> VN có Cty chứng khoán 100% vốn ngoại đầu tiên
Khối ngoại “bẩy” thị trường
Sau đợt giảm mạnh vào nửa cuối tháng 8, thị trường chứng khoán đã phục hồi rất ấn tượng. Tính trung bình trong tuần qua khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 100 triệu cổ phiếu, tăng 22% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Khối ngoại sau khi bán ròng trong ba tháng liên tiếp 6, 7 và 8, gần đây họ cũng đã bắt đầu mua ròng trở lại. Trong 5 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 khối ngoại đã mua ròng 213 tỷ đồng trên HSX và 70 tỷ đồng trên HNX. Trong đó những cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất đều là những cổ phiếu lớn như GAS, VCB, BVH, PVD, MSN, DPM, HAG, VIC. Trước đó, tháng 9, nhà đầu tư ngoại đã bỏ ra gần 765 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu trên hai sàn.
Việc khối ngoại mua vào cổ phiếu lớn đã tạo nên một cơn hưng phấn lan truyền đến các nhà đầu tư nội. Đây được xem như một đòn bẩy giúp nhiều nhà đầu tư trong nước giảm bớt sự dè dặt khi giải ngân. Thực tế, diễn biến trên thị trường trong những ngày đầu tháng 10 cũng cho thấy có sự tham gia mạnh mẽ của một dòng tiền mới. Nhóm cổ phiếu đầu cơ được mua mạnh đã góp phần giúp cho thị trường tăng điểm khá tốt.
Theo CTCK FPTS, lực cầu ở giá thấp vẫn chủ động và giao dịch sôi động hơn tại một số cổ phiếu chủ chốt. Tâm lý lạc quan được duy trì khá tốt ngay cả khi thị trường điều chỉnh. Thanh khoản vẫn giữ ở mức cao nhờ sự tham gia của dòng tiền mới vào thị trường. Còn CTCP Chứng khoán Bản Việt vẫn duy trì quan điểm xu hướng tăng ngắn hạn của hai chỉ số và nhóm cổ phiếu bluechips có thể sẽ dẫn dắt thị trường trong tuần tới.
Niềm tin quay trở lại ?
Việc khối ngoại tăng cường mua ròng và nhận được sự hưởng ứng của nhà đầu tư nội hẳn không phải là ngẫu nhiên. Thông tin Chính phủ đang xem xét nới “room” đã tác động tích cực đến tâm lý của họ. Bên cạnh, nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang nhận được một số thông tin khá tích cực.
Tổng cục Thống kê cho biết GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,14%, cao hơn mức 5,10% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng đạt được 5,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong khi đó tỷ giá, lạm phát và lãi suất đã có những chuyển biến. Dường như nền kinh tế đã tìm được điểm đáy.
Theo CTCK Rồng Việt, thông tin về vĩ mô liên quan đến chỉ số PMI đã giúp củng cố thêm lòng tin của nhà đầu tư về triển vọng hồi phục của hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm cũng như gia tăng sự lạc quan của nhà đầu tư đối với kênh đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, các món nợ của Vinashin được Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) mua lại bằng trái phiếu có đảm bảo. Động thái này được đánh giá là tích cực khi các món nợ vốn làm cho nhiều ngân hàng chao đảo đã có hướng xử lý thay vì đứng yên không có lối thoát.
Một số quan điểm cũng cho rằng dòng tiền mới trên thị trường còn đang đón đầu kết quả kinh doanh quý 3/2013 của các doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tuy không khả quan toàn bộ, nhưng vẫn có những điểm sáng hấp dẫn dòng tiền sẽ “đổ” vào những cổ phiếu này.
Vừa hay, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) khuyến nghị, thị trường đang được định hướng bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể tiếp tục lựa chọn mua vào các cổ phiếu có kết quả tốt.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư tin rằng sẽ có một luồng tiền mới được đưa vào thị trường chứng khoán để phá băng. Căn nguyên xuất phát từ thông tin VAMC đã bắt đầu “ra tay” mua nợ xấu của các ngân hàng. Mới đây, Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013 của ADB đánh giá cao bước tiến mới trong tiến trình xử lý nợ xấu của NHNN mặc dù còn quan ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu xử lý 35.000 tỷ đồng nợ xấu từ nay đến cuối năm. |