Nghiệp đoàn ngư dân vươn khơi

Nghiệp đoàn ngư dân vươn khơi
TP - Ngày 15-9, tại lễ thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, khẳng định: Bà con ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, vì phía sau là hàng triệu đồng bào, là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

> Sắp ra mắt nghiệp đoàn tàu cá Hoàng Sa - Trường Sa
> Ngư dân sẽ được đầu tư tàu lớn

Vào nghiệp đoàn, ra Hoàng Sa

Đã 20 năm đi biển song chuyến biển vào ngày mai của thuyền trưởng Bùi Văn Sơn ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi có một điều khác biệt - đó là lần đầu tiên anh mang theo tấm thẻ Nghiệp đoàn nghề cá mà anh vừa nhận sáng 15-9-2011.

Tại bến neo đậu, con tàu mang số hiệu QNg 96218 TS, công suất 370 mã lực của anh gầm lên xả khói. Tấm băng đỏ có hàng chữ “Ngư dân Lý Sơn chào mừng lễ thành lập Nghiệp đoàn nghề cá” bay phần phật trước ca bin. Phấn khởi vì tham gia vào nghiệp đoàn, người thuyền trưởng này cho biết: “Năm nay, em đi Hoàng Sa được 2 chuyến, đi Trường Sa 6 chuyến. Đợt này, dự báo thời tiết quần đảo Trường Sa có giông, anh em đã quyết định mở biển cho thuyền tiến về hướng quần đảo Hoàng Sa. Vào nghiệp đoàn, anh em ngư dân an tâm hơn khi tiến ra Hoàng Sa”.

Kể lại câu chuyện 15 năm bám biển, Sơn cho biết, suốt những năm tháng dài, anh và các ngư dân thường xuyên giúp nhau khi đi hành nghề. Có lần đang hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa, phát hiện tàu cá của ông Giỏi là người cùng quê bị chết máy, anh đã cho thuyền đến cứu nạn và lai dắt vào đất liền. Công cán không tính, các ngư dân chỉ trao đổi chút ít chi phí dầu mỡ.

“Cứu người ta rồi mình sẽ có lúc được giúp”, quan niệm của thuyền trưởng Sơn và ngư dân đã giúp chính họ vượt qua hiểm nguy. Đó là trong chuyến đi biển cách đây 3 năm, đến lượt thuyền anh bị gãy cốt máy trôi dạt ở quần đảo Hoàng Sa. Thuyền ông Dương Châu nhận được tín hiệu cập đến cứu. Tuy nhiên, tàu ông Châu mới ra khơi và làm chưa đủ bù đắp phí tổn, anh Sơn cùng các ngư dân qua tàu ông Châu để làm không công giúp bạn, sau đó mới quay lại đưa tàu bị nạn vào bờ.

Câu chuyện của anh Sơn cho thấy, trong nhiều năm qua, khi ra khơi đánh bắt, các ngư dân đã liên hệ chặt chẽ để giúp nhau trên biển. Cứu giúp nhau như một cách để sinh tồn với biển khơi và bao hiểm nguy khác đang rình rập. Tuy nhiên, lần tham gia vào nghiệp đoàn này, anh Sơn và các ngư dân khẳng định: “Lần này không chỉ có ngư dân hỗ trợ nhau, mà sau lưng chúng tôi luôn có nghiệp đoàn, nhân dân và Nhà nước hỗ trợ”.

Trong buổi lễ thành lập nghiệp đoàn vào sáng 15-9 tại huyện đảo Lý Sơn, ngồi trong hội trường, một ngư dân có dáng người vạm vỡ luôn nở nụ cười. Anh cười, bởi lần đầu tiên được nghe hai từ thân mật – “đồng chí”. Đó là thuyền trưởng Dương Oanh (40 tuổi), một trong những ngư dân 20 năm lăn lộn ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 7-2008, tàu cá của anh và tàu của ông Lê Khởi bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa. Sau khi bị giam ròng rã 3 tháng trời ở đảo Hải Nam, anh và ông Khởi bị buộc phải nộp 140 vạn NDT cho phía Trung Quốc. Chính vì vậy, vào nghiệp đoàn, ông Oanh cũng cho rằng, phía sau lưng mình luôn có cả một tập thể đứng ra gánh vác mỗi khi ngư dân gặp nạn tương tự. Trước khi chia tay, ông Oanh cho biết, sáng ngày 16-9-2011, tàu QNg 96589 TS của ông sẽ nhổ neo đi Hoàng Sa.

