Nghị lực vượt lên số phận
Thầy Nguyễn Cảnh Dương (SN 1980) sinh ra trong gia đình thuần nông, đông con ở thôn Đông Đoài, xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Thủa nhỏ, cậu bé Dương lớn lên bình thường, nhưng khi tròn 3 tuổi, không may bị đau mắt biến chứng dẫn đến thoái hóa võng mạc và rung giật nhãn cầu. Mắt trái chỉ phân biệt được sáng tối, mắt phải thị lực còn 1 đến 2/10. Cũng từ đây, cuộc sống bắt đầu trở nên khó khăn khi không thể nhận diện được người thân qua hình ảnh, nhìn mọi vật xung quanh phải ở cự ly ngắn.
Gia đình nghèo, bố bị bệnh, trong khi bản thân bị khiếm thị mắt, đi học bị bạn bè trêu chọc, có không ít lần cậu bé Dương rơi vào trạng thái tuyệt vọng. “Ham học, nhưng hạn chế về tầm nhìn nên trong thời còn học sinh, tôi hầu như không tạo được sự bứt phá nào đáng kể ngoài việc chăm chỉ với tâm niệm phải không ngừng phấn đấu vươn lên” thầy Dương chia sẻ.
Lớp học của thầy giáo Dương. |
Cho đến khi vào học lớp 10, tia sáng tri thức bắt đầu len lỏi trong người Dương khi cậu thích và rất đam mê môn Tiếng Anh. Mỗi lần nghe cô giáo đọc phát âm, Dương rất say mê và hứng thú đến nỗi còn bị bạn bè cho rằng cậu dở hơi. “Có không ít lần tôi bị cho là dở hơi khi đặt câu hỏi bằng Tiếng Anh cho bạn trong và ngoài lớp trả lời. Có người cười, có người chê, nhưng không vì đó mà tôi bỏ lỡ đam mê của mình”, thầy Dương nhớ lại.
Người khoẻ mạnh học Tiếng Anh vốn dĩ đã khó, với người khiếm khuyết như Dương lại khó khăn thêm bội phần. Để chủ động hơn trong học tập, cậu dựa vào quy luật chữ cái để đoán cách đọc cho những từ có số lượng và cách bố trí chữ cái tương tự. Có chút ít vốn từ Tiếng Anh, đến lớp 12, Dương bắt đầu tập hợp trẻ em trong xóm và truyền dạy những bài Tiếng Anh đầu tiên trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và thậm chí là giáo viên thời đó.
Thầy Dương miệt mài dạy học cho trẻ em vùng quê. |
Năm 2001, Dương trượt nguyện vọng đại học và trở về quê tiếp tục củng cố con đường học vấn, vừa học vừa dạy cho trẻ em nghèo ở quê. Đến năm 2007, anh tiếp tục thi lại đại học và may mắn đã đến khi đậu vào Trường Đại học Vinh, chuyên Ngành Ngôn ngữ Anh. “Vì khiếm thị, ra phố xe cộ đông đúc rất khó khăn. Nhưng tôi biết mình cần phải thích nghi và tập làm quen với mọi thứ, từ cách học, đường đi đến trường… Tôi lúc đó nghĩ chỉ có học mới giúp mình thay đổi được cuộc sống mà thôi”, thầy Dương nói.
Tìm ánh sáng từ tri thức
Sau 4 năm học đại học, khi tốt nghiệp, thầy Dương về trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng để giảng dạy. Theo nam giáo viên, đây là khoảng thời gian để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với tuổi trẻ. Dạy học 3 năm, thầy Dương được Hội Người mù Hà Tĩnh vận động về làm công tác hội tại huyện Đức Thọ. Sau thời gian dài suy nghĩ, thầy quyết định rẽ hướng về quê làm công tác hội với vai trò là Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ từ năm 2014 cho đến nay.
Khi ổn định công việc ở hội, thầy tiếp tục mở lớp dạy thêm Tiếng Anh cho học sinh ở quê với mong muốn thoả mãn đam mê và trau dồi thêm kiến thức. Lớp học Tiếng Anh của thầy giáo Dương được mở ở gian nhà riêng, nằm dưới triền đê La Giang xã Bùi La Nhân. Biết tin thầy Dương mở lại lớp Tiếng Anh, phụ huynh trong thôn, trong xã đã tin tưởng đưa con đến gửi gắm. Đều đặn, các ngày cuối tuần lớp học nhỏ lại râm ran tiếng thầy giảng dạy, trò đọc bài.
Nhiều học sinh trong lớp hoàn cảnh khó khăn được anh Dương miễn giảm học phí. |
Thầy Dương tâm sự, lớp được chia thành 3 nhóm với khoảng 20 học sinh để dạy. Khi xu thế công nghệ số đang được đẩy mạnh, thầy Dương cũng phải tự đổi mới, nâng cao trình độ và phương pháp dạy để mang lại hiệu quả tốt trong học tập cho các em học sinh. Dù chỉ là lớp học nhỏ nhưng đã được trang bị đầy đủ từ máy tính, bảng Led, máy chiếu…
Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Cảnh Dương – Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). |
Vì dạy theo đam mê, nên những học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật anh Dương đều dạy miễn phí. “Tôi miễn, giảm học phí cho những học sinh nghèo, mồ côi và khuyết tật, nhằm giúp các cháu, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, có cơ hội được bình đẳng trong học tập. Ngoài trau dồi kiến thức cho các em, còn truyền đạt kỹ năng sống, nghị lực vươn lên qua những câu chuyện tôi từng trải”, thầy Dương nói.
Hơn 20 năm mở lớp dạy, điều hạnh phúc của nam giáo viên là nhìn thấy học sinh tiến bộ trong học tập và sử dụng được Tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp cơ bản hằng ngày. Mặt khác, thông qua những hoạt động của hội người mù có thể giới thiệu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.