Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12, PV Tiền Phong có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, về quan hệ giữa hai nước.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, trong cuộc chia sẻ với báo chí tại nhà riêng ngày 8/12. Ảnh: Thu Loan |
Ông Quang cho rằng ngoại giao nhân dân có vai trò rất quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở tình hữu nghị thực sự của nhân dân hai nước. Tình hữu nghị đó được xây dựng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau.
Ông Quang có thời gian công tác chính thức tại Trung Quốc là 9 năm. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1991, ông được cử sang Trung Quốc vào đầu năm 1992, làm Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam trong 4 năm, sau đó ông về nước làm Vụ trưởng Vụ Trung Quốc của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Năm 2007, ông được cử sang Trung Quốc làm Công sứ, tức Phó Đại sứ, trong 5 năm. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, ông sang Trung Quốc hằng năm.
Các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc biểu diễn Ảnh: nhahatmuaroivietnam.vn |
Ông Quang rất nỗ lực quảng bá văn hóa Việt sang ở Trung Quốc. Tết Tân Mão 2011, ông lên sóng truyền hình trực tiếp kể về chuyện Việt Nam không có năm con thỏ, mà chỉ có năm con mèo. Nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng 12 con giáp của Việt Nam cũng giống của Trung Quốc. Trong chương trình đó, ông Quang kể rằng mỗi đứa trẻ ở Việt Nam đều lớn lên với lời ru của bà, của mẹ: “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà...”. “Những động vật gần gũi ở Việt Nam phải kể đến con chó, con mèo, con gà, con trâu. Văn hóa Việt Nam cũng phản ánh điều đó, nên 12 con giáp phải có con mèo chứ không phải con thỏ”, ông nhớ lại chuyện đã nói khi đó.
Ông Nguyễn Vinh Quang mong muốn các nhà ngoại giao trước khi ra nước ngoài nhận nhiệm vụ được đào tạo kỹ về văn hóa, để có thể lan tỏa bản sắc của dân tộc ra thế giới.
Cũng trong chương trình, ông nói về chuyện trong đêm Giao thừa, người Việt Nam thường ra đường hái lộc non về cắm trong nhà, còn Trung Quốc không có tục này. Chữ “lộc” nghĩa là bổng lộc trong tiếng Hán, nhưng trong tiếng Việt còn có nghĩa là “chồi non”. Người Việt đánh đồng chồi với lộc, nên hái được chồi non cũng là hái được lộc cho cả năm may mắn; điều này thể hiện sự sáng tạo trong văn hóa Việt Nam. Cũng trong dịp Tết, người Việt Nam và người Trung Quốc đều có tục tiễn ông Công ông Táo về Trời. Có điểm khác là người Trung Quốc cúng gạo nếp để ông Công ông Táo lên Trời báo cáo với Ngọc hoàng cho dẻo miệng.
Đưa phim Việt lên truyền hình Trung Quốc
Là người mê âm nhạc từ bé, ông Quang rất coi trọng vai trò của âm nhạc. Ông cho biết đã kỳ công thực hiện chương trình “Du lịch Việt Nam bằng con đường âm nhạc”, để giới thiệu âm nhạc đặc trưng của Việt Nam với người Trung Quốc.
Khi thấy nhiều phim Trung Quốc được chiếu ở Việt Nam mà chưa có phim Việt Nam nào được chiếu ở Trung Quốc, ông Quang quyết đưa bằng được một bộ phim Việt sang nước bạn. Năm 1995, khi phim “Cỏ lau” của Việt Nam đạt giải Ngọn đuốc vàng Liên hoan phim Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ông đã gọi điện về Bộ Văn hóa đề nghị để phim đó lại Bắc Kinh. Cuối cùng, nguyện vọng đưa phim Việt lên sóng truyền hình Trung Quốc đã thành công.
Theo ông Quang, nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng, tạo cơ sở để nhân dân giao lưu và hiểu nhau hơn; trong văn hóa Việt Nam có nhiều đạo lý mà người Trung Quốc cũng hiểu được và ngược lại. Những điều đó tạo thành giao thoa văn hóa.