Nghệ sĩ vừa đu bay vừa hát

Nghệ sĩ cải lương học đu bay để diễn “Cây gậy thần”
Nghệ sĩ cải lương học đu bay để diễn “Cây gậy thần”
TP - Đó là trải nghiệm hiếm có đối với nghệ sĩ tham gia Cây gậy thần. Họ phải vượt qua nỗi sợ hãi để diễn xuất và hát mượt mà ở độ cao mà chỉ diễn viên xiếc dám làm.

Tiếng hát át nỗi sợ

Cây gậy thần là sản phẩm mới lạ của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam bắt tay với Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN), từ kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện. Đêm công diễn 6/12 xóa tan nỗi lo lắng trước đó rằng cải lương không thể kết hợp với xiếc. Cây gậy thần là thử nghiệm thú vị. Một vở ca kịch xiếc chứng tỏ cải lương có thể biến hóa không giới hạn, còn xiếc cũng được làm mới hơn ở trong một vở diễn có câu chuyện.

Không còn là vở diễn cải lương âm hưởng bi lụy và ca hát miên man trong suốt gần hai giờ đồng hồ nữa, Cây gậy thần là sự tổng hòa và tiết chế lẫn nhau giữa cải lương và xiếc. Diễn viên xiếc bên cạnh rèn kỹ xảo xiếc còn phải chú ý kỹ năng sân khấu biểu diễn. Diễn viên cải lương ngược lại cũng bay lượn trên cao nhẹ như không trong khi không được quên trọng trách chính là diễn và ca cải lương. Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đánh giá dàn diễn viên cải lương đặc biệt Như Quỳnh, Minh Hải “xả thân, liều lĩnh đánh đổi cả sự an toàn ở những màn đu dây không có bảo hiểm”.

“Trong suy nghĩ, tôi chắc chắn diễn viên cải lương được sử dụng dây bảo hiểm khi bay trên cao. Thế nhưng khi tập vở tôi mới biết họ biểu diễn dây lụa không thể dùng bảo hiểm do rất khó trình diễn. Là người sợ độ cao, tôi phải vượt qua nỗi sợ hãi để làm quen với trải nghiệm mới”, Như Quỳnh nói. Nữ nghệ sĩ vượt qua chính mình để hát và diễn trong tình trạng lơ lửng trên không. Vượt lên nỗi sợ, nghệ sĩ đạt tới sự thăng hoa, thích thú không ngờ.

So với vai Tiên Dung của Như Quỳnh, nghệ sĩ Minh Hải trong vai Chử Đồng Tử có nhiều phân đoạn phải bay lượn hơn. “Vở diễn là sự khám phá, sự đổi mới bản thân khiến nghệ sĩ vô cùng thích thú và tạo nên sự thăng hoa bất ngờ”, Minh Hải nói. Minh Hải vài bận phải vừa hát vừa diễn trong bối cảnh treo mình trên dây cao hàng chục mét, hoặc đang từ trên cao lao xuống dưới mặt đất. Ban đầu Minh Hải cũng sợ, phải nhờ đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc LĐXVN dẫn dắt. Việc đầu tiên là phải tập làm quen trong suốt hai tuần luyện là làm quen với độ cao, sau mới tính tới chuyện hát gì và diễn xuất ra sao.

Phép thử đáng giá

Ngay giai đoạn COVID-19 bùng phát lần đầu tiên, hai NSND Triệu Trung Kiên và Tống Toàn Thắng ngồi lại với nhau bàn kế hoạch “góp gạo thổi cơm chung”. Họ dám nghĩ dám làm khi tính tới dự án dài hơi xiếc kết hợp cải lương để dựng huyền sử Việt, mở đầu bằng dự án ca kịch xiếc Cây gậy thần về Chử Đồng Tử - một trong bốn vị Thánh (Tứ bất tử) trong văn hóa dân gian.

Trong nhiều kịch bản về Chử Đồng Tử, hai đạo diễn chọn kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện - từng được Giải thưởng Nhà nước. Tác giả Lê Thế Song là con rể ông chỉnh lý, bồi đắp thêm chi tiết. Đạo diễn và biên kịch chắt lọc những gì tinh túy nhất của huyền tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung nên duyên ở Chử Xá, chuyện Chử Đồng Tử được ban gậy thần và nón thần dùng để xây thành quách lâu đài nguy nga và sau này cả hai cùng cung vàng điện ngọc bay về trời.

Nghệ sĩ vừa đu bay vừa hát ảnh 1  

Cải lương kết hợp xiếc hóa ra lại là lựa chọn táo bạo và khôn ngoan. Hình thức ước lệ ở sân khấu nay được biểu hiện sinh động hơn nhờ kỹ xảo xiếc và ảo thuật. NSND Lưu Phúc - nghệ sĩ gạo cội của LĐXVN - cho biết: Tiết mục dây đu bay thông thường không thể gây thích thú và được tán thưởng nhiều đến vậy. Khán giả thót tim, hồi hộp theo dõi hai diễn viên vào vai Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay vút từ mặt đất lên cao. Một số cảnh diễn đạt được hiệu ứng đặc biệt nhờ có xiếc: tình yêu nảy nở giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung được lồng trong màn đu dây đôi của nghệ sĩ xiếc, cảnh Chử Đồng Tử đánh tan thủy quái trên chiếc thuyền lơ lửng.

Diễn viên cải lương học cưỡi ngựa, đu bay đã đành, hai đạo diễn Triệu Trung Kiên và Tống Toàn Thắng còn tìm tòi đổi mới âm nhạc. NSND Đào Trung đưa jazz vào Cây gậy thần tạo nên màu sắc mới lạ. Các bài bản cổ của cải lương quá quen thuộc dễ gây nhàm chán, nay được phối lại trẻ trung hơn nhờ jazz. Sự thể nghiệm bước đầu chưa phải nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của lớp khán giả mê cải lương, vọng cổ nhưng lại là lối đi cho tương lai. Chẳng những vậy, khán giả có được phen ố á khi xem lạc tướng Châu Diên hát rap ở màn ma quỷ trỗi dậy nhập vào thân xác Châu Diên.

Sự lồng ghép hai loại hình tưởng chừng không liên quan tới nhau này còn mang ý nghĩa khác. Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống đìu hiu thêm cú đánh bồi của đại dịch, nghệ sĩ không thể ngồi im chờ đợi mà phải vắt óc để đổi mới hòng kéo khán giả tới rạp. Nói như NSND Tống Toàn Thắng, Cây gậy thần ít nhiều gây tò mò cho khán giả chưa từng yêu cải lương và chưa thực sự quan tâm tới xiếc.

Đêm ra mắt đầu tiên còn vài va vấp, đôi chỗ ghép nối xiếc vào cải lương chưa thật sự mượt mà, thế nhưng phần lớn khán giả đều có thể chín bỏ làm mười. Nỗ lực của nghệ sĩ trong bối cảnh vượt khó xứng đáng được khích lệ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt ý tưởng kết hợp giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và LĐXVN dựng huyền sử Việt. Sau Chử Đồng Tử, nghệ sĩ hai nhà hát còn ấp ủ dựng về Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Ê kíp Cây gậy thần sau tổng duyệt đã bán vé ba suất phục vụ khán giả tại sân khấu tròn LĐXVN vào 12, 13/12 và sau đó tiếp tục diễn định kỳ vào cuối tuần tới giữa tháng 1 năm 2021. Bên cạnh bản diễn ở sân khấu tròn của xiếc, nghệ sĩ đang hoàn thiện bản diễn tại sân khấu hộp truyền thống để đưa vở tới nhiều tỉnh thành.

MỚI - NÓNG