Nghề xe kéo ở Đà thành

Nghề xe kéo ở Đà thành
TP - Họ cúi mặt cầm càng luồn lách giữa dòng người qua lại. Những chuyến hàng chất đầy xi măng, gạch, cát, đồ gia dụng... đè lên đời người kéo xe bò…

Những hoàn cảnh…

Ở Đà Nẵng, hình ảnh những phu kéo xe bò xuất hiện ở nhiều nơi như các ngã 4, cửa hàng vật liệu xây dựng hay trước các cửa hàng bán đồ nội thất… Vào nghề này rất đơn giản chỉ cần 1 chiếc xe cải tiến, thùng gỗ và sức khỏe. “Nghe thì đơn giản lắm nhưng để vào được nghề này phải có sức khỏe, mình mà ốm yếu thì không ai thuê đâu”- ông T.V. Nam phu xe trên đường Điện Biên Phủ cho biết.

Dù ở cái tuổi ngoài 60 nhưng ông N.C. Toàn vẫn phải bươn chải với nghề. Hơn 8 năm nay, ông kéo xe cho một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Phạm Như Tăng để có tiền nuôi đứa con bị nhiễm chất độc da cam và đứa con trai là sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ. Nhà ông có 4 người con, 2 người đã có vợ có chồng nhưng khó khăn nên không phụ giúp được ông nhiều. Vợ ông phải ở nhà chăm sóc người con bị bệnh nên mọi gánh nặng đè lên vai ông.

“Người ta còn khỏe mạnh thì ra đứng ở ngoài đường ai thuê gì thì chở, còn tôi già yếu nên ở đây bao giờ có khách mua mấy trăm gạch, hay xe cát, bao xi-măng thì người ta kêu mình, chớ tôi già rồi làm sao cạnh tranh với đám thanh niên” - ông Toàn nói. Vì tuổi già không còn khỏe nên mỗi chuyến ông Toàn chỉ kéo được trọng lượng bằng một nửa so với những người khác. Nhưng nhờ chủ cửa hàng vật liệu thương cho nên tạo cơ hội để ông làm việc.

Anh T.V. Sang tốt nghiệp ngành kĩ sư cầu đường, nhưng không xin được việc làm cũng tìm đến với nghề kéo xe bò. Hằng ngày anh đứng trước cổng chợ Hòa Khánh, ai đến thuê gì thì chở nấy nhiều khi có khách cần xe ôm thì chở luôn. “ Cũng vì hoàn cảnh hết em à, anh mà không làm ra tiền thì lấy ai nuôi ba nuôi mẹ anh đây”- anh Sang chia sẻ. Vì thu nhập không ổn định, nên dù lấy nhau đã lâu nhưng vợ chồng anh vẫn chưa dám có con. Hơn 2 tháng nay, anh phải ở nhà chăm sóc vợ bị gãy chân vì ngã giàn giáo khi đi làm thợ hồ. Không có tiền phải vay nợ, bây giờ anh phải tranh thủ kiếm tiền để trả nợ. Vì cuộc sống mưu sinh mà nhìn anh già đi so với cái tuổi 30.

Vài chục ngàn là vui rồi

Ngồi chờ những chuyến hàng
Ngồi chờ những chuyến hàng.
 

Mỗi chuyến hàng của những phu xe kéo nếu gần thì được trả 25-30 ngàn, còn nếu xa sẽ được tính theo ki lô mét (chủ yếu đối với những người kéo bằng xe máy).

“Ngày nhiều nhất tôi kiếm được khoảng 70-90 ngàn, còn có ngày thì không kiếm được đồng mô” – ông Toàn tâm sự. Hôm tôi đến tìm ông, trời mưa nên cả buổi sáng ông chỉ kéo 1 chuyến được 30 ngàn, mãi đến 15h có ông khách cần sửa nhà vệ sinh thuê ông chở 1 xe cát, 70 viên gạch với hai bao xi-măng, ông tươi cười và nói với tôi: “ Ngày nay thế là không ế, kiếm được vài chục là vui rồi!”.

Với những phu kéo xe, một ngày kiếm được vài chục ngàn đó là niềm vui. “Sợ nhất là ngày ra đứng chờ mãi nhưng không ai thuê mình kéo, coi như ngày đó không có tiền đi chợ” – Ông N.C. Minh phu kéo xe trên đường Nguyễn Lương Bằng chia sẻ.

Mùa hè và Tết là thời điểm ăn nên làm ra của những phu kéo xe. Vì vào khoảng thời gian này nhu cầu làm nhà, sửa nhà và người ta mua sắm nhiều nên được thuê kéo nhiều. Thời điểm từ tháng 9 âm lịch đến tháng 11 âm lịch là khoảng thời gian khó khăn của họ, vì lúc đó là mùa mưa nhu cầu sửa nhà ít nên nhiều lúc cả ngày mà họ không kiếm được “cuốc” nào. “Mùa nắng dù mệt mỏi đuối sức nhưng phải tranh thủ kéo nhiều, để có tiền mùa mưa tiêu chứ không lại đói cả nhà”- ông V.C. Anh phu kéo trên đường Trần Cao Vân tâm sự.

Muôn vàn khó khăn

“Cái nghề kéo xe bò ni khổ lắm cô ơi, trời nắng cũng khổ mà mưa cũng khổ”- ông Minh phu kéo trên đường Nguyễn Lương Bằng bộc bạch. Mùa hè trời Đà Nẵng nắng nóng với nhiệt độ trên 30 độ mặt đường nóng ran, nhiều người ngại ra đường, nhưng phu kéo xe kéo trên tay những chuyến hàng hơn 300kg vẫn luồn lách khắp ngả đường, con hẻm. “Nhiều khi đi mệt quá thì ngồi chỗ mát uống miếng nước rồi đi tiếp chớ biết sao bây giờ, ông không làm thì lấy tiền đâu nuôi vợ con”- ông Toàn trầm ngâm nói.

Với nghề kéo xe bò, nếu mùa nắng khổ một thì mùa mưa lại khổ hai. Vào những ngày trời mưa to, nước mưa hắt hết vào mặt làm cho đôi mắt cay xè đôi khi không nhìn thấy đường nhưng phải tiếp tục đi. Nhưng điều mà nhiều phu kéo lo lắng nhất là trời mưa hàng dễ bị ướt, vì vậy nên vừa kéo vừa tìm cách che hàng cho kĩ nếu không thì sẽ ướt và hư hết.

“Chở xi - măng mà làm ướt coi như dùng không được, nhưng còn đồ nội thất mà làm ướt thì coi như hỏng hết mà giá trị nó lớn quá người ta bắt đền chắc phải đi vay mới trả hết được”- ông Minh phu kéo xe trên đường Nguyễn Lương Bằng
chia sẻ.

Kéo những chuyến hàng nặng, lưu thông trên đường phố đông đúc ở Đà Nẵng, những phu kéo xe luôn gặp những khó khăn. Vì kéo hàng nặng vừa kéo vừa lấy sức rồi phải tránh đường sợ va chạm vào người khác. Nếu không cẩn thận có thể gây tai nạn cho mình và người đi đường bất kì lúc nào. Trong số những người phu xe tôi gặp, có nhiều người từng bị tai nạn nhưng rất may mắn họ chỉ bị xây xát nhỏ và không gây tổn thất nặng. Đôi khi chở những hàng như bàn ghế, tủ quần áo…kiếm được nhiều tiền, nhưng họ rất lo.

“Năm ngoái gần Tết tôi kéo 1 cái tủ quần áo Đại Đồng Tiến, lúc đi lên cái dốc trên đường Hà Huy Tập với đường Điện Biên Phủ lên không nổi bị tuột xuống thế là va phải xe phía sau làm bể cái tủ có chút xíu thôi, nhưng phải bỏ tiền ra mua cái tủ mới cho khách mà tiếc đứt ruột”- ông V.C. Anh nhớ lại.

Những người làm nghề kéo xe bò thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng đông nhất là những người thuộc độ tuổi 30-50. Nhiều người không có bằng cấp không biết làm việc gì nên đi kéo xe, lại có người có bằng cấp nhưng thất nghiệp cũng tìm đến nghề này. Có nhiều người làm xe ôm nhưng vì ế quá nên kiêm nhiệm luôn nghề kéo xe bò. Tất cả họ đều làm vì miếng cơm manh áo hằng ngày.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.