Dậy từ 3 giờ sáng
Ngày 2/2, đông đảo đồng bào các dân tộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vượt chặng đường xa để tham gia hiến máu tại Chủ nhật Đỏ, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa huyện Ea Kar. Có người dậy từ 3 giờ sáng, chủ động đeo khẩu trang, xếp hàng chờ đến lượt hiến máu. Ông Nguyễn Đăng Sơn (57 tuổi, xã Ea Sô) chạy xe máy gần 20 cây số đến điểm hiến máu. Ông Sơn đã 4 lần cho máu, ngoài ra, từng hụt 1 lần vào năm 2018 vì ban tổ chức đã lấy đủ số lượng. Rút kinh nghiệm, lần này, ông Sơn đi thật sớm để được hiến, rồi về chăm vườn cây rộng gần 3 ha. Cũng vượt hơn 30 cây số từ xã Ea Păl ra trung tâm huyện Ea Kar hiến máu, chị Hà Thị Tươm nổi bật với trang phục của đồng bào Thái. Chị Tươm đã 5 lần cho máu. Gần Tết dù bận rộn, chị cùng hơn 60 người dân xã Ea Păl vẫn cố gắng thực hiện nghĩa cử ngày cuối năm.
Tan trường, cô giáo Đặng Thị Ngọc Mai (giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương) vội vàng qua trung tâm huyện để tham gia hiến máu. “Nhà tôi ở Krông Pắk, cách huyện Ea Kar hơn 15 cây số. Do đó, dạy xong, tôi qua hiến máu rồi về nhà. Tôi đã 6 lần cho máu, năm nay chưa hiến lần nào nên quyết tâm thực hiện trước Tết”, cô Mai nói. Cô cho biết, trong trường có nhiều giáo viên tham gia Chủ nhật Đỏ. Vừa làm xong thủ tục hiến máu, chị Lê Thị Ngoan (SN 1973, trú tại thôn 10, xã Cư Ni) chia sẻ, đây là lần thứ 4 tham gia Chủ nhật Đỏ.
Chị Ngoan kể: “Tháng trước, Hội Liên hiệp phụ nữ thôn 10 (xã Cư Ni) thông báo đến người dân đi hiến máu, tôi đăng ký ngay. Chồng con tôi cũng ủng hộ. Tôi đến sớm hiến máu nhanh để kịp trưa nay lên rẫy chăm sóc vườn cà phê”.
Trong số hơn 100 cán bộ, chiến sĩ xếp hàng ngay ngắn, chờ hiến máu có thượng tá Nguyễn Chí Hải, Phó trưởng Công an huyện Ea Kar. Thượng tá Hải kể, ông đã 3 lần tham gia Chủ nhật Đỏ. “Trước khi đi hiến máu, anh em trong đơn vị, đặc biệt ở các xã phải sắp xếp công việc hợp lý. Không chỉ bản thân tôi, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ea Kar luôn sẵn sàng đi hiến máu cứu người. Tới đây, nếu sự kiện này vẫn tổ chức tại địa phương, chúng tôi sẽ tham gia đầy đủ”, thượng tá Hải nói.
Đã 26 lần cho máu, anh Trần Hải Đăng, Bí thư Đoàn thị trấn Ea Kar, lần này cùng các thành viên trong gia đình đến với sự kiện.
Ðang hiến máu lại muốn đăng ký hiến tạng
Ở tuổi 58, bà Nguyễn Thị Liên, Chi hội trưởng Chữ Thập đỏ thôn 7 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar), đã có 18 lần cho máu. Bà Liên hiến máu lần đầu năm 2008 và phấn đấu hiến thêm nhiều lần trước khi hết tuổi được cho máu. “Hiến xong tôi tăng cân, người khỏe ra hẳn. Trước đây, vận động người đi hiến khó lắm, thậm chí họ còn khuyên ngược lại tôi. Nhiều năm kiên trì thuyết phục, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên phong trào hiến máu lan tỏa. Giờ cứ thông báo thời gian, địa điểm, động viên là người dân đi ngay”, bà Liên nói. Đang hiến máu, nhưng bà Liên liên tục hỏi muốn đăng ký hiến tạng thì tới đâu. Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1972, trú tại thị trấn Ea K’nốp), 5 lần hiến máu cũng muốn tìm địa chỉ đăng ký hiến tạng.
Hơn 19 lần hiến máu, chưa kể 2 lần cho trực tiếp cứu bệnh nhân trong bệnh viện, anh Lê Xuân Thủy, phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Ea Kar, vẫn chưa có ý định dừng lại. Sáng sớm, anh vội qua trung tâm huyện hiến liền 350 đơn vị máu, rồi nhanh chóng lên đường tác nghiệp. Với anh Thủy, hiến máu đã trở thành nghĩa cử thường xuyên. Ngoài ra, trên cương vị làm công tác tuyên truyền, anh Thủy cũng thường khai thác gương nhân vật, tập thể điển hình về hiến máu nhân đạo. Anh xem đây như cách lan tỏa, góp phần cổ vũ phong trào hiến máu cứu người tại huyện nhà.
Bà Trần Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó ban vận động hiến máu tình nguyện huyện Ea Kar, đảm nhiệm nhiều vai trò tại Chủ nhật Đỏ lần này. Đang trong vai chỉ huy vận động, thoắt một cái, bà đã ngồi ở ghế hiến máu. Chưa hết, gặp PV Tiền Phong, bà nói: “Tôi vừa gọi con trai đang lái xe lưu động tuyên truyền vận động hiến máu về để cho máu”. Chồng bà Châu (nghệ nhân hát Then) cũng xếp hàng giữa trưa chờ được hiến máu. “Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng dịp này bệnh nhân rất cần máu, nhất là nhiều tỉnh miền Bắc không thể tổ chức hiến máu. Do đó, sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng”, bà Châu nói.
Tới nay, Chủ nhật Đỏ tại Tây Nguyên lần thứ 8 đã diễn ra tại 5 điểm (gồm: Đại học Tây Nguyên; Công an tỉnh Đắk Lắk; huyện M’đrắk; huyện Cư M’gar; huyện Ea Kar tiếp nhận được hơn 3.000 đơn vị máu.