Những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng cho sự phát triển nhận thức. Nhưng đại dịch khiến các nhà trẻ, trường học và sân chơi đóng cửa, và các bậc cha mẹ đã thay đổi đáng kể khi cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống của trẻ sơ sinh.
Theo giáo sư nhi khoa Sean Deoni tại Đại học Brown (Mỹ), tác giả chính của bài nghiên cứu, với sự hạn chế tương tác với thế giới bên ngoài, trẻ em trong giai đoạn này đạt điểm thấp đến đáng kinh ngạc trong các bài kiểm tra đánh giá sự phát triển nhận thức.
Theo phân tích của giáo sư, trước đây, điểm IQ trung bình trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn cho trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi dao động ở 100, nhưng đối với trẻ em sinh ra trong thời kỳ đại dịch, con số đó đã giảm xuống còn 78.
“Các dấu hiệu thực sự rất rõ ràng”, ông Deoni nói. “Ta thường không nhìn thấy những điều như vậy, trừ các trường hợp rối loạn nhận thức nghiêm trọng”.
Nghiên cứu bao gồm 672 trẻ em từ bang Rhode Island, Mỹ, trong đó có 176 trẻ sinh từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2020 và 188 trẻ sinh sau tháng 7/2020, để đối chiếu với 308 trẻ sinh trước tháng 1/2019. Những đứa trẻ đưa vào nghiên cứu được sinh đủ tháng, không có khuyết tật gì và chủ yếu là người da trắng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những em đến từ tầng lớp kinh tế - xã hội thấp hơn nhận được điểm thấp hơn trong bài kiểm tra.
Ông Deoni cho biết lý do lớn nhất đằng sau điểm số thấp là do thiếu sự kích thích và tương tác ở nhà. “Cha mẹ căng thẳng và lo lắng, cho nên sự tương tác mà đứa trẻ thường nhận được bị giảm đi đáng kể”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những điểm số nhận thức thấp này có gây ảnh hưởng lâu dài hay không. Những năm đầu tiên của cuộc đời rất quan trọng cho việc thiết lập nền tảng nhận thức, giống như xây một ngôi nhà sẽ dễ dàng hơn khi bạn có một nền móng vững chắc, ông Deoni cho biết. “Khả năng sửa sai sẽ trở nên nhỏ hơn khi đứa trẻ đó lớn lên”.
Do dữ liệu này được thu thập từ một khu vực tương đối giàu có của Mỹ, nơi trợ cấp xã hội rất hào phóng, nên giáo sư lo ngại rằng mọi chuyện có thể tồi tệ hơn ở những vùng nghèo hơn của Mỹ và thế giới.
Ông Terence Stephenson, giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Đại học London (Anh), thấy nghiên cứu này rất thú vị vì đã có nhiều bài viết về tác động của việc giãn cách đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, nhưng chưa có nhiều thông tin về trẻ sơ sinh.
Giáo sư Stephenson cũng tin rằng nguyên nhân chính đằng sau chỉ số nhận thức thấp ở trẻ sơ sinh có thể do các bậc cha mẹ, những người phải đối mặt với nhiều thách thức trong cả công việc và gia đình ở giai đoạn khó khăn này. “Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ em từ các gia đình thuộc tầng lớp kinh tế - xã hội thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì điều này liên quan tới nhiều tác động khác về tài chính, việc làm và sức khỏe trong đại dịch”.