đôi chỗ le lói ánh đèn dầu. Tiếp tôi trong trụ sở, ông Điền Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, không còn điện nước, sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn. Lo nhất là dịch bệnh sau mùa bão, trạm xá của xã đã bị bão tàn phá mất rồi.

“Dân đang thiếu thốn đủ thứ, nhiều nơi sau bão, dân chỉ còn một bộ quần áo mặc trên người” - Ông Phước nói.

Mấy ngày nay dân chờ được hỗ trợ nhưng thủ tục rườm rà nên chưa biết bao giờ mới được nhận. Chính quyền xã cũng bất lực vì không có kinh phí dự phòng. Nhiều cán bộ xã cũng mất nhà trong bão hiện đang lao đao.

MỚI - NÓNG