Nghẹt mũi, chảy nước mũi điều trị tại nhà như thế nào?

TPO - Nghẹt mũi và chảy nước mũi là các tình trạng thường gặp và có thể xuất hiện quanh năm vì nhiều lý do khác nhau. Đây là bệnh lý nhẹ, thường có thể xử trí tại nhà bằng các biện pháp không dùng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp cần sử dụng thuốc để điều trị.

1001 nguyên nhân gây nghẹt mũi, chảy nước mũi

Nghẹt mũi xảy ra khi khi hốc mũi bị viêm và dịch nhầy trong mũi trở nên dính và đặc, khó bị tống ra khỏi cơ thể. Chảy nước mũi xuất hiện khi có quá nhiều dịch nhầy chảy ra từ mũi. Dịch nhầy có thể trong hoặc đục, chảy liên tục hoặc ngắt quãng và ở dạng đặc hoặc loãng. Căn bệnh này không nguy hiểm nhưng 'mắt mũi kèm nhèm' ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện tượng nghẹt mũi, chảy nước mũi có thể do nhiều nguyên nhân.

Cảm lạnh và cúm: Các bệnh lý này có thể gây tăng tiết dịch nhầy quá mức, dẫn đến tắc nghẽn các xoang trong mũi. Nguyên nhân do cơ thể có tình trạng nhiễm trùng, do vi khuẩn hoặc virus. Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cúm có thể kèm theo các triệu chứng khác như ho, nặng mặt, mệt mỏi, sốt hay đau họng. Nếu có sốt, bệnh nhân nên được bác sĩ thăm khám sớm nhất có thể, do bệnh nhân có thể mắc cúm. Cảm lạnh không gây sốt.

Nghẹt mũi, chảy nước mũi điều trị tại nhà như thế nào? ảnh 1

Cảm lạnh, cúm có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Khóc: Nước mắt được cơ thể tiết ra khi khóc sẽ thoát vào xoang mũi thông qua các kênh dẫn nước mắt.

Nhiễm trùng: Các xoang trên mặt có thể thông vào mũi. Nếu có nhiễm trùng tại amidan vòm hoặc xoang, ví dụ viêm xoang, sẽ dẫn đến tăng tiết quá mức dịch nhầy nhiễm trùng.

Viêm mũi dị ứng: Các phản ứng với tác nhân gây dị ứng như ve bụi, mảnh da hoặc lông vật nuôi, phấn hoa… có thể dẫn đến đáp ứng miễn dịch gây sản sinh quá mức dịch nhầy để chống lại các tác nhân này. Quá trình này thường kèm theo hắt hơi và chảy nước mắt.

Viêm mũi vận mạch: Sự sản sinh quá mức dịch nhầy có thể do phản ứng của mũi với các tác nhân kích thích, như nước hoa, chất ô nhiễm, khói hoặc đồ ăn cay.

Phì đại cuốn mũi: Các cuốn mũi, bao gồm các xương nằm bên trong mũi, có thể bị sưng do dị ứng hoặc nhiễm trùng. Điều này dẫn đến tắc nghẽn các xoang trong mũi, khiến dịch trong mũi khó thoát ra và gây nghẹt mũi.

Sưng amidan vòm: Sản sinh dịch nhầy quá mức có thể gây ra sưng amidan vòm, là tổ chức mô phía sau mũi. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em.

Polyp mũi: Trên niêm mạc mũi có thể hình thành các tổ chức hình dạng như quả nho. Cơ thể có thể coi các polyp đó là dị vật và kích hoạt hệ miễn dịch để chống lại tác nhân này, gây tăng tiết dịch nhầy quá mức.

Dị vật: Sự xâm nhập của các dị vật vào mũi thường xảy ra ở trẻ em, bao gồm các loại hạt, mảnh đồ chơi xếp hình hoặc các vật thể nhỏ khác. Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng thông qua đáp ứng miễn dịch và có thể sản sinh dịch nhầy có mùi hôi.

U nang mũi:Mặc dù các u lành tính hoặc ác tính trong hốc mũi hiếm gặp, nhưng vẫn có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân. Trong đó, thường chỉ có một bên mũi ghi nhận hiện tượng sản sinh dịch nhầy quá mức.

Hẹp lỗ mũi sau: Hẹp lỗ mũi sau là một dị tật bẩm sinh, trong đó mũi hầu bị tắc nghẽn do xương hoặc mô. Nếu cả hai bên bị tắc hoàn toàn, tình trạng này thường được chẩn đoán sớm sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ có một bên mũi bị ảnh hưởng, bệnh lý này có thể được chẩn đoán muộn hơn sau đó.

Lệch vách ngăn mũi: Vách ngăn mũi được hình thành từ xương và sụn, nằm ngăn cách 2 bên mũi. Vách ngăn mũi có thể bị lệch về một bên. Vấn đề này thường xuất hiện khi sinh hoặc có nguyên nhân do chấn thương mũi. Lệch vách ngăn mũi có thể gây tắc nghẽn.

‘Bác sĩ tại gia’ xử trí nghẹt mũi, chảy nước mũi tại nhà, không dùng thuốc

Các biện pháp xử trí tại nhà chủ yếu để làm dịu triệu chứng. Các biện pháp này không điều trị dứt điểm được tình trạng chảy nước mũi nhưng có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Bù dịch: Bệnh nhân nên được bù dịch đầy đủ, giúp dịch nhầy loãng hơn và dễ tống ra khỏi cơ thể. Nếu bệnh nhân bị mất nước, dịch nhầy có thể trở nên dính và đặc, dẫn đến tắc nghẽn. Tránh dùng đồ uống có thể gây mất nước, như đồ uống chứa cồn và cà phê.

Trà nóng: Hơi nóng từ cốc trà nóng có thể giúp dịch loãng ra, dễ tống ra ngoài. Một số loại trà thảo mộc có tác dụng kháng histamin, chống viêm và chống sung huyết nhẹ, như cúc La Mã, gừng, bạc hà.

Nghẹt mũi, chảy nước mũi điều trị tại nhà như thế nào? ảnh 2

Trà thảo mộc nóng làm dịu cơn khó chịu do nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Xông hơi mặt có hiệu quả làm giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi. Kết quả từ một nghiên cứu năm 2015 cho thấy việc điều trị cảm lạnh bằng cách hít vào hơi nước nóng có thể giúp rút ngắn giai đoạn hồi phục bệnh khoảng 1 tuần.

Tắm nước nóng có hiệu quả tương tự như dùng trà nóng, nhưng không chứa thảo dược, và liệu pháp hít vào hơi nước nóng.

Bình rửa mũi: Sử dụng bình rửa mũi là cách thuận tiện để rửa và loại bỏ dịch nhầy trong hốc mũi. Khi dùng bình rửa mũi, bệnh nhân nên sử dụng nước cất hoặc nước vô trùng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang.

Nghẹt mũi, chảy nước mũi điều trị tại nhà như thế nào? ảnh 3

Khi dùng bình rửa mũi, bệnh nhân nên sử dụng nước cất hoặc nước vô trùng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang.

Đồ ăn cay có thể gây kích thích chảy nước mũi song cũng có tác dụng trong việc làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Ví dụ các loại gia vị cay bao gồm ớt, hạt tiêu, gừng, cải mèo,… Các loại đồ ăn cay có thể làm giãn các hốc trong cơ thể và giúp giải quyết các vấn đề ở xoang.

Nghẹt mũi, chảy nước mũi điều trị tại nhà như thế nào? ảnh 4

Gia vị cay như ớt, gừng... có thể giúp giảm nghẹt mũi.

Khăn mặt ẩm: Đặt khăn mặt ẩm lên mặt vài lần mỗi ngày, giúp làm dịu cơn đau ở xoang và làm loãng dịch nhầy.

Máy tạo ẩm không khí: Thiết bị này có thể giúp làm loãng dịch nhầy, giúp dễ dàng tống ra khỏi cơ thể, và giữ ẩm hốc mũi.

Điều trị dùng thuốc

Việc lựa chọn biện pháp điều trị bằng thuốc được quyết định bởi nguyên nhân gây nghẹt mũi và/hoặc viêm mũi. Một số nguyên nhân có thể cần phẫu thuật để giải quyết, như hẹp lỗ mũi sau, lệch vách ngăn mũi, mắc dị vật, u nang mũi hoặc polyp mũi. Tuy nhiên, mọi đơn thuốc đều cần có sự hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ mới đảm bảo an toàn, hiệu quả. Các loại thuốc có thể dùng trong quá trình điều trị bao gồm: Thuốc kháng sinh hoặc kháng virus: Cóhiệu quả trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, như nhiễm khuẩn xoang hoặc viêm họng do liên cầu khuẩn. Thuốc kháng virus có tác dụng với cúm, nếu bệnh nhân sử dụng thuốc trong giai đoạn sớm của bệnh. Cả hai loại thuốc này đều không nên dùng cho cảm lạnh hoặc đau họng không do vi khuẩn Streptococcus nhóm A; Thuốc kháng histamin: Có tác dụng làm khô dịch nhầy và điều trị viêm mũi dị ứng; Thuốc chống sung huyết mũi dạng xịt; Thuốc chống sung huyết đường uống: Giúp làm khô và làm co các hốc mũi.

Người bệnh cần nhanh chóng gặp bác sĩ khi xuất hiện tình trạng dịch tiết ở mũi có chứa máu, dịch trong suốt sau khi chấn thương vùng đầu, kèm theo đau xoang, dịch màu xanh hoặc vàng, hoặc các triệu chứng kèm theo sốt kéo dài trên 10 ngày.

Nghẹt mũi, chảy nước mũi điều trị tại nhà như thế nào? ảnh 5

Người bệnh cần nhanh chóng gặp bác sĩ khi xuất hiện tình trạng dịch tiết ở mũi có chứa máu.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi và có sốt hoặc nếu tình trạng chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi khiến trẻ khó thở, biếng ăn.

MỚI - NÓNG