Ngôi làng nhà nào cũng có… con nuôi

Một góc làng My
Một góc làng My
Ngôi làng ở Lào Cai này có truyền thống nhận con nuôi và coi đứa trẻ nhận về nuôi là “thần may mắn”.

Kỳ 1: Kỳ thú tục nhận con nuôi

Ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng, Lào Cai), có một ngôi làng có cái tên rất đẹp, ấy là làng My, ngôi làng có 100% người Dao Tuyển.

Chúng tôi đến ngôi làng này đúng ngày cả làng vui như hội. Người dân ai nấy trang phục áo dài, áo ngắn từ nhà anh Tiến “voi” khật khừ đi ra. Hóa ra, họ đến nhà anh Tiến để uống rượu, mừng anh Tiến “tậu” được cậu con nuôi.

Ngôi làng nhà nào cũng có… con nuôi ảnh 1

Đường vào làng My 

Thầy cúng Đặng Văn Chung mặt đỏ phừng phừng bảo: “Dân làng ta vừa đi ăn mừng lễ nhận con nuôi ở nhà Tiến “voi” về, mấy hôm nữa lại ăn nhà Tiến “còi”…”.

Làng My có hai anh Lý Văn Tiến nên phải gọi là Tiến “voi” và Tiến “còi”. Sở dĩ phân biệt như thế, vì một Tiến thì to, một Tiến thì còi dí.

Anh Tiến “voi” mới nhận con nuôi nên phải làm lễ nhận con theo đúng phong tục. Cúng bái, liên hoan suốt hai ngày liền. Anh Tiến “voi” cũng nhận con nuôi trùng ngày với anh Tiến “còi”, nhưng chờ anh Tiến “voi” làm lễ xong rồi mới đến lượt anh.

Nhà anh Tiến “voi” nằm ở cuối làng, phải cuốc bộ lòng vòng qua những con đường mòn nhỏ xíu bám sát vào núi.

Tiến “voi” sinh năm 1984, lấy vợ là Hoàng Thị Kim, cùng bản, nhưng ở với nhau 4 năm trời mà chưa có con. Thực tế, vợ chồng Tiến đã đẻ những 3 lần, nhưng toàn đẻ non và không nuôi được. Bác sĩ ở bệnh viện Lào Cai bảo hoãn đẻ vài năm, kẻo đẻ nhiều hỏng dạ con.

Người trong làng kháo nhau: “Vợ chồng thằng Tiến “voi” không nhận con nuôi lấy may thì chỉ có nước tuyệt tự tuyệt tôn”. Họ hàng trong nhà cũng đều nghĩ như vậy nên bàn cách kiếm cho vợ chồng Tiến “voi” một đứa con nuôi theo phong tục của làng.

Trong thời gian đó, ở làng có anh Lý Văn Tiến “còi”, cũng muốn nhận thêm con nuôi, vì anh mới chỉ có hai cô con gái. Tiến “voi” và Tiến “còi” cưỡi xe máy đi khắp các thôn bản trong tỉnh suốt mấy tháng trời, rồi bắn tin khắp nơi, những mong tìm được người cho con.

Sau nhiều ngày vất vả, hai người cũng tìm được hai gia đình cho con ở mãi huyện Xín Mần (Hà Giang), cách nhà những 150km. Hai gia đình cho con là người La Chí, rất nghèo và đông con.

Ngôi làng nhà nào cũng có… con nuôi ảnh 2

Cháu bé người La Chí mà anh Tiến "voi" mới nhận về làm con nuôi 

Với người La Chí, nhà nào đẻ nhiều con trai thì cả đời chỉ làm lụng kiếm tiền cưới vợ cho con, do vậy, nhà nào đẻ nhiều con trai thì họ thường tìm cách cho vợi đi. Có con gái, khi gả chồng được thách cưới bạc nén, lợn tạ, nên họ thích đẻ nhiều con gái.

Nói là xin con, nhưng cả Tiến “voi” và Tiến “còi” đều phải chuẩn bị mỗi người 5,2 triệu đồng làm lễ. Anh Tiến “voi” phải bán một con trâu rồi vay mượn thêm khá nhiều mới đủ tiền lo toàn bộ chi phí.

Tục cho con của người La Chí và xin con của người Dao Tuyển cũng khá rườm rà, nên hai gia đình phải đi về rất vất vả. Nếu hôm đi xin con mà gặp nai, hoẵng, rắn thì phải quay về, còn gặp sấm sét, giông bão hoặc đến nhà đúng lúc đứa bé đang ngủ thì không xin đứa bé đó nữa, vì thần linh đã “nhắc nhở” rằng sẽ không nuôi được nó.

Hôm tiễn con, gia đình người La Chí cũng thịt một con lợn và rất nhiều gà vịt để liên hoan linh đình. Thầy cúng hát bài tiễn đưa, bà nội dặn dò cháu (dù cháu bé mới có vài tháng tuổi), còn người mẹ phải đứng bên bậu cửa khóc lóc.

Cúng tổ tiên xong, một người trong họ đứng ra phát biểu: “Từ nay hai nhà tình cảm như thông gia nhé. Mày nuôi cháu tao, cho nó ăn tốt, chóng lớn vào nhé…”.

