Mùa giải đầu tiên thời kỳ "hậu Alex Ferguson", Liverpool tiến đến sát vinh quang nhưng rồi trượt ngã. Man City tận dụng cú sa chân của đối thủ để trở lại ngôi vô địch, nhưng cũng bất lực trong việc mở ra một đế chế. Chelsea của Jose Mourinho năm ngoái có một chức vô địch thuyết phục, nhưng nay đã sa sút không phanh và trở thành nhà cựu vô địch khi mùa giải còn chưa trôi qua phân nửa. Arsenal cho thấy tiềm năng, nhưng khi tất cả mọi người kỳ vọng, họ trở lại với gương mặt thất thường quen thuộc.
Khi Alex Ferguson nghỉ hưu, tất cả đều thấy thời cơ của mình đã đến. Nhưng rốt cục sự vội vàng đã làm hại họ. Đội bóng duy nhất "kiên trì một cách bền vững" chính là... Man Utd, đến mức các CĐV của họ đang kêu gào Louis van Gaal hãy từ chức. Sir Alex đã nói gì trong ngày từ biệt? Ông nhắn nhủ người hâm mộ là hãy yêu lấy HLV tương lai của mình, như họ từng yêu và ủng hộ ông. Ông kể lại câu chuyện về khởi đầu chệch choạc của bản thân, đến mức ngỡ như đã bị sa thải, nhưng khi qua được những thác ghềnh ấy, đế chế sẽ được hình thành.
Nếu bạn nhìn lại những vương triều vĩ đại trong lịch sử, sẽ thấy nó được dựng lên bởi mồ hôi và nước mắt. Phải nếm mật nằm gai, phải chờ đợi thời cơ và khi thời cơ đến dứt khoát phải chộp lấy. Nhưng Ngoại hạng Anh đang rơi vào một cơn hì hục vội vã, mà ở đó, người ta không còn biết kiên nhẫn là gì nữa. Cả giải đấu trở thành một cỗ máy kiếm tiền. Sau khi mua về những ngôi sao hàng đầu, các CLB Anh giờ chiêu mộ thêm HLV hàng đầu. Và khi đã có trong tay những nguyên liệu tốt nhất, các ông chủ không thích chờ đợi, không thể chờ đợi. Những án sa thải liên tiếp được đưa ra, mà toàn là ở những CLB lớn. Liverpool xuống tay với Brendan Rodgers. Chelsea xuống tay với thầy của Rodgers, là Jose Mourinho. Còn Man Utd thì rục rịch trảm luôn thầy của Mourinho, là Louis van Gaal.
Van Gaal đã hờn trách truyền thông trong cuộc họp báo trước trận gặp Stoke City, rồi trước sự chán ghét của công chúng, ông nói: "Chẳng cần phải sa thải, có khi tôi sẽ tự nghỉ". Van Gaal là người đặt những viên gạch nền tảng tại Barca rồi Bayern Munich, tạo tiền đề để những người đến sau như Frank Rijkaard, Pep Guardiola và Jupp Heynckes đưa hai CLB này lên đỉnh cao. Ông đang làm điều tương tự tại Man Utd, nhưng người ta không quan tâm đến điều đó. Họ muốn có những trận đấu tưng bừng, họ muốn nhìn thấy thành công ngay tức thì.
CLB Anh nào cũng muốn có Alex Ferguson, nhưng đó là đại nhân vật ngàn năm có một, đâu phải muốn là có. Ngoài ra, họ cũng không tạo môi trường để những "Alex Ferguson mới" phát triển. Mourinho đang cố thay đổi bản thân để có thể tạo ra di sản lâu dài, nhưng vẫn bị xuống tay không thương tiếc. Rodgers, đang vẫy vùng trong cơn lũ chấn thương và định nghĩa lại giá trị Liverpool thời hậu Steven Gerrard, cũng bị sa thải chỉ sau khởi đầu không tốt. Rốt cục bây giờ, đội dẫn đầu bảng điểm là một Leicester City hoàn toàn không mang một áp lực gì. Sự hồn nhiên của họ đã phơi bày gương mặt hoảng hốt của các đại gia.
Trong cõi hỗn mang của kỷ nguyên hậu Ferguson, Leicester, với sự vô tư và sức ép gần như bằng không, đang thăng hoa, dẫn đầu cuộc đua đến ngôi báu. Ảnh: Reuters.
Ngoại hạng Anh trước và sau khi Ferguson nghỉ hưu quả thực là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Trước khi ông nghỉ, Man Utd là một đế chế mà tất cả phải kính phục. Với cầu thủ, ông là một người cha tinh thần. Với các ông chủ, ông là một nhân viên kiệt xuất. Với Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), ông là một người khả kính, người đã giúp nâng tầm không chỉ một CLB mà còn cả một giải đấu. Với các đối thủ, ông vừa là một người đáng ghét, nhưng cũng đáng sợ.
Nhưng Sir Alex nghỉ hưu, Ngoại hạng Anh mất đi một "Bố già" thực thụ. Không khác gì cuộc tranh đấu đẫm máu của "ngũ đại gia đình" trong bộ truyện nổi tiếng của Mario Puzzo. Cũng giống như trong Game of Thrones, cái chết của vương triều hùng mạnh Targaryen đã đẩy thất đại đô thành vào một thời loạn lạc. Ai cũng muốn ngai sắt, nhưng không ai đủ sức mạnh và sự lạnh lùng để có thể ngồi vào chiếc ghế ấy.
Có ý kiến rằng chẳng phải Ferguson tạo ra sự hỗn mang, mà chính vì lường trước sự hỗn mang rồi chủ động nghỉ hưu. Ngay cả khi việc ấy có thật, thì ông cũng là một người quá giỏi để có thể tiên liệu mọi việc. Nhưng đừng quên là năm 2003, khi Ngoại hạng Anh cũng đang đứng trước một bước ngoặt lớn là thay thế Serie A trở thành giải đấu số một châu Âu, Sir Alex cũng từng tính nghỉ. Ngày ấy, người ta tin là ông đã hết thời và sẽ không thể gây dựng được một đế chế mới như cú ăn ba thần thánh năm 1999. Ông trả lời họ với... năm chức vô địch Ngoại hạng Anh, một chiếc Cup FA, ba Cup Liên đoàn, và một danh hiệu Champions League.
Thành công quá lớn mà Ferguson mang lại đồng nghĩa với mặt trái là sức ép khủng khiếp đè nặng lên những người kế nhiệm ông ở Man Utd.
Và tất cả những điều đó đang gieo tai họa cho những HLV đến sau của Man Utd như David Moyes và Louis van Gaal. Man Utd ký với họ những hợp đồng dài hơi, với tâm thế sẵn sàng chờ đợi, nhưng nửa chừng lại không muốn chờ nữa. Công trình đang dần thành hình phải đập đi xây lại. Và những khi ấy, họ cứ nuôi mãi một mộng tưởng: giá như Ferguson trở lại!