Trước khi trở thành tiến sĩ, bà Trịnh Hoài Thu từng hát trong phong trào ca khúc thiếu nhi và các hoạt động âm nhạc của Đoàn thanh niên. Giờ đây, giảng viên Đại học Sư phạm nhạc họa này vẫn dõi theo những bài ca của người trẻ. “Những thông điệp qua âm nhạc của người trẻ khiến tôi lo lắng. Các em có biểu hiện phần nào lệch hướng thẩm mỹ”, tiến sĩ Thu bày tỏ.
Môi trường “độc hại”
Sự lệch hướng trong thẩm mỹ âm nhạc của người trẻ bắt đầu từ rất sớm. Chẳng hạn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu (Viện Âm nhạc), việc “hát với” bài hát của anh chị dẫn đến các ông cụ, bà cụ non. “Bé thích ca hát nhưng bài hát thiếu nhi không đủ cho từng độ tuổi. Thế nên ở nhà trẻ mượn bài hát mẫu giáo, tuổi nhi đồng hát bài hát thiếu niên, tuổi ương ương hát bài hát người lớn”, bà Châu nói.
“Tại trường tiểu học cũng được học nốt nhạc, nhưng chỉ cần đọc làu làu như vẹt thôi. Các em làm sao nhớ nổi mặt nốt để tự xướng âm. Thành ra thật lòng mà nói thì bé vẫn hoàn toàn mù nhạc. Nhạc giao hưởng thính phòng, vốn quý của nhân loại, cũng như nhạc cổ truyền dân tộc - di sản của tổ tiên đều hết sức xa lạ với bé. Bài hát là món ăn tinh thần duy nhất”.
Nhà nghiên cứu Cẩm Nhung tâm tư: “Đứng từ góc độ của giới trẻ, thật đáng buồn khi những ca khúc kém chất lượng đang chiếm số lượng không nhỏ trong đời sống nhạc trẻ hiện nay. Phải chăng khán giả quá dễ dãi, hay nghĩ đơn giản nhạc trẻ cũng chỉ mang chức năng giải trí đơn thuần. Cái mà họ quan tâm là người hát có đẹp không, video clip có hoành tráng không?”.
Ngay cả những cô bé, cậu bé có chút năng khiếu cũng không chắc đã được hưởng một môi trường âm nhạc tốt. “Thiên thần ca hát có thể thành nạn nhân của người lớn với mục đích kiếm lời. Trong các chương trình truyền hình thiếu nhi, bé được ăn mặc, trang điểm, đánh hông, liếc mắt chẳng khác ca sĩ người lớn. Trên sân khấu, trên mạng không thiếu hình ảnh các cô bé cậu bé hát lời yêu đương gian dối giận hờn. Bé sớm chia tay với vẻ hồn nhiên trẻ thơ. Nhất là khi bị biến thành con rối trong cuộc chạy đua các tài năng trên truyền hình”, nhà nghiên cứu Minh Châu nói.
Nói về các chương trình ca nhạc hằng tuần trên màn ảnh nhỏ, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng có lẽ hoành tráng nhất, thời thượng nhất hiện nay là Giọng hát Việt. Tuy nhiên tiếc là chương trình chưa đi đúng hướng khiến khán giả cho đây là chương trình sùng ngoại. “Đáng lý phải theo hướng Việt hóa tinh hoa âm nhạc nước ngoài thì lại ngược lại. Chúng ta đang hóa thân theo thẩm mỹ nước ngoài”, nhạc sĩ Doãn Nho nhận xét.
Thuốc ngoại, thuốc nội
Bà Trần Thị Lê Chiến, Đài tiếng nói VN, cho rằng có thể nhận diện được bộ phận công chúng hay xem những chương trình ca nhạc kém chất lượng. Họ phần lớn là người trẻ ở nông thôn, ngoại thành. Phông văn hóa, kiến thức nền tảng của họ không đủ để nhận diện sâu sắc và đầy đủ về mọi mặt của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, điều đáng kể nhất là nhiều ý kiến trong hội thảo lại hướng tới cái mới chứ không “bắt” giới trẻ chỉ được trung thành với những tác phẩm của các nhạc sĩ tiền bối. “Những ca khúc mà ta vẫn gọi là ca khúc chính trị ngày xưa nếu được thể hiện theo phong cách mới sẽ khiến người trẻ vô cùng hào hứng. Cách phối khí và cá tính người thể hiện sẽ hỗ trợ bài hát rất nhiều”, TS Trịnh Hoài Thu nói.
Theo bà Thu: “Hoàn toàn có thể chuyển tải thông điệp trẻ qua pop, rock. Tôi nghĩ đó là một cách làm mới âm nhạc. Chỉ mới đây thôi, bài hát Nơi đảo xa do Tùng Dương thể hiện (chương trình Khát vọng trẻ của Báo Thanh Niên - NV) đã khiến đến bản thân tác giả - nhạc sĩ Doãn Nho cũng rất thích. Tôi nghĩ là nó lạ và âm nhạc phải làm mới và lạ như thế. Âm nhạc phải luôn đi tìm mới lạ để bổ sung cho mình”.
Thậm chí, nhạc sĩ Hoàng Lân còn rất hào hứng: “Tôi nghĩ hoàn toàn có thể cổ vũ cho những bài hát Việt viết lời bằng tiếng Anh”. Về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cho rằng: “Với việc trẻ em học tiếng Anh từ sớm, hát rất nhiều bài hát tiếng Anh như bây giờ rất nên sáng tác bài hát tiếng Anh cho các em. Miễn là âm nhạc phải thật hay, thật Việt”.
Theo Trinh Nguyễn
Thanh Niên