Nghiện sống ảo, hậu quả khôn lường

Lôi kéo các bạn trẻ tham gia các hoạt động tích cực, có sự tương tác của nhiều người là một trong những cách “chống nghiện” Facebook hữu hiệu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Lôi kéo các bạn trẻ tham gia các hoạt động tích cực, có sự tương tác của nhiều người là một trong những cách “chống nghiện” Facebook hữu hiệu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đó là khẳng định của các chuyên gia tâm lý và nhà quản lý. Nghiện Facebook, thích thể hiện mình, hành động không kiểm soát được bản thân để rồi phải hứng chịu những hậu quả mà khi nhận ra thì đã quá muộn.

TS tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho hay, từng gặp nhiều trường hợp phải trị liệu tâm lý do hệ lụy từ nghiện Facebook, sống ảo. Ví dụ như trường hợp một cô gái bình thường đã sống thu mình, kém tự tin. Vì thế, cô này dồn hết sức lực để “làm màu” trên tài khoản cá nhân với mong muốn mọi người trầm trồ về cuộc sống sang chảnh của mình. Cô check in đang du lịch ở Hàn Quốc, chụp ảnh cùng siêu xe, ăn uống ở nhà hàng sang trọng, mua sắm ở cửa hàng đồ hiệu… Tuy nhiên, khi bị bạn bè bóc mẽ sự thật, những bức ảnh mà cô đưa lên chỉ là đi vay mượn từ những tài khoản khác. Bị bạn bè vạch trần sự khoe mẽ, cô rơi vào trạng thái trầm cảm, sống thu mình một thời gian rồi rạch tay tự tử.

Theo TS Trần Thành Nam, hiện tượng nghiện Facebook, câu like là do thích gây sự chú ý của người khác nhưng không kiểm soát được bản thân. Đa số những hành động này rơi vào người trẻ tuổi, họ ở độ tuổi thích thể hiện mình, thích khẳng định bản thân, thu hút sự chú ý của người khác. Khi không có sự cọ xát ngoài xã hội, lại dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo dẫn đến nảy sinh ý nghĩ, hành động phải ngông cuồng, khác người. Và khi làm được, họ còn cảm thấy có quyền lực, hãnh diện ảo.

TS Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề này,  cha mẹ, giáo viên nên lôi kéo các bạn trẻ tham gia các hoạt động tích cực, có sự tương tác của nhiều người. Đặc biệt, trường học có nhiều CLB, sinh hoạt xã hội, đoàn hội… học sinh tham gia vào, mỗi em có cơ hội thể hiện cá tính, điểm mạnh của mình và được ghi nhận, cổ vũ. Từ đó các em nhận ra giá trị của bản thân để rèn luyện, nỗ lực.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, hành động câu like, đốt trường, đốt mình là do nữ sinh sống ảo quá nhiều, không nhận ra đâu là giá trị đời thực. Theo ông Lâm, thực tế hiện nay, học sinh trong các trường đang sử dụng mạng xã hội tràn lan mà chưa có sự giám sát chặt chẽ. Vì thế, hiện tượng câu like, hành động dại dột như một căn bệnh mà chính các em chưa đủ chín chắn để nhận thức được hậu quả do chính mình gây nên. Theo ông Lâm, học sinh nên tiết chế thời gian sống ảo để tập trung học tập và tham gia các hoạt động khác. “Gia đình, nhà trường nên khiến học sinh bận rộn bằng cách lôi kéo họ vào các hoạt động có ý nghĩa để các em khẳng định giá trị bản thân”, ông Lâm nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Các trường học hiện chưa có chuyên gia tâm lý nên vai trò giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Ngoài việc theo dõi học tập, thầy cô cần có sự chia sẻ, nhờ sự giám sát của bạn bè để phát hiện kịp thời những nguy cơ của học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt. Bởi lứa tuổi này, các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên gặp những chuyện như mâu thuẫn với bạn bè, điểm kém, bị mắng đều cảm thấy tự ti, xấu hổ và nảy sinh những hành động tiêu cực cả trên thế giới ảo lẫn đời thực. 

Diễn đàn “Facebook & hệ lụy” nhằm phân tích rõ tác hại của mạng xã hội Facebook cũng như đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục tác hại của mạng xã hội tới giới trẻ. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: phongcamkttp@gmail.com. Trân trọng cảm ơn.

MỚI - NÓNG