Thủ tục cuối cùng là người mẹ bế con đặt lên vai người xin, rồi đưa cho mấy trăm ngàn, với ý nghĩa trả công nuôi con mình. Anh Tiến “voi” và Tiến “còi” phải vác cháu bé chạy thật nhanh ra xe rồi chạy thẳng về nhà, mà không được vào nhà ai nghỉ ngơi.

Đấy mới chỉ là thủ tục làm ở nhà cho con, còn nhà nhận thì vô cùng rắm rối, phức tạp, nhiều nghi lễ.

Nghi lễ đầu tiên là lễ cầu con nuôi. Lễ cúng này có tính chất như một lời thách đố của gia chủ đối với thần linh: “Nếu thần linh “giỏi” và linh thiêng thì hãy cho gia chủ một đứa con, gia chủ xin được tạ ơn chu đáo”.

Chủ nhà phải mời 2 thầy cúng chính và 6 thầy cúng phụ, mua 1 tạ gạo, 4 con lợn, 100 lít rượu, 10 đồng bạc trắng… và dựng chay đàn để tiến hành lễ trong suốt 2 ngày 2 đêm.

Trong buổi cúng, 2 thầy cúng chính ở chay đàn, còn 6 thầy cúng phụ đóng giả người đại diện cho Đế Mẫu và ở trong rừng cùng đứa trẻ. Khi ở trong rừng, các thầy cúng hóa trang cho mình và đeo mặt nạ cho đứa bé. Lễ cúng này thể hiện với tổ tiên, thánh thần mong muốn có con của chủ nhà.

Sau 2 ngày đêm cúng bái, các thầy cúng phụ đưa đứa trẻ cho chủ nhà và nhận bạc trắng. Sau đó, các thầy phụ quay lại rừng và đi về chứ không ăn lễ. Mỗi người trong họ sẽ mừng cho cháu bé một ít tiền.

Tiếp đó là lễ cúng tổ tiên được chọn vào một ngày rất đẹp, cũng do thầy cúng đảm nhiệm. Mục đích của lễ cúng là thông báo cho tổ tiên biết và cảm ơn tổ tiên đã giúp con cháu tìm được người con nuôi.

Thầy cúng sẽ đốt chỗ giấy vàng bạc, coi như bên nuôi gửi vàng bạc cho tổ tiên bên bố mẹ đẻ để tổ tiên ban hồn đứa trẻ cho gia đình cha mẹ nuôi. Thầy cúng đi một vòng theo chiều kim đồng hồ, có nghĩa là đi nhận hồn đứa trẻ từ tổ tiên bên cha mẹ đẻ. Sau đó, thầy cúng lại đi một vòng ngược chiều kim đồng hồ, có nghĩa là trao hồn đứa trẻ cho bố mẹ nuôi.

Thầy cúng đã đóng vai trò “liên lạc” giữa thế giới của những người đang sống và thế giới bên kia. Kể từ đây, đứa trẻ chính thức trở thành thành viên của gia đình cha mẹ nuôi.

Một nghi lễ không thể thiếu, đó là lễ đặt tên cho con nuôi, hay còn gọi là lễ cấp sắc. Lễ này cũng gắn với một truyền thuyết xin con nuôi rất xa xưa của người Dao Tuyển.

Chuyện rằng, mẹ (tổ tiên) của người Dao Tuyển từng phá bỏ thai nhi, nên đời sau, kiếp sau linh hồn đứa bé trả thù, làm cho không có con, hoặc toàn sinh con gái, khiến cả đời cô đơn, lạnh lẽo. Các thầy mo đã chống lại sự trả thù bằng cách dạy bảo dân bản nhận con nuôi và làm các thủ tục biến con nuôi thành con đẻ của mình.

Bước đầu tiên của lễ đặt tên là tiến hành lễ “tống hư hoa”, tiếng Dao Tuyển là “thung hủi wỏa”, tức là đưa linh hồn đứa bé hư đi, để nó không còn làm phiền gia đình nữa.

Chủ nhà sẽ làm những tấm phên rộng khoảng 10cm, chiều dài khoảng 20-25cm. Thầy cúng dùng tờ giấy vàng hoặc bạc (ba tờ chập một) gấp thành một hình chữ nhật nhỏ dài đặt lên trên một phên, sau đó cứ một lượt phên lại một lượt giấy. Dùng một sợi dây nhỏ buộc chồng phên giấy lại. Sau đó đặt chồng phên này lên một cái chậu. Chậu này tượng trưng cho chiếc thuyền.

Thầy cúng bê chậu đi ba vòng theo chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho việc leo lên núi Hoa Sơn để xin Đế Mẫu tha tội cho nhà chủ để có con, sau đó đốt hết chồng phên và giấy. Đốt xong, thầy cúng đi một vòng ngược chiều kim đồng hồ. Đến đây, coi như bà Đế Mẫu đã chấp nhận tha tội cho người vợ của chủ nhà và không để cho linh hồn của những đứa bé đã chết quấy rối gia đình nữa.

Sau đó, thầy cúng tiến hành lễ cấp sắc như bình thường, một nghi lễ quan trọng nhất trong đời một con người để đặt tên cho đứa trẻ. Từ đây, đứa trẻ sẽ là một thành viên trong bản làng, có tiếng nói và sự bình đẳng như những thành viên khác.

Theo Phong Nguyệt

Theo VTC News
MỚI - NÓNG