Trong buổi lễ thành lập nghiệp đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xưng hô với tất cả các thành viên là ngư dân bằng hai từ thân mật: “đồng chí”. Nếu trước đây, các ngư dân ra khơi thường gọi nhau bằng hai từ thân mật là “đồng đội”, đồng đội giúp họ sống còn với biển khơi. Thì giờ đây, họ càng gắn bó hơn bằng hai từ “đồng chí”.

Ngày mai, thuyền trưởng Bùi Văn Sơn cùng các ngư dân mang tấm thẻ nghiệp đoàn ra Hoàng Sa
Ngày mai, thuyền trưởng Bùi Văn Sơn cùng các ngư dân mang tấm thẻ nghiệp đoàn ra Hoàng Sa.

Ngư dân hãy yên tâm

Nghiệp đoàn ra đời là để gắn kết các ngư dân trên biển vừa đánh bắt, vừa thực hiện nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn trên biển.

Trong buổi lễ, ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: Bà con ngư dân cứ yên tâm ra khơi bám biển, vì phía sau là hàng triệu đồng bào, là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Việc ra khơi của bà con giúp phát triển kinh tế, xây dựng đời sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Nhiều cơ quan ban ngành có mặt đều động viên, tặng quà cho con em các ngư dân, trường học, các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Ông Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư), Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã trao cho ngành giáo dục Lý Sơn 2,5 tỷ đồng, Sở GTVT TP HCM tặng Quỹ khuyến học Lý Sơn 100 triệu đồng.

Trên con tàu hơn 300 mã lực, ngư dân Bùi Minh Hùng cho rằng: Mỗi ngư dân ngoài nhiệm vụ đánh bắt còn phải có nghĩa vụ giúp Nhà nước khẳng định chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa. Về những tháng năm mưu sinh với biển cả, anh Hùng và nhiều ngư dân khác kể lại những lần ra khơi phát hiện tàu xâm phạm chủ quyền, các ngư dân thường gọi cho nhau trên Icom. Thuyền này nối sóng với thuyền kia. Chuyện ngoài khơi nhưng nhanh chóng được chuyển vào đất liền. Giờ đây, 428 hội viên trong nghiệp đoàn sẽ có trách nhiệm hơn trong việc vừa đánh bắt, vừa giúp Nhà nước canh giữ biển khơi của Tổ quốc.

Nghiệp đoàn nghề cá được điều hành với Ban chấp hành gồm 12 thành viên. Ít có người biết rằng, điều hành nghiệp đoàn này là những ngư dân kỳ cựu của biển cả. Ông Dương Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải huyện đảo Lý Sơn làm Chủ tịch nghiệp đoàn. Ông Nhật đã có kinh nghiệm hàng chục năm đánh bắt xa bờ tại quần đảo Hoàng Sa.

Các ngư dân Lý Sơn vui mừng vào nghiệp đoàn
Các ngư dân Lý Sơn vui mừng vào nghiệp đoàn.

Một trong những lái tàu thiện chiến, lướt sóng gió giỏi là ông Nguyễn Quốc Chinh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn. Ông Chinh là ngư dân có kinh nghiệm hơn 20 năm biển cả. Tên tuổi của ông trên sóng nước biển khơi, các ngư dân đều thán phục: “Một thuyền trưởng thiện chiến”. Có một ông ủy viên Ban chấp hành Nghiệp đoàn mà ngư dân cả nước đều biết, đó là thuyền trưởng, Sói biển Mai Phụng Lưu, người 4 lần bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trong buổi lễ, mọi người bất ngờ, vì ông thuyền trưởng này đã lột xác. Từ một ngư dân quần áo lấm lem, ông Lưu trở thành một người đàn ông bảnh bao – mặc chiếc áo trắng tinh, quần tây thẳng nếp, đeo cà vạt màu sáng.

Trong “Lễ khao lề tiễn đưa người ra đảo xa, người lính xưa tuần tra hải phận nước nhà” ở đảo Lý Sơn, bài hát “Khúc tráng ca hải đội Hoàng Sa” thường được cất lên. Lễ thành lập nghiệp đoàn nghề cá kết thúc, nhưng đọng lại là câu chuyện của các ngư dân và bài hát có giai điệu hùng tráng.

Trong buổi lễ thành lập nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn (kết nạp 428 hội viên), ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, kêu gọi mọi người ủng hộ chương trình Tấm lưới nghĩa tình bằng cách nhắn tin với cú pháp ND gửi 1407 (mỗi tin nhắn trị giá 14.000 đồng).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.