Tại cồn Trại Trâu (thôn Trung Đạo, xã Đại Hưng), được xem là địa điểm cao nhất trong xã, nhiều người dân đội mưa đưa trâu, bò đến đây để tránh nước lũ. Tại đây, hàng chục người dân mang đàn trâu bò đứng kín cồn.
Bà Phan Thị Loan (53 tuổi, trú thôn Trung Đạo) cho hay, nhà có 2 con bò, là tài sản lớn nhất trong gia đình nên mỗi lần mưa bão về hay thủy điện xả lũ phải lo kiếm chỗ cao cho bò trú.
“Đài thông báo rồi, thủy điện lại xả lũ. Mưa gió kiểu ni cộng với nước lũ nữa là nguy hiểm lắm. Người chưa lo chứ bò phải an toàn đã. Toàn bộ tài sản của gia đình nằm ở đấy cả. cách đây mấy năm nghe thủy điện xả lũ mà chạy không kịp nên mất 1 con bò rồi, giờ khiếp không chậm chân được” – bà Loan chia sẻ. Ngoài cồn Trại Trâu, người dân còn bảo nhau đưa trâu bò lên Hóc Chè, Hóc tướng để tránh.
Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, đàn bò toàn xã trên 1.000 con, trong đó ngoài một số gia đình có chuồng trại ở vị trí cao còn lại đa số đều phải đưa bò lên núi hoặc lên cồn mỗi mùa mưa bão về. Từ đêm qua, ông Minh và các cán bộ xã cũng thay phiên nhau trực, theo dõi diễn biến tình hình xả lũ để kịp thời thông báo cho người dân.
Trước đó, loa phát thanh xã, thôn liên tục phát các bản thông báo, vận động người dân chằng chống nhà cửa; nghiêm cấm người dân không đi lại vớt củi, bắt dế, đánh cá… đồng thời duy trì lực lượng xung kích phòng chống lũ lụt tại các khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Tại xã Đại Lãnh, từ trưa 2/11, hệ thống loa phát thanh xã Đại Lãnh đã phát đi thông báo các nhà máy thủy điện xả lũ. Khi nghe tin, người dân lo lắng, bởi những năm trước như năm 2009 và 2013 người dân Đại Lãnh đã chịu nhiều đợt thủy điện gây thiệt hại cho bà con.
Ba nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia ra thông báo xả lũ, người dân vùng hạ du huyện Đại Lộc, Quảng Nam rất lo lắng. Cụ thể, Lúc 23h ngày 1/11, thủy điện Sông Bung 4 xả lũ với lưu lượng 77m3- 1.200m3/s; 5h sáng 2/11, thủy điện Sông Bung 4A xả lũ từ 100-1.250m3/s. Theo thông báo của thủy điện Đăk Mi, lúc 14 giờ ngày 2/11, thủy điện xả lũ lưu lượng 900 – 2.400m3/s.
Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, trong 2 ngày qua mưa lớn xuất hiện, kết hợp nước thượng nguồn đổ về, trên địa bàn xã có 2 thôn bị chia cắt. Đồng thời tuyến đường ĐT 609, từ trung tâm huyện về xã đoạn qua cầu Khe Trên bị ngập sâu gần 1m. Phương tiện qua đây gặp khó khăn, người dân địa phương dùng xe bò, ghe để di chuyển xe máy.