> Chùa Một Cột từng trước nguy cơ xóa sổ
> Hoa sen không nở ở chùa Diên Hựu
Thông điệp uẩn súc
Văn bia trong chùa dựng năm Cảnh Trị thứ ba (1665), đời vua Lê Huyền Tông ghi: “Nước Việt ta xưa có cái hồ hình vuông. Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây tòa Lầu Ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng… Triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng.
Vua Lý Thái Tông chưa có hoàng tử thường đến đó cầu nguyện. Một đêm, Vua nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm mời lên trên lầu, đặt một đứa bé vào lòng. Tỉnh dậy, Vua đem chuyện nói với quần thần. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm trên cột, như thấy trong mộng. Tháng đó Hoàng hậu mang thai Hoàng tử.
Vua sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng. Chùa được xây dựng vào mùa Đông năm Kỷ Sửu, Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất (1049)... Chùa Một Cột chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ (mỗi cạnh 20 m) có trồng hoa sen.
Hằng năm cứ đến ngày 8-4 âm lịch, Vua lại làm lễ tắm Phật và phóng sinh. Các nhà sư và nhân dân khắp kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Vua đứng trên đài cao trước chùa thả một con chim bay đi trong tiếng reo vui của nhân dân trong ngày hội lớn”.
Một Cột còn gọi là Tòa đài sen (Liên hoa đài) hình dáng như một bông sen. Chùa hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, trên một trụ đá có đường kính 1,2m, đó là nét độc đáo của ngôi chùa. Trụ đá gồm hai khối gắn liền với nhau, tưởng như chỉ là một. Trụ đá cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất).
Phần trên thân trụ mang tám cánh gỗ, trông tựa bông sen nở, lại ăn liền với mộng tám cột lớn và cột phụ đỡ các đòn ngang của mái. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu mặt nguyệt.
Trong chùa, tượng đức Phật Quan Âm tọa lạc. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài”. Tượng Phật Quan Âm cũng ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Chùa có bốn mái, bốn đầu đao cong được đắp hình đầu rồng.
Chùa Một Cột có ý nghĩa văn hóa tôn giáo to lớn nhưng quy mô lại thu nhỏ để bảo đảm kiến trúc có hình tượng bông sen. Từ sân lên sàn chùa để tụng kinh lễ bái, bước qua 13 bậc rộng 1,4m, hai bên tường gạch, gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.
Rồi nữa Ao Linh Chiểu hình vuông, cột hình tròn. Riêng hai hình tượng ấy khơi gợi đánh thức làm bừng lên bao thông điệp nhân văn. Vuông tượng trưng âm. Tròn tính dương. Trong âm có dương. Trong dương có âm. Độc đáo chỗ ấy. Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào.
Trớ trêu Diên Hựu
Hồ Linh Chiểu vắng sen hai năm nay. |
Diễn nôm, Diên là lâu dài, vững bền, chắc chắn hanh thông. Hựu là lại. Lặp lại sự hanh thông, vững bền ấy. Tiền nhân đặt tên ngôi chùa là Diên Hựu ngay cạnh Một Cột dường như là sự diễn dịch bổ sung cho ý nghĩa và nữa, như một thứ trấn yểm cho chùa Một Cột?
Vậy mà bùa trấn ấy có lần không phát huy linh hiệu? Tòa sen - Liên hoa đài trầm mặc ngự hằng bao năm như thế trên cột trụ đá – Chùa Một Cột thốt nhiên sụp đổ sau một tiếng nổ kinh hồn. Sự dữ ấy xảy ra vào giờ Tý đúng ngày Rằm Tháng Tám năm 1954, thời điểm vừa tiếp quản Thủ đô.
Một bọn vô lại cứ nghĩ rằng đánh sập Chùa Một Cột tượng trưng cho linh khí nước Nam này thì sự thế sẽ đổi khác? Chứ không à? Ao Linh Chiểu cũng là nơi hàng bao đời lưu giữ một trong những Tứ Đại Khí của nước Nam. Tứ đại khí ấy là Tháp Báo Thiên - Tượng Chùa Quỳnh Lâm - Vạc Phổ Minh - Chuông Quy Điền.
Nơi có Chuông Quy Điền có lẽ là khoảng ruộng bên cạnh của Ao Linh Chiểu mọc lên Liên Hoa đài bây giờ? Sử từng chép, vào tháng hai năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan đã cho đúc một quả chuông rất to. Chuông có tên là Giác Thế Chung (chuông thức tỉnh người trên cõi đời).
Để đúc quả chuông này, người ta đã sử dụng đến 12.000 cân đồng (tương đương với 7,3 tấn đồng bây giờ). Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng chuông đã thành khí, không nên tiêu hủy, nhà vua bèn sai người chuyển ra khu ruộng sau chùa.
Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng Rùa), nhân đó gọi chuông là chuông Quy Điền. Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền đã bị Vương Thông (nhà Minh) cho phá hủy để chế súng đạn, hỏa khí.
Sử cận gần là thế nhưng chưa thấy tài liệu nào của bên chấp pháp biên chép sự kiện phá hoại mùa thu năm 1954 ấy?
Hồi đó, các cơ quan có trách nhiệm đã kịp thời cho phục dựng Chùa Một Cột (bọn phản động đã gài chất nổ vào phía sau lư hương phía giữa tòa sen nên sức công phá khá ác hiểm). Công việc phục hồi tỉ mẩn và nhọc nhằn ấy được ủy nhiệm cho chuyên viên Sở Bảo tồn Cổ Tích Nguyễn Bá Lăng cầm trịch. Vị này đã cố công nghiên cứu họa đồ và trực tiếp điều khiển công trường. Họa đồ đã được nghiên cứu căn cứ theo một bộ ảnh chụp cũ khoảng cuối thế kỷ XIX của trường Viễn Ðông Bác Cổ. Vì là ảnh chụp lập diện (géométral) nên những kích thước cũ, chiều rộng, chiều cao, độ dốc mái kể cả chi tiết tầu đao, lan can được phục nguyên một cách chính xác.
Sau mấy tháng thầy thợ tỉ mẩn miệt mài (có lẽ thời điểm đó có nhiều khó khăn nên cột đá được thay bằng ximoong na ná như thứ bê tông?), trên cái nền đổ nát ấy khá tinh khéo một Liên hoa đài như xưa chĩnh chiện uy nghi mọc lên.
Cũng đã có nhiều ý kiến của giới nghiên cứu đề nghị rằng nếu có điều kiện thích hợp thì thay cột bê tông bằng cột đá. Trong cuộc hội thảo mới nhất về chùa Một Cột sáng 15/3/2013, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cũng đã bộc bạch lên cái nguyện vọng ấy...
Hình như lịch sử chả có chữ nếu? Nhưng nếu như hồi xây một số công trình kiến trúc xung quanh, khéo tính khéo trù thêm một tí, vị trí của chùa Diên Hựu không đến nỗi lọt thỏm yếm thế có cảm giác bị choán bị nuốt so với cảnh quan như bây giờ?
Hội chứng la làng cứ như đương thách thức và nữa, như trêu ngươi những nhà chức việc nào quan liêu, trì trệ? |
Chính vì cái nếu ấy nên hiện trạng bây giờ thân đất chùa Một Cột đâm thấp trũng so với các công trình xung quanh. Tại cuộc hội thảo đã nói trên, Hòa thượng Thích Tâm Kiên, sư trụ trì chùa Một Cột (có giữ được bền lòng như cái danh Phật pháp?), đã than thở rằng cứ mưa một trận to là sân chùa ngập nước đến tày gang. Người coi chùa này cũng bật mí một chi tiết hơi lạ! Dường như ông đã góp phần lý giải tại sao hồ Linh Chiểu hai năm nay bỗng bặt đi giống sen quý giá mà bao năm nay du khách vẫn được chiêm quan? Duyên do rất đơn giản.
Vì vị trí thấp trũng nên mỗi khi mưa ngập, cá từ ao cá ngay bên cạnh và không biết từ ao hồ nào ra nữa, đã dồn về vị trí thấp hơn sân chùa là hồ Linh Chiểu. Oái oăm, đó không phải thứ mè trôi trắm chép mà tuyền giống cá rô phi phàm ăn tục đớp, nhà chùa có cho người ta đánh bắt đi nhưng không xuể.
Cái giống phàm tợn này lanh khôn quẩn sục sâu xuống tầng bùn dưới hồ Linh Chiểu để moi tìm những củ, những ngó sen mà đến người còn khoái. Ngó cùng củ đã bị thứ dữ ấy đào trụi rồi thì mầm sen nhánh súng lấy cái gì mà mọc?
Hội chứng la... làng!
Có vẻ ba chữ Diên Hựu tự được tạo dựng chĩnh chiện trên vị trí cao nhất của chùa đã thêm một lần nữa cứ như trêu cợt? Chùa Diên Hựu đang kêu cứu. Mà tác giả sự kêu cứu ấy là sư trụ trì.
Đỏ đắn. Khí sắc vượng. Đi lại lẹ làng. Nói năng hoạt bát... Câu nhập thế chứ không yếm thế vận vào vị hoà thượng mới sinh sắc sống động làm sao. Nếu 30 ngày sau khi gửi đơn việc sửa chùa không có hồi âm thì bổn tự đây sẽ thực thi cái việc hạ giải!
Hạ giải! Một ngôi cổ tự thành Thăng Long từng nổi danh kiến trúc độc đáo Á Châu, nằm liên hoàn trong cụm di tích đặc biệt liên quan đến Hồ Chủ Tịch... mà lại để tới nước bổn tự tính đơn phương tự tiện phá dỡ làm lại, quả là một việc không thường!
Vị trụ trì chùa đây chắc cũng rành việc không kịp thực hiện kế hoạch tôn tạo tu bổ chùa Diên Hựu nằm trong tổng thể tôn tạo vào dịp 1.000 năm Thăng Long của các cấp có trách nhiệm? Thì Hòa thượng Thích Tâm Kiên cứ kiên tâm thêm chờ đợi thêm?
Có lẽ do quá sốt ruột (như ông từng bộc bạch là đã gửi hàng chục lá đơn lên các cấp rồi vẫn chưa thấy hồi âm) nên đã bùng lên chuyện tâm thư với tối hậu thư hạ giải vừa mới rồi?
Hình ảnh tượng Phật đội nón mặc áo tơi cứ như lửa như lốc lan nhanh trên các phương tiện truyền thông theo kiểu chúng khẩu đồng từ. Rồi sự kiện ông Chủ tịch UBND quận Ba Đình đích danh cầm chịch một cuộc hội thảo với thành phần tham dự không phải thường về kế hoạch tu tạo chùa Một Cột lập tức thu hút sự chăm chú của công luận.
Mặc dù chưa giải quyết được những câu hỏi căn bản như việc xây dựng nhà Tổ nhà Tăng chùa Một Cột có được phép tiến hành hay ngược lại? quyết định của các cấp thẩm quyền để hạ giải, để tôn tạo quy mô rốt ráo chùa Diên Hựu sẽ được đưa ra vào thời điểm nào? nhưng Ba Đình dường như đã ghi điểm, đã nhanh nhậy trước những bức xúc chính đáng? Động thái báo hiệu một sự chuyển dịch tích cực?
Một chiều oi nồng đỉnh điểm của cái nóng Hà Thành, sau thời điểm hội thảo, lang thang trước chùa Diên Hựu chợt thấy khang khác? Thì ra là đôi tỳ hưu kệch cỡm hiện diện ở phía dưới cổng chùa mé cửa tam quan đã biến mất!
Đôi tỳ hưu - thứ sư tử dữ dằn bằng đá nặng chịch này biến mất có lẽ khiến nhiều người nhẹ mình bởi nhiều ý kiến đòi rinh, đòi chuyển cặp tỳ hưu ngoại lai, phản cảm đã có từ lâu.
Tôi đang mạo muội nghĩ đến một hội chứng lạ. Ấy là hội chứng la... làng!
Rằng muốn được chú ý, muốn được tháo giải bế tắc thì phải la làng, phải làm cái gì đó khác lạ thậm chí động trời. Không phải không có ý kiến cho rằng vụ Đoàn Văn Vươn là một trường hợp như thế?!
Hạ giải? Chợt nghĩ đến ngôi nhà Tổ chùa Trăm Gian, nếu người nhà chùa sau này thay vì phải ngồi kiểm điểm vì hành động sốt ruột tự phát hạ giải ngôi nhà Tổ, sư bà ấy cứ thử la làng toáng lên như kiểu Hòa thượng Thích Tâm Kiên? Hay việc hạ giải ngôi nhà Tổ của chùa Trăm Gian rồi trùng tu xây cất lại một cách lỗ mỗ loạc choạc cũng là một kiểu cách la làng?
Cũng cần nói cho ngay, không thể cổ vũ kiểu la... làng ấy giữa thời buổi quản trị đất nước bằng hệ thống luật pháp trong đó có Luật khiếu nại tố cáo. Thế mà lại lạ lùng cái phương tiện la làng đánh trống kêu oan cổ lỗ dường như lại đang đạt hiệu quả?
Hội chứng ấy cứ như đương thách thức và nữa, như trêu ngươi những nhà chức việc nào quan liêu, trì trệ?
Ao Linh Chiểu hình vuông, cột chùa Một Cột hình tròn. Vuông tượng trưng âm. Tròn tính dương. Trong âm có dương. Trong dương có âm. Độc đáo chỗ ấy. Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào. |