Nghị lực của cô bé 17 tuổi phải nằm học chữ

Nghị lực của cô bé 17 tuổi phải nằm học chữ
Sinh năm 1996 nhưng đến giờ Lê Thị Mỹ Hòa vẫn mang hình hài của đứa trẻ 2 tuổi. Bị bại liệt 2 chân, tay hoạt động khó khăn nhưng Mỹ Hòa vẫn luôn tràn ngập niềm tin yêu và nghị lực sống.

Nghị lực của cô bé 17 tuổi phải nằm học chữ

> Cậu bé không có hai bàn chân vẫn đá bóng cực đỉnh
> Cô bé không tay không chân nhận học bổng đặc biệt

Sinh năm 1996 nhưng đến giờ Lê Thị Mỹ Hòa vẫn mang hình hài của đứa trẻ 2 tuổi. Bị bại liệt 2 chân, tay hoạt động khó khăn nhưng Mỹ Hòa vẫn luôn tràn ngập niềm tin yêu và nghị lực sống.

Cô bé nghị lực Lê Thị Mỹ Hòa
Cô bé nghị lực Lê Thị Mỹ Hòa.

17 tuổi chỉ cao bằng đứa trẻ 2 tuổi

Vượt quãng đường xa hàng nghìn cây số từ Hà Nội chúng tôi tìm về vùng quê nghèo xứ Quảng để gặp cô bé có tên gọi thân thương “Cô bé nghị lực”. Con đường dẫn vào thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) đất đá, vòng vèo thật khó đi. Đến đây, hỏi gia đình anh Hải, chị Hiền thì không ai là không biết bởi ngôi nhà này có cô bé rất đặc biệt.

Dù đã biết trước về hoàn cảnh gia đình và bản thân Mỹ Hòa nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, rưng rưng nước mắt vì cuộc sống vô cùng khó khăn mà gia đình em đang phải gánh chịu.

Mỹ Hòa sinh ra đã không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, khi căn bệnh bại liệt đã cướp đi tuổi thơ hồn nhiên của em. Mỹ Hòa bị liệt chân, hai tay co quắp, hoàn toàn mất khả năng đi lại… Trong nhà có bao nhiêu của cải, bố mẹ Hòa cũng đều dồn vào đi chữa trị cho con khắp nơi nhưng em vẫn chỉ nằm một chỗ.

17 năm trôi qua, giờ Mỹ Hòa vẫn chỉ có một chiều cao khiêm tốn của một em bé 2 tuổi gần 80 cm.

Tự gọi điện xin đi học

Dù chân tay bại liệt nhưng Mỹ Hòa vẫn mong muốn một ngày nào đó sẽ được đi học như bạn bè. Thế nhưng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình không cho phép. Khi thấy những đứa bé khác trong thôn được vui đùa cắp sách tới trường em chỉ biết nằm trên giường nhìn theo với ánh mắt khao khát. Hàng ngày, Mỹ Hòa vẫn nằm lắng nghe các em mình học rồi tự học theo.

Một hôm bạn của bố Mỹ Hòa đến nhà chơi thấy được sự ham học của cô nên đã gợi ý gửi cô bé vào Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy. Nhưng việc xin được đến trường cũng là cả một hành trình thử thách nghị lực và quyết tâm của Hòa. Cô bé tự xin số điện thoại của thầy Phạm Văn Hiệu (Giám đốc trung tâm) điện thoại đến năn nỉ thầy. Sau đó, Mỹ Hòa phải trải qua một kì kiểm tra khả năng xem có được nhận vào trường hay không. Cái tin Mỹ Hòa được nhận vào trường tiểu học đã khiến cả nhà em vỡ òa trong hạnh phúc, niềm ao ước bấy lâu của em và gia đình đang dần thành hiện thực.

Bố là người luôn song hành cùng Hòa đến trường
Bố là người luôn song hành cùng Hòa đến trường.

Em không thể ngồi như những bạn bình thường mà phải nằm ngửa viết bài. Lần đầu cầm bút viết chữ em đau tay lắm. Sự tuyệt vọng khi ghép từng con chữ lại với nhau đã làm nước mắt em không ít lần rơi trên những trang giấy. Nhưng quyết tâm được đi học, muốn biết chữ nên em đã nỗ lực rất nhiều. Mỹ Hòa kể lại: “Để viết xong một bài chính tả bạn bè bình thường mất khoảng hai mươi phút còn em phải viết một buổi, mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả người”.

Để hoàn thành bài viết như thế này, Hòa đã phải bỏ rất nhiều mồ hôi và nước mắt
Để hoàn thành bài viết như thế này, Hòa đã phải bỏ rất nhiều mồ hôi và nước mắt.

Anh Lê Thanh Hải - bố của Mỹ Hòa rưng rưng nước mắt tâm sự: “Nhớ ngày đầu nó đi học, hai vợ chồng tôi đã dậy từ rất sớm để đưa con bé đi. Trường cách nhà 7km nhưng vì sức khỏe bé yếu quá, đi xa không được nên chúng tôi phải mất gần một tiếng mới đưa con tới trường được. Đi học được một ngày về mà nó ốm hơn một tuần liền. Cứ tưởng rằng nó sẽ bỏ ý định đi học từ đấy chứ, không ngờ hết ốm nó lại đòi bố mẹ đưa đi học cho bằng được. Thương con nên tôi lại gạt nước mắt đưa nó tới trường”.

Nằm trên bàn giáo viên học chữ

Hiểu được tình trạng sức khỏe của em nên trung tâm đã cử giáo viên tới tận nhà dạy cho Hòa vào hai năm lớp 1 và lớp 2. Lên lớp 3, lớp 4, và bây giờ là học trò lớp 5 em đều được bố mẹ tới trung tâm học. Thay vì ngồi học em được cô chủ nhiệm Phạm Thị Loan cũng là Hiệu phó trung tâm đặc cách cho nằm trên bàn giáo viên học.

“Khả năng tiếp thu bài của em rất tốt, luôn thích cô ra bài tập để làm. Hai năm liền em Hòa đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Bạn bè và thầy cô đều dành tình yêu thương đặc biệt cho em. Hòa còn là tấm gương sáng để các bạn trong lớp noi theo nữa” – Cô Loan đầy xúc động và tự hào về cô học trò đầy ý chí vươn lên như Hòa.

Tranh Hòa vẽ năm em học lớp 4 được lưu giữ tại văn phòng trung tâm
Tranh Hòa vẽ năm em học lớp 4 được lưu giữ tại văn phòng trung tâm.

Do sức khỏe yếu nên mỗi tuần Hòa chỉ đi học hai buổi những ngày còn lại ở nhà em tự lấy vở ra tập viết. Những ngày không được đi học em nhớ trường nhớ lớp, nhớ các bạn lắm nhưng lại sợ các thầy cô lo lắng, chăm em vất vả, nên đành ở nhà. Hai đứa em nhỏ thấy chị học vất vả, muốn giúp chị nhưng đều bị từ chối. Hòa muốn tự tay mình làm mọi việc có thể để không thành gánh nặng cho mọi người.

Nhớ ngày đầu viết chữ với Mỹ Hòa rất khó vậy mà giờ đây đôi tay em đã rất thành thạo, đã có thể viết đẹp không thua kém gì bạn bè và em còn có thể đan những chiếc mũ len, khăn choàng cổ cho những người thân trong gia đình.

Mỹ Hòa viết chữ đẹp lại còn biết thêu khăn
Mỹ Hòa viết chữ đẹp lại còn biết thêu khăn.
Mỹ Hòa viết chữ đẹp lại còn biết thêu khăn
Những chiếc mũ, khăn mà Mỹ Hòa đan tặng mọi người.

17 tuổi, với những bạn trẻ khác thường ấp ủ bao ước mơ thật lớn lao, đẹp đẽ nhưng Hòa chỉ dám mơ: “Có thể được học lên cấp 2 và thêu len giỏi để có thể làm thêu thuê kiếm tiền đỡ đần bố mẹ là em vui lắm rồi” – cô bé Siêu nghị lực nói khi chúng tôi chuẩn bị ra về. Chỉ có đến tận nơi chứng kiến cuộc sống của Mỹ Hòa chúng tôi càng thấy mình thật may mắn khi sinh ra lành lặn có thể đi đây đi đó như thế này và cảm phục em nhiều hơn. Chúc em sớm hoàn thành ước mơ nho nhỏ ấy và sẽ còn học lên cao hơn nữa.

Theo Bảo Ngọc
Báo Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.