Ngỡ ngàng nền kinh tế của các cầu thủ Morocco đang gây sốt tại World Cup

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vòng tứ kết World Cup 2022 đã bất ngờ gọi tên Morocco khi đội bóng của “những chú sư tử Atlas” xuất sắc giành chiến thắng trước đội Bồ Đào Nha. Vậy nền kinh tế nước này ra sao?

Theo Wikipedia, Morocco là nền kinh tế lớn thứ 5 ở châu Phi tính theo GDP. Trong báo cáo cạnh tranh châu Phi 2014-2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã gọi Morocco là nền kinh tế cạnh tranh nhất ở Bắc Phi.

Theo Statista, GDP năm 2021 của Morocco ở mức 142,87 tỷ USD và được dự báo sẽ liên tục tăng từ năm 2022 đến năm 2027 với tổng mức tăng khoảng 43 tỷ USD, tương đương tăng 30,1%.

GDP đầu người của Morocco, theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào tháng 7 vừa qua cho biết đạt 9.041 USD, xếp hạng 126 trên thế giới. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 111, với GDP đầu người ở mức 12.881 USD.

Ngỡ ngàng nền kinh tế của các cầu thủ Morocco đang gây sốt tại World Cup ảnh 1

Đội tuyển Morocco hạ gục Bồ Đào Nha ở tứ kết và giành suất đá bán kết World Cup 2022. Các cầu thủ Morocco trở thành hiện tượng gây sốt với toàn thế giới (Ảnh: AFP).

Nền kinh tế Morocco tương đối tự do, từ năm 1993, Morocco đã thực hiện tư nhân hóa một số lĩnh vực kinh tế. Khu vực dịch vụ chiếm một nửa GDP nước này. Ngành công nghiệp bao gồm khai thác, xây dựng và sản xuất đóng góp 1/4 GDP. Các ngành có mức tăng trưởng cao nhất là du lịch, viễn thông và dệt may.

Nông nghiệp mặc dù chỉ đóng góp 14% GDP nhưng lại sử dụng đến 40-45% dân số Morocco. Với khí hậu bán khô hạn, khó đảm bảo được lượng mưa tốt quanh năm nên GDP trong lĩnh vực này của Morocco cũng thay đổi theo thời tiết.

Nền kinh tế Morocco có độ mở tương đối lớn với thế giới bên ngoài. Theo thông tin từ Đại sứ quán Morocco tại Việt Nam, Morocco đang hướng tới xây dựng nền kinh tế mở, đa dạng, theo định hướng thị trường. Đất nước Bắc Phi này cũng thu hút đầu tư nhờ vị trí địa lý gần với châu Âu và chi phí lao động tương đối thấp.

Những năm gần đây, Morocco đã tăng cường đầu tư vào cảng biển, giao thông, hạ tầng công nghiệp để định vị là một trung tâm kinh tế, thương mại và đầu tư của châu Phi và tăng tính cạnh tranh cho đất nước này. Năm 2019, Morocco đã đưa vào hoạt động cảng Tanger Med 2, đưa tổ hợp cảng Tanger Med trở thành cảng có công suất số 1 ở Địa Trung Hải, với sức chứa hơn 9 triệu container.

Trước đó, tháng 11/2018, Morocco cũng đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Phi. Đây là dự án trị giá 2 tỷ USD do Morocco, Pháp, Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cùng hợp tác đầu tư, xây dựng. Với tốc độ lên tới 200 dặm/h, đây là con tàu cao tốc nhanh nhất ở châu Phi thời điểm đó.

Nguồn lực chính của nền kinh tế Morocco là nông nghiệp, khai thác phốt phát và du lịch. Morocco là nhà sản xuất phốt phát lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Do đó, sự biến động của giá phốt phát trên thị trường quốc tế cũng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Morocco.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022, trong báo cáo hồi tháng 11 vừa qua, IMF cho rằng, nền kinh tế Morocco đã trải qua một loạt cú sốc tiêu cực trong năm 2022 làm cản trở sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Hạn hán cũng ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, trong khi những cú sốc từ cuộc chiến Ukraine làm tăng lạm phát (dự kiến ở mức 6,2%) và giảm sức mua. Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch, kiều hối tăng mạnh và xuất khẩu vững chắc đã bù đắp những cú sốc đó.

IMF dự đoán, tăng trưởng GDP năm nay của Morocco là 1,25%, thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến tăng lên 4,25% GDP.

Theo Wikipedia, Statista, IMF
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.