Nghề đứng đường ở Jakarta

Nghề đứng đường ở Jakarta
TP - Có những nghề kỳ lạ sinh ra để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Trong số đó có nghề đứng đường để mưu sinh và giúp người khác (ở Jakarta, Indonesia).

Xin nói ngay rằng đây không phải là kiểu đứng đường của những cô gái ăn sương vốn chỉ ló mặt ra đường khi trời đã nhá nhem, đáp ứng nhu cầu tìm của lạ. Nghề đứng đường ở Jakarta có thể chia làm hai dạng: giúp cánh lái xe lách luật giao thông hoặc gỡ bí lúc cần quay đầu những lúc đường quá đông.

Đứng đường lách luật...

Trong những ngày đầu mới đặt chân đến Jakarta, chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy trên những cung đường hướng vào trung tâm thành phố, hàng trăm người đứng dọc ven đường giơ tay ra ký hiệu với những chiếc xe rầm rập chạy qua với tốc độ cao. Thỉnh thoảng, một chiếc xe, đủ loại từ xe bình dân tới xe xịn, tất cả đều là xe bốn chỗ, ghé lại thì thấy một, hai người chui vào và chiếc xe lại tiếp tục lao đi.

Điều đáng nói là những người đứng đường đó gần như không ai ra dáng công chức hoặc chí ít ăn mặc lịch sự. Tất cả đều lộ rõ vẻ lam lũ trong những bộ quần áo nhàu nhĩ bạc màu. Và tuổi tác thì đủ cả, từ ông già, bà cả, trung niên, thanh niên đến cả bà bầu, còn con nít thì được người lớn dắt hoặc bế trên tay.

Đem thắc mắc đó hỏi các bạn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Jakarta mới biết, thì ra nghề đứng đường đó là để giúp cánh lái xe lách luật giao thông ở một số tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thành phố hoặc thường xuyên chịu cảnh kẹt xe nghiêm trọng.

Ở Jakarta, có lẽ chỉ trừ ban đêm, nạn kẹt xe có thể xảy ra bất kỳ giờ nào, trên bất kỳ cung đường nào do tốc độ phát triển đầu xe cơ giới quá cao so với khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông. Sự phát triển bùng nổ đó thật dễ hiểu bởi chi phí mua xe và nuôi xe ở đây thấp hơn nhiều so với tại Việt Nam. Hiện giá xăng tại Indonesia chỉ 4.500 rupiah/lít (khoảng 11.000 đồng), bằng 1/2 ở Việt Nam, trong lúc một chiếc xe bốn chỗ tầm trung, như Toyota Vios, chỉ chưa đến 200 triệu rupiah (khoảng trên 300 triệu đồng).

Một con đường quy định số người ngồi trên xe tối thiểu là ba người vào giờ cao điểm ở Jakarta Ảnh: Hải Nam
Một con đường quy định số người ngồi trên xe tối thiểu là ba người vào giờ cao điểm ở Jakarta Ảnh: Hải Nam.

Do lượng phương tiện cao, chính quyền thủ đô Jakarta đã đặt quy định trên một số tuyến đường nhất định, đặc biệt là những cung đường dẫn vào khu trung tâm thành phố, xe bốn chỗ phải có ít nhất ba người ngồi trên, nếu phạm luật sẽ bị phạt và phạt khá nặng.

Vì vậy, để né quy định này, những xe đi trên cung đường đó buộc phải thuê dân đứng đường lên xe cho đủ chỗ theo quy định, đi hết cung đường lại cho những người đó xuống xe để tiếp tục hành trình. Chi phí cho mỗi lần như vậy vào khoảng 20.000 rupiah. Khách đi taxi mà chỉ đi một người cũng phải thuê người đi cùng và dĩ nhiên tiền thuê do khách chi trả.

Và đứng đường làm luật

Nếu như anh điếu cày ở Hà Nội chỉ nhảy ra điều tiết giao thông trong một phút nóng máu trước cảnh người, xe chen lấn trên một đoạn đường hẹp, không ai chịu nhường đường cho dòng phương tiện ngược chiều, thì ở Jakarta lại có hẳn những người chuyên hành nghề điều tiết giao thông mà chẳng hề thuộc một cơ quan tổ chức nào.

