Ngọc mắt mèo nghi chứa xác côn trùng 7 triệu năm

Nguyên nhân sinh vật cổ, nhiều khả năng là côn trùng có cánh trưởng thành, kẹt trong mảnh ngọc vẫn là một bí ẩn với giới khoa học.

Các nhà khoa học cho rằng mảnh ngọc mắt mèo (Opal) tìm thấy trên đảo Java, Indonesia, có thể chứa xác côn trùng ít nhất 4 - 7 triệu năm, National Geographic hôm 30/1 đưa tin.

Nhiều côn trùng cổ từng được tìm thấy bên trong hổ phách hay nhựa cây hóa thạch. Tuy nhiên, ngọc mắt mèo thường hình thành từ dung dịch gồm nước và silica dưới những lỗ hổng trong trong lòng đất, kết tinh qua hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm. Điều này khiến giới nghiên cứu đặt câu hỏi về nguyên nhân côn trùng chết kẹt trong mảnh ngọc.

Jenni Brammall, chuyên gia về ngọc mắt mèo và hóa thạch tại Trung tâm Ngọc mắt mèo Australia, biết đến mẫu vật kỳ lạ này từ năm 2017. Tuy nhiên, vì mới chỉ nhìn ảnh và chưa có nghiên cứu khoa học nào được công bố, Brammall rất khó đưa ra ý kiến chi tiết. Bà hy vọng đó thực sự là mảnh ngọc chứa xác côn trùng. Nếu vậy, nó sẽ hé lộ những thông tin rất thú vị về quá trình hình thành của ngọc mắt mèo.

Ngọc mắt mèo nghi chứa xác côn trùng 7 triệu năm ảnh 1

Một mẫu hóa thạch côn trùng kẹt trong hổ phách 99 triệu năm. Ảnh: Field Museum.

Mảnh ngọc kỳ lạ được một thương gia Nhật Bản tìm thấy năm 2015, qua tay vài người trước khi nhà ngọc học Brian T. Berger mua lại. Berger cũng nghi ngờ về tính xác thực của mẫu vật và gửi đi phân tích tại Viện Đá quý Mỹ (GIA). Các chuyên gia tại đây cho rằng nó là ngọc tự nhiên, không phải đồ giả hay bị can thiệp.

Giới khoa học đã phát hiện nhiều hóa thạch ngọc mắt mèo ở Lighting Ridge, Australia. Chúng hình thành khi dung dịch silica chảy vào lỗ hổng từng chứa xương hoặc răng, sau đó kết tụ thành ngọc mắt mèo, giống như cách thạch được tạo ra trong khuôn đúc.

Nhà cổ sinh vật học Phil Bell tại Đại học New England hoài nghi việc côn trùng được bảo quản theo cách này, dù không phải bất khả thi. Trong khi đó, Berger và nhiều chuyên gia khác nhận định, có thể xác côn trùng bị kẹt trong hổ phách, sau đó tiếp tục bị dung dịch silica bao bọc và trở thành ngọc mắt mèo.

Dựa vào độ nhăn của cánh, đây nhiều khả năng là con trưởng thành của một côn trùng có cánh vừa vượt qua giai đoạn nhộng, theo nhà côn trùng cổ Ricardo Pérez-de la Fuente tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Oxford. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, cần phải nghiên cứu kỹ mẫu vật trước khi đi tới kết luận.

Thomas van de Kamp, nhà côn trùng học tại Viện Công nghệ Karlsruhe, hy vọng có thể quét tia X và tái dựng hình ảnh 3D để phân tích chi tiết mẫu vật. Nhiều hóa thạch côn trùng được tìm thấy trong hổ phách và thường là loài sống trên cây. Tuy nhiên, mẫu vật ngọc mắt mèo có thể hé lộ về một sinh vật sống ở môi trường hoàn toàn khác.

Berger đang trao đổi với các chuyên gia để hợp tác nghiên cứu mảnh ngọc đặc biệt. Sau khi nghiên cứu, ông dự định bán nó cho bảo tàng, đem tặng hoặc giữ lại và chỉ cho mượn để trưng bày.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG