Nghị lực phi thường của cậu bé không tay

Nghị lực phi thường của cậu bé không tay
Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho Hạnh có được đôi tay như bao người khác nhưng cậu bé đã làm nên điều kỳ diệu, viết nên đời mình bằng đôi chân…

> Hoa khôi 9X là thủ lĩnh Đoàn trường Dược

> Chàng trai 10 năm nằm bất động với tài sản khổng lồ

Hồ Hữu Hạnh (13 tuổi), sinh ra và lớn lên trên vùng đất đỏ Gia Canh (H.Định Quán, Đồng Nai), trong một gia đình có bốn anh em, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng vườn, nương rẫy. Không cam chịu số phận, em âm thầm vượt qua sự run rủi của cuộc đời để tìm đến ước mơ như bao đứa trẻ bình thường.

Nghị lực phi thường của cậu bé không tay ảnh 1

Góc học tập của Hạnh
Góc học tập của Hạnh.
Viết chữ, nhắn tin bằng chân

Năm 2000, cậu bé Hồ Hữu Hạnh được sinh ra trong lúc gia đình lâm cảnh túng quẫn, nợ nần. Số phận không may còn đeo bám em, bởi ngay khi sinh ra đã không có đôi tay do di chứng chất độc da cam từ cha, mẹ.

“Khi biết con không có tay, tôi ngất đi”, chị Bùi Thị Hợp (39 tuổi, mẹ Hạnh) nhớ lại ngày chị vừa tỉnh dậy sau khi sinh con tại bệnh viện hơn chục năm trước.

Mỗi lần nhìn Hạnh bò, trườn như con sâu đo, miệng cười toe toét, cha mẹ em thấy tim thắt lại, nước mắt cứ trào ra.

Nhìn hình hài, sức khỏe yếu ớt của con, hai vợ chồng nông dân nghèo cứ sống trong nỗi sợ nơm nớp: Hạnh sẽ rời bỏ cuộc đời bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, từ khi lên 2 tuổi, Hạnh đã rất “cứng đầu”, tự dùng chân kẹp muỗng múc cơm, kẹp bình sữa tự uống không chịu mở miệng cho cha mẹ đút…

“Không cần ai dạy, nó tự tập đánh răng, chải đầu, làm mọi thứ bằng chân. Thằng Hạnh có đôi chân dẻo lắm, làm nhiều việc chẳng khác gì có tay…”, chị Hợp tự hào kể về cậu con trai.

Chị Hợp cho biết, từ lúc chập chững tập đi cho đến khi bước chân vững vàng, rắn rỏi, Hạnh thường trốn mẹ sang nhà hàng xóm chơi rồi theo chúng bạn tới trường mẫu giáo.

Trong lúc các bạn đồng lứa học, Hạnh đứng ngoài cửa sổ ngó vào lớp, rồi không biết từ lúc nào, ý nghĩ trong đầu em lớn dần lên: “Đi học!”.

Lên 5 tuổi, sau một lần đến trường xem bạn học, Hạnh về nhà nằng nặc đòi mẹ mua vở để đi học. “Lúc đầu, vợ chồng tôi không cho vì nghĩ con mình khuyết tật như vậy thì học làm sao được, ai người ta nhận”, chị Hợp nhớ lại.

Còn Hạnh cho biết, trong một lần đang mãi nhìn các bạn học, cô giáo bất ngờ bước ra cửa và tiến lại gần. Thấy cô, Hạnh vọt chạy. Hạnh vẫn nhớ cô giáo tên Huyền (giáo viên mẫu giáo), hôm sau tìm tới nhà xin cha, mẹ cho Hạnh đi học vì thấy thương và nói thường bắt gặp em đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn vào với ánh mắt khát khao.

Trong lúc cha mẹ Hạnh phân vân vì lo không biết con sẽ viết chữ bằng cách nào, Hạnh đã nhanh nhảu: “Con sẽ viết bằng chân”.

Nghe điện thoại
Nghe điện thoại.
Nhắn tin bằng đầu ngón chân
Nhắn tin bằng đầu ngón chân.
 Nghe điện thoại Nghe điện thoại Nhắn tin bằng đầu ngón chân Nhắn tin bằng đầu ngón chân Đánh máy vi tính bằng chân Sử dụng máy vi tính bằng chân
Nghe điện thoại Nghe điện thoại Nhắn tin bằng đầu ngón chân Nhắn tin bằng đầu ngón chân Đánh máy vi tính bằng chân Sử dụng máy vi tính bằng chân .

Trò chuyện với chúng tôi, Hạnh kể: “Viết chữ không như ăn cơm, rửa chén bát ở nhà nên lúc đầu, các ngón chân sưng tấy, rỉ máu, mực dính đầy mình. Mồ hôi nhễ nhại khắp người, nhất là cây bút cứ trượt xuống hai ngón chân nhưng em vẫn thấy vui”.

Nhọc nhằn với những con chữ đầu đời như vậy, song sang lớp 1, Hạnh đã là học sinh giỏi trước sự kinh ngạc của mọi người. “Lần đầu được giấy khen, Hạnh chạy khoe khắp nhà”, anh Hồ Hữu Thân (48 tuổi, cha Hạnh) nhớ lại.

Từ đó đến nay (Hạnh hiện là học sinh lớp 7A8, Trường THCS Lê Thánh Tông), năm nào em cũng đạt thành tích học sinh khá, giỏi.

Lấy chân làm tay, Hạnh còn có thể nhắn tin điện thoại không hề kém người thường khiến ai cũng trầm trồ. Hạnh khoe: “Em có bạn ở khắp nơi nên bọn em hay nhắn tin cho nhau hỏi thăm chuyện học…”.

Trong căn nhà nhỏ của Hạnh, treo đầy giấy khen, thành tích học tập, thể thao. Ba mẹ Hạnh cũng không khỏi tự hào.

Xóm nghèo nể phục

Khi nghe chúng tôi hỏi đường đến nhà cậu bé không tay, chị bán nước ở đầu đường dẫn vào ấp 2, xã Gia Canh (H.Định Quán, Đồng Nai) hồ hởi: “Chú hỏi thằng bé viết chữ bằng chân nhanh như tép nhảy đó hả? Thỉnh thoảng nó chạy xe đạp ngang đây, treo mấy chai nhựa đi bán ve chai. Thằng bé đó hay lắm, nó dùng chân để ăn cơm, quét nhà, biết bơi nữa...”.

Không chỉ học giỏi, Hạnh còn "xông pha" làm chuyện nhà. Quét nhà, rửa chén, hái dưa, nhặt cỏ rau… Hạnh đều làm tuốt. Lúc em gái còn đi học mẫu giáo, thời gian rảnh, Hạnh còn cõng em đến trường trên tấm lưng gầy. Ở nhà, thấy hai em gái thích nhìn anh lộn đầu "trồng cây chuối", Hạnh cũng… chiều em.

Sau giờ học, Hạnh còn phụ giúp gia đình
Sau giờ học, Hạnh còn phụ giúp gia đình.

Căn phòng Hạnh tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng gọn gàng, hễ nhìn thấy sách vở, quần áo bừa bộn là em lại “ngứa mắt”, dùng chân đem chúng về đúng vị trí.

Ngạc nhiên nhất là chuyện Hạnh còn chạy được cả xe đạp. Hạnh kể: “Những ngày đầu, chật vật, té xuống đường liên tục, em vẫn kiên trì cặp cổ vào cái ghi đông để lái…”. Nói đến chuyện Hạnh tập xe, anh Thân kể: "Có hôm nó còn rủ lũ bạn đua xe đạp nữa…".

Ông Đỗ Ngọc Khang (57 tuổi) ở Gia Canh, H.Định Quán nói: “Chuyện thằng Hạnh không tay, hằng ngày dùng chân đạp xe đi học mấy cây số, học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ… làm nhiều người ở đây nể phục lắm. Nhà nó và vùng quê này không giàu có, nhưng nó là tấm gương giàu nghị lực cho chúng tôi dạy dỗ con cháu…”.

Cô giáo Đặng Thị Quyết Tâm, người Hạnh cho biết là một ân nhân, từng là giáo viên chủ nhiệm của Hạnh nhớ lại: “Hồi lớp 4, có dạo Hạnh rất ham chơi, thường trốn học đi chơi điện tử. Tôi kịp phát hiện, nên đã “trị” rất khắt khe… Sau đó, Hạnh nhận ra mình sai và sửa lỗi. Bây giờ, ở trường Hạnh được nhiều thầy cô thương mến…”.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, Hạnh tấp nập đón những người bạn cùng lứa đến nhà nhờ “gỡ bí” bài tập tin học.

Theo An Bang
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG