Ngày 6/3, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM cho biết BV vừa tiếp nhận cấp cứu, dùng kỹ thuât cao ECMO can thiệp thành công cho bệnh nhi D.M.K (15 tuổi, ngụ Thủ Đức) bị suy tim nặng, cực kỳ nguy kịch, không đáp ứng các phương pháp điều trị thông thường.
Theo đó, bé K được nhập viện tại BV Quận Thủ Đức trong tình trạng sốt cao ngày thứ 4, khó thở, tay chân lạnh, rối loạn tri giác. Nhận thấy tình trạng của bệnh nhi quá nguy kịch, đe dọa tính mạng, các bác sĩ BV Quận Thủ Đức nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 và quyết định chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các BS tại BV Nhi đồng 1 đã bật báo động đỏ toàn viện vì bé K đã rơi vào trạng thái hôn mê, trụy tim mạch nặng, dùng vận mạch liều cao nhưng vẫn không có dấu hiệu cải thiện. “Chúng tôi đã phải bật báo động đỏ nội viện, sau đó hội chẩn với BV Chợ Rẫy TPHCM. Kết quả hội chẩn cho bé bị viêm cơ tim cấp, sốc tim nặng, cần phải dùng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc sau đó trả về cho người bệnh- PV) để cứu bệnh nhi. Các BS khoa Hồi sức tích cực BV Chợ Rẫy cũng nhanh chóng có mặt để hỗ trợ”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực BV Nhi Đồng 1 cho biết.
Trên tổng trạng nhiễm trùng nặng, bệnh nhi được lọc máu liên tục bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật ECMO, 30 phút sau, tình trạng của bé K đã cải thiện. Sau 4 ngày tiến hành phương pháp ECMO, huyết động học bệnh nhi đã ổn định, đã cai máy, và đang tiếp tục được dùng kháng sinh để xử lí các vấn đề nhiễm trùng.
Theo Thầy thuốc nhân dân, BS Bạch Văn Cam (Chủ tịch hội hồi sức cấp cứu TPHCM- cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 1 TPHCM), ECMO là kỹ thuật mới của ngành hồi sức cấp cứu được áp dụng dùng để hỗ trợ cho tim, phổi (hoặc cả 2) khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị thông thường. “ECMO được chỉ định tạm thời giúp bệnh nhi trong trong thòi gian đợi cơ thể đáp ứng với thuốc. Bệnh nhân thường được điều trị nội khoa trước. Riêng với ca bé K,mặc dù đã được dùng 2 loại thuốc để tăng sức co bóp cơ tim nhưng mạch vẫn bị trụy, diễn tiến viêm cơ tim nhanh trên bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng, bội nhiễm phổi do vi khuẩn. Nếu không dùng ECMO, nguy cơ bệnh nhi tử vong là rất cao”, BS Cam nói.
Theo các BS, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim của bệnh nhi K là do viêm cơ tiêm, có thể do nhiễm trùng đường hô hấp, tay chân, tiêu hóa. Biểu hiện thường găp là cảm sốt, mệt, khó thở…Nếu diễn tiến nặng, bệnh nhân dễ bị viêm phổi do bội nhiễm, nhiễm trùng huyết, thậm chí là suy tim. “ Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim, nguyên nhân hàng đầu là nhiễm một số loại virus hoặc vi khuẩn. Biểu hiện của viêm cơ tim rất phong phú và đa dạng. Dự phòng viêm cơ tim chủ yếu vẫn là các biện pháp giữ gìn sức khỏe (nhất là đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai, những người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch…), giữ gìn vệ sinh chung, chống ô nhiễm môi trường”, BS Quang khuyến cáo.
Mặc dù là một kỹ thuật sâu, hỗ trợ rất nhiều trong việc cứu sống bệnh nhân khi không đáp ứng các điều trị, tuy nhiên sử dụng ECMO vẫn tồn đọng rất nhiều biến chứng. “ECMO chỉ được dùng ở các BV lớn có nhiều chuyên khoa liên quan vì dây là một kỹ thuật có nhiều biến chứng, giá thành cao. TÍnh đến thời điểm hiện tại, chi phí điều trị của bé K đã lên đến gần nửa tỷ đồng, mặc dù bé không hề có BHYT”, BS CK II Phan Thị Xuân, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy thông tin.
Theo lời kể của chị Trần Thị Hồng (43 tuổi, dì bệnh nhi K), gia đình K rất khó khăn, em đã phải nghỉ học từ năm lớp 6. K vừa đi chở hàng hóa thuê được chừng 3 tháng thì phát bệnh. “Mẹ K là công nhân, ba làm thợ hồ, thu nhập rất bấp bênh, sau K còn có 2 người em nhỏ. Hiện gia đình đã chạy vạy khắp nơi nhưng vẫn không đủ chi phí lo cho bé. Tài sản có giá trị là chiếc xe máy cũng đã cầm với giá 5 triệu đồng để lo cho cháu.”, chị Hồng ngậm ngùi cho biết.
Hiện phòng CTXH BV Nhi đồng 1 cũng đang nhờ các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ bệnh nhi.