Nghị sĩ Mỹ muốn cấm Trung Quốc mua đất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vào tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn Phụ Phong (Fufeng Group) của Trung Quốc đã thông báo về việc xây dựng một nhà máy chế biến ngô ở Grand Forks, bang North Dakota và mua 370 mẫu Anh (150ha) đất nông nghiệp cho mục đích này; tuy nhiên, dự án này nay có nguy cơ phá sản.


Theo báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) ngày 19/8, hôm 17 vừa qua “Đạo luật an ninh và thúc đẩy đảm bảo nông nghiệp” (Promoting Agriculture Safeguards and Security Act, PASS) đã được đệ trình lên Thượng viện Hoa Kỳ để xem xét. Dự luật này yêu cầu đưa Trung Quốc cùng với Nga, Iran và Triều Tiên vào danh sách đen, cấm các cá nhân và thực thể từ các quốc gia này đầu tư, mua, có được đất đai hoặc kinh doanh liên quan đến nông nghiệp của Mỹ.

Dự luật này đề xuất đưa lĩnh vực nông nghiệp vào Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) năm 1950, cho phép chính phủ Mỹ xem xét các giao dịch nông nghiệp và trao quyền cho Tổng thống Mỹ buộc doanh nghiệp tư nhân phải bảo vệ an ninh quốc gia. Dự luật cũng khuyến nghị Bộ trưởng Nông nghiệp tham gia vào Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) để tham gia đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia của các thương vụ mua lại hoặc sáp nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Dự luật này cho phép tổng thống Mỹ bãi bỏ các giao dịch bị cấm theo từng trường hợp, nhưng cần phải giải trình với Quốc hội lý do vì sao làm như vậy là quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mike Rounds bang Nam Dakota, người đề xuất dự luật, tuyên bố ông rất “sốc” trước việc Tập đoàn Phụ Phong của Trung Quốc mua lại 370 mẫu Anh đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy vì dự án này chỉ cách Căn cứ không quân Grand Forks của Mỹ 19 km. Ông cho rằng thương vụ này sẽ khiến “Trung Quốc giám sát chặt chẽ các hoạt động và thông tin liên lạc của một cơ sở quân sự vô cùng quan trọng”. Ông Rounds tuyên bố: “Bảo vệ đất nông nghiệp của Mỹ là rất quan trọng để duy trì an ninh quốc gia của chúng ta”. Ông nói: “Dự luật này sẽ bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ bằng cách đưa các đối thủ nước ngoài vào danh sách đen cấm họ mua đất hoặc các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp”.

Hồi tháng 7, một dự luật đồng hành với dự luật này cũng đã được đưa ra để xem xét tại Hạ viện. SCMP đưa tin rằng người bảo trợ là bà Hạ nghị sĩ Elise Stefanik bang New York, có chung quan điểm với Mike Rounds. Cả hai đều là thành viên Đảng Cộng hòa, trong đó bà Elise Stefanik là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện; ông Mike Rounds là cựu Thống đốc bang Nam Dakota.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton, bang Arkansas, phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện hồi tháng 5: “Có thể đó chỉ là một nhà máy chế biến ngô, nhưng nó ít nhất cũng cung cấp khả năng cho cơ quan tình báo Trung Quốc can dự thu thập các loại thông tin tình báo”.

Nghị sĩ Mỹ muốn cấm Trung Quốc mua đất nông nghiệp ảnh 1

Khu đất rộng 150 hecta đã được Tập đoàn Phụ Phong Trung Quốc mua ở bang North Dakota

Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) cũng có suy nghĩ tương tự, trong một báo cáo hồi tháng 5 USCC đã gắn đầu tư của các công ty Trung Quốc vào nông nghiệp Mỹ với điều họ gọi là “cuộc khủng hoảng an ninh lương thực” của Trung Quốc, nói rằng những khoản đầu tư này đã tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tính đến năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 352.140 mẫu Anh đất nông nghiệp của Mỹ, chiếm chưa đến 1% tổng số đất do nước ngoài nắm giữ (35,8 triệu mẫu Anh), trong khi Canada và Hà Lan, những nước nắm giữ lớn nhất, chiếm 29 % và 14%.

Tập đoàn Phụ Phong của Trung Quốc có kế hoạch chi 700 triệu USD mua đất ở Grand Forks, North Dakota để xây dựng một nhà máy chế biến ngô. Hội đồng thành phố Grand Forks hồi tháng 2 đã phê duyệt sơ bộ kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến ngô của Tập đoàn Phụ Phong. Các quan chức địa phương cho biết đây là khoản đầu tư tư nhân lớn nhất trong lịch sử của cộng đồng này. Thống đốc Burgum khi đó đã ca ngợi dự án này là “cơ hội to lớn cho các nhà sản xuất và công nhân ở Grand Forks và toàn bộ tiểu bang”.

Tuy nhiên, dự án đã gây nên sự nghi ngờ và phản đối ngày càng tăng. Trong tháng 7, hai thượng nghị sĩ bang Bắc Dakota là John Hoeven và Kevin Cramer, cùng Thượng nghị sĩ Marco Rubio bang Florida đã yêu cầu chính phủ liên bang xem xét lại vụ thu mua đất đai này. Cuối tháng 7, Thống đốc ban Bắc Dakota Doug Burgum đã kêu gọi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đẩy nhanh việc xem xét vụ mua lại này để đảm bảo nó không gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

Lý Cập, Giáo sư luật tại Đại học California, người chuyên nghiên cứu về thương mại Mỹ-Trung cho rằng, trong thời gian ngắn, dự luật mới này sẽ gây nên dư luận chống Trung Quốc vốn đã gay gắt, là một đặc điểm của chiến dịch. Mùa trước cuộc bầu cử giữa kỳ: “Các chính trị gia sẽ nổi tiếng vì chống lại Trung Quốc, chủ yếu là họ nói cho cử tri nghe”.

Hồi tháng 7, ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói với New York Post: “Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty Trung Quốc tiến hành hợp tác đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp địa phương. Trung Quốc phản đối Mỹ thổi phồng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước. Chúng tôi hy vọng Mỹ hành động phù hợp với luật pháp và cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Trung Quốc, đầu tư và kinh doanh tại Mỹ”.

MỚI - NÓNG