Nghề săn thiên thạch: Hành trình tìm kiếm kho báu từ vũ trụ

Một thợ săn thiên thạch tại Morocco đang kiểm tra mẫu vật thu được. Ảnh: AFP.
Một thợ săn thiên thạch tại Morocco đang kiểm tra mẫu vật thu được. Ảnh: AFP.
Lang thang trên sa mạc bỏng rát, liều mạng với cướp hay có nguy cơ bị bỏ tù, những thợ săn thiên thạch vẫn bất chấp nguy hiểm để truy lùng loại đá "đáng giá hơn vàng".

Ngày 16/1, một chùm sáng lóe lên trên nền trời bang Michigan, Mỹ, cùng với tiếng nổ lớn. Vật thể ngoài vũ trụ lao xuống bề mặt Trái Đất với vận tốc gần 60.000 km/h trong giây lát đã biến đêm thành ngày và gây ra một cơn địa chấn nhẹ.

Ngay sáng hôm sau, người dân địa phương đổ về nơi xảy ra va chạm để tìm kiếm mảnh vỡ của khối đá vũ trụ, trong số đó có cả chuyên gia: các thợ săn thiên thạch.

Nghề săn kho báu từ vũ trụ

Khi một khối đá ngoài không gian đi qua bầu khí quyển và rơi xuống mặt đất, khối đá đó được gọi là thiên thạch. Đối với các nhà khoa học, thiên thạch chứa đựng thông tin vô giá về quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,5 tỷ năm trước.

Nhiều nhà sưu tầm giàu có, đặc biệt là ở Trung Quốc, sẵn sàng đánh đổi cả gia tài để có được mảnh khoáng chất vũ trụ cho bộ sưu tập cá nhân.

Nhu cầu mua thiên thạch của giới chuyên gia và người sưu tầm tăng khiến nhiều người đổ xô săn lùng loại kho báu này. Theo Verge, Hiệp hội Người săn Thiên thạch Quốc tế thống kê được 455 thành viên trên trang web chính thức. Một số chỉ tìm kiếm khi rảnh rỗi, nhưng cũng có người lựa chọn đây là nghề nghiệp để theo đuổi. Tuy nhiên, mỗi thợ săn thiên thạch lại có mục đích khác nhau.

Ông Mohamed Bouzgarine, 59 tuổi, một giáo viên thể chất đã nghỉ hưu, mang theo nam châm “cực nhạy” và kính lúp rong ruổi trên sa mạc Morocco để tìm kiếm những mẩu đá “đắt giá hơn vàng”. Ông nói với AFP: “Giá cả tùy thuộc vào độ hiếm, hình dạng và tình trạng của khối thiên thạch. Đắt nhất là đá sao Hỏa, thường có giá khoảng 1.000 USD(23,3 triệu đồng)/gram”.
Nghề săn thiên thạch: Hành trình tìm kiếm kho báu từ vũ trụ ảnh 1 Cô Yang Kexin quyên tặng nhiều mẫu thiên thạch của mình cho các nhà khoa học thay vì rao bán. Ảnh: Handout.

Suốt 4 năm qua, ông luôn truy lùng thiên thạch trong cát sa mạc. Hàng trăm đồng nghiệp của ông Bouzgarine đã may mắn tìm ra “kho báu”. Chính điều này cho ông động lực tiếp tục lang thang dưới cái nắng bỏng rát mỗi ngày.

Giống như Bouzgarine, Abderrahmane, một nhân viên y tế 48 tuổi, cũng là một thợ săn thiên thạch. “Có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng nghề này. Một thợ săn từng tìm thấy khối đá nặng 600 gram và bán với giá 780 USD (18,2 triệu đồng)/gram.

Đó là lý do kể từ những năm 2000, tất cả dân du mục bắt đầu tham gia”, ông nói với AFP. Những phát hiện có giá trị nhất thường được bán đấu giá ở Paris hoặc New York. “Còn ở các khu chợ địa phương chỉ có vài mảnh nhỏ không đáng kể”, ông Abderrahmane cho biết thêm.

Theo Guardian, năm 2013, mảnh thiên thạch đắt nhất nước AnhHambleton được định giá vào khoảng 9.000 đến 13.000 USD (302,9 triệu đồng). Khối đá nặng 2,9 kg do thợ săn thiên thạch Rob Elliot phát hiện vào năm 2005. Ông Elliot cũng sở hữu bộ sưu tập thiên thạch đồ sộ nhất nước Anh với 85 mẫu vật đã được bán đấu giá.

Khác với nhiều thợ săn thiên thạch muốn kiếm sống hay thậm chí đổi đời bằng việc rao bán đá vũ trụ, Yang Kexin, 28 tuổi đến từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc lại quyên tặng những “ngôi sao” của mình cho các chuyên gia. “Tôi nghĩ thiên thạch có giá trị lớn nhất đối với nghiên cứu khoa học”, cô Yang nói với South China Morning Post.

Nghề săn thiên thạch: Hành trình tìm kiếm kho báu từ vũ trụ ảnh 2 Cô Yang Kexin quyên tặng nhiều mẫu thiên thạch của mình cho các nhà khoa học thay vì rao bán. Ảnh: Handout.

Cô Yang đã băng qua sa mạc Gobi hàng trăm lần và trong 5 năm qua, cô đã thu được hơn 600 mẫu thiên thạch có trọng lượng tổng cộng 400 kg. Tuy nhiên nữ thợ săn chuyên nghiệp từ chối hầu hết lời mời rao bán, thay vào đó cô lựa chọn chia sẻ “món quà từ vũ trụ” với công chúng.

Từ giữa năm 2017, cô Yang đã mở một bảo tàng thiên thạch tại tỉnh Quý Châu với 300 mẫu vật dành cho khách tham quan. “Tôi sẽ không bán những ngôi sao của mình, bởi mỗi mẫu vật là một câu chuyện và cuộc hành trình mà tôi tìm kiếm chúng”, cô nói.

Rủi ro tiềm ẩn từ “trò chơi xổ số”

Lang thang trên sa mạc Morocco với hi vọng tìm được “kho báu”, nhưng sau 20 ngày ròng rã, ông Abderrahmane vẫn không săn được gì. “Vấn đề ở đây là may mắn, giống như chơi xổ số vậy”, ông cười và nói.

Mustapha Oulkouch, một thợ săn thiên thạch ở sa mạc Morocco, đã từ bỏ công việc tại khách sạn từ năm 2006. Anh Oulkouch giờ sống nhờ vào số tiền kiếm được từ thiên thạch. Tuy nhiên, theo Gizmodo, anh cho biết thu nhập của mình không được như mong muốn. Săn thiên thạch là cả một nghệ thuật, và anh phải học cách nhận biết các dấu hiệu đặc biệt của chúng cũng như sử dụng thiết bị chuyên biệt như nam châm hay máy dò kim loại.

Mặc dù một số quốc gia như Trung Quốc hay Morocco không có quy định pháp lý về việc tìm kiếm thiên thạch, vẫn có rất nhiều trường hợp khác bị kết tội. Theo CNBC, vào năm 2011, Michael Farmer, một thợ săn thiên thạch đến từ bang Arizona, Mỹ, đã phải ngồi tù 2 tháng tại Oman vì tội đào bới trái phép. Trước đó, anh Farmer đã bị một nhóm cướp người Kenya bắt cóc và đánh đập dã man.

Nghề săn thiên thạch: Hành trình tìm kiếm kho báu từ vũ trụ ảnh 3 Thợ săn Michael Farmer với một khối thiên thạch trên tay. Ảnh: CNBC. 

Tương tự Farmer, cô Yang từng suýt mất mạng vì tìm kiếm thiên thạch. Theo South China Morning Post, trong chuyến đi tới Tân Cương năm 2013, nhóm của cô thuê 2 chiếc ôtô để thám hiểm hồ muối cạn Lop Nor, khu vực được mệnh danh là “vùng chết”.

Do nhầm lẫn của đồng nghiệp nên khi rời khỏi địa điểm, cô đã bị bỏ lại giữa sa mạc suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không có quần áo ấm, thức ăn hay nước uống. Điện thoại cũng không liên lạc được vì mất sóng. Sau đó cô được một nhóm binh lính phát hiện và giải cứu.

Cô Yang cho biết sau vụ tai nạn, cô không bao giờ dám bước chân vào sa mạc mà không trang bị các vật dụng thiết yếu như bộ đàm, máy định vị GPS, nước, thức ăn và nhiên liệu. Tuy nhiên trải nghiệm hãi hùng không dập tắt được niềm đam mê “tìm kiếm những vì sao” của thợ săn thiên thạch người Trung Quốc.

“Hãy tưởng tượng bạn đang cầm trong tay vật thể mà chỉ một tuần trước còn nằm trên bề mặt của Mặt Trăng. Đó là cảm giác rất mê hoặc, giống như đang nắm giữ một phần của lịch sử nhưng lại có niên đại lâu hơn bất cứ thứ gì trên Trái Đất mà chúng ta từng biết”, anh Farmer nói với CNBC.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG