Các cán bộ ở Trung tâm IV đã dày công sưu tầm, phục chế, chỉnh lý khoa học khối bản gốc Mộc bản Triều Nguyễn đồ sộ gồm 34.618 tấm. Đó là những bản gỗ cây nha đồng (tục danh là sống mật với thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi) khắc ngược những chữ Hán – Nôm dùng để in sách vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Ngày 31-7-2009, Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới và Trung tâm IV trở thành nơi bảo quản di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm IV đã tìm được nhiều tài liệu quý giá phản ánh dấu ấn Thăng Long – Hà Nội xưa như Mộc bản khắc Chiếu dời đo của vua Lý Thái Tổ năm 1010, Mộc bản khắc sự kiện vua Minh Mạng đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội năm 1831 và nhiều tài liệu quý hiếm khác.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tìm được 14 tài liệu (khắc trên 17 mặt gỗ) trong khối Mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền thiêng liêng đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây hiện là những bản khắc cổ nhất được tìm thấy khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với những quần đảo này. Đơn vị đã xác định niên đại, dịch các tài liệu trên gửi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép công bố, sử dụng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Trung tâm IV còn tiến hành trùng tu khu biệt thự của Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân bị bỏ hoang phế hàng chục năm tại TP Đà Lạt. Hiện các biệt thự Hồng Ngọc, Lam Ngọc, Bạch Ngọc đã tìm về vẻ đẹp thuở ban đầu; bể bơi nước nóng, vườn hoa Nhật Bản xinh xắn với hồ nước hình bản đồ Việt Nam và thác nước mi ni cũng được tôn tạo. Đồng thời, Trung tâm IV làm hàng trăm phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn rồi mang ra trưng bày tại khu biệt thự phục vụ khách tham quan.