Điều đó có nghĩa Thanh Hóa còn muốn hướng tới những vị trí cao hơn như có huy chương, nhưng trên thực tế đội bóng xứ Thanh không tránh khỏi những nghịch lý từ ngay trong nội tại của họ và cũng có không ít thách thức đang chờ đón tân HLV Triệu Quang Hà trong lần hồi hương thứ 2 này.
Nghịch lý chuyển nhượng
Bóng đá Thanh Hóa qua nhiều cuộc chuyển giao thay đổi với khá nhiều ông chủ lẫn cơ quan chủ quản và lần nào thì vấn đề giữ chân các trụ cột, đặc biệt là tăng chất “xứ Thanh” trong đội hình, cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Đến thời của bầu Đệ cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, với trăm ngàn lý do nào là CLB khó khăn về tài chính, cầu thủ không còn mặn mà với đội bóng hay đòi khoản phí chuyển nhượng quá cao… số cầu thủ trụ cột có nhiều đóng góp với đội bóng vẫn cứ ào ào ra đi, dù không ít người vẫn muốn gắn bó với đội bóng. Những cầu thủ hết hạn hợp đồng như Quang Vinh, Công Huy, Tuấn Tùng… hay ngôi sáng nhất của Thanh Hóa là tiền đạo Đình Tùng đều ra đi. Thậm chí 2 vị trí còn ràng buộc hợp đồng và tưởng như cũng không thể “đụng tới” như thủ môn Mạnh Dũng và trung vệ Anh Tuấn cũng ra đi khá êm ả, và khoản tiền chuyển nhượng mà Thanh Hóa được nhận nghe nói là một con số không hề nhỏ.
Gần như bất lực với việc ngăn chặn “nạn chảy máu” cầu thủ, Thanh Hóa không còn cách nào khác là phải tìm kiếm những nhân tố mới, mà theo lãnh đạo CLB là ưu tiên các cầu thủ gốc Thanh Hóa. Để làm được điều đó, đầu tiên Thanh Hóa sẽ đôn từ 4-5 cầu thủ từ các tuyến trẻ lên đội một nhưng phần lớn những cầu thủ này được xem là quá non.
Trong khi đó, các đội trẻ của Thanh Hóa thua liểng xiểng ngay từ vòng loại các giải trẻ quốc gia. Ngoại trừ tuyển thủ U19 QG Lê Quốc Phương, đội bóng xứ Thanh chưa có thêm gương mặt trẻ nào đáng kể. Do đó, nỗi lo lớn nhất chính là sự chệnh lệch về trình độ, kinh nghiệm giữa đội hình chính thức và dự bị đang hiển hiện từng ngày.
Đây có thể xem là một nghịch lý song cũng không có gì ngạc nhiên bởi bóng đá Thanh Hóa vốn đã quá quen với việc chảy máu cầu thủ.
Sống nhờ vào ngoại binh và… trông chờ nhân tố mới !?
Trong số những sự bổ sung mà Thanh Hóa có được cho tới thời điểm này, chỉ có Bật Hiếu là tên tuổi đáng chú ý nhất và có thể tạo ra niềm tin cho các CĐV nhà, bởi cựu cầu thủ của V.Hải Phòng đã khẳng định được thương hiệu của mình. Số cầu thủ được mua sắm khá ồ ạt còn lại như tiền vệ Đức Tuấn, hậu vệ trái Việt Anh, trung vệ Huy Cường, tiền đạo Sỹ Mạnh, tiền vệ Quốc Vượng, thủ môn Tô Vĩnh Lợi… dù ít nhiều cũng đã có chút tên tuổi, nhưng khả năng hòa nhập với đội bóng mới còn là một dấu hỏi lớn.
HLV Triệu Quang Hà khẳng định: “Mặc dù có sự biến động lớn về nhân sự với số lượng cầu thủ ra đi cũng như những gương mặt mới là khá nhiều (hơn chục người), song tôi hài lòng với những vị trí mới, họ hoàn toàn có thể khỏa lấp những chỗ trống mà số cầu thủ đã ra đi để lại”. Không biết có phải là một lời tự động viên của vị HLV họ Triệu hay không, nhưng rõ ràng, số nhân tố mới chưa phải là những gương mặt xuất sắc, thậm chí họ còn bị đánh giá thấp hơn những cầu thủ đã ra đi.
Thêm vào đó, lối chơi ổn định ở mùa bóng vừa qua mà cựu HLV Lê Thụy Hải đã xây dựng cũng không còn nữa… Nhiều CĐV vẫn chưa thể hình dung ra bộ mặt mới của Thanh Hóa và kèm theo đó là những lo lắng.
Một giải pháp nữa đó chính là việc sống nhờ vào ngoại binh. Rõ ràng, việc đạt được vị trí thứ 7 ở mùa giải vừa qua có công lớn của bộ ba ngoại binh Sunday Emmanuel, Papeb Omar, Dasilva và cầu thủ nhập tịch Nguyễn Rodgers. Không thể đua tranh nổi với nhiều “đại gia”, Thanh Hóa đã nhanh tay giữ được số cầu thủ này và rõ ràng đoàn quân của HLV Triệu Quang Hà sẽ vẫn phải sống nhờ vào “nhịp thở” của họ.
Đội cũng đã hoàn tất bộ khung cầu thủ ngoại với sự bổ sung của tiền vệ Erison Da Silva Carnietto (Brazil). Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, ở mùa bóng vừa rồi, số ngoại binh này đã bị quá tải ở giai đoạn 2 và phong độ thi đấu giảm. Thành tích của đội bóng vì thế cũng sa sút thêm.
Điểm mạnh nhất của Thanh Hóa hiện nay là nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của tỉnh nhà, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị. Do đó, dù không phải “giàu có” nhưng có lẽ tình trạng nợ lương, hay thưởng cũng sẽ không xảy ra.
80 tỷ đồng là “phần cứng” để Thanh Hóa bước vào mùa giải mới với mục tiêu trụ hạng… và cho dù tại lễ xuất quân, ông Đệ có nói rằng, tại sao Thanh Hóa không mơ tới việc giành chức vô địch… tại sao cứ phải luẩn quẩn với việc trụ hạng, thì nhiều người vẫn nghĩ rằng người đứng đầu đội bóng Thanh Hóa chắc chỉ… nói chơi (!?), bởi với lực lượng hiện tại, Thanh Hóa muốn trụ được hạng cũng không hề đơn giản chút nào.
Thời gian qua, do vướng SEA Games 26 và thêm nhiều lý do khác nên Thanh Hóa cũng chưa có nhiều cơ hội để cọ xát và thi đấu giao hữu. Sau khi giải đấu giao hữu Thanh Hóa-Ninh Bình đổ bể, đoàn quân của HLV Triệu Quang Hà lại kéo nhau lên Pleiku để tham dự giải giao hữu do HA.GL tổ chức cùng với sự tham dự của 5 đội bóng nữa gồm SLNA, V.Ninh Bình, K.Khánh Hòa, Hà Nội và ĐT.LA.
Người hâm mộ bóng đá xứ Thanh đang thấp thỏm chờ kết quả thi đấu của đội tại giải đấu khởi động này, bởi họ muốn xem tài năng của HLV họ Triệu thế nào, bộ mặt mới của đội ra sao. Bóng đá Thanh Hóa đã qua bao cuộc “bể dâu” nhưng chưa lúc nào CĐV của họ cảm thấy yên tâm về đội nhà và trước mùa giải mới 2012, điều này cũng chưa thể thay đổi.
Theo Thể Thao Văn Hóa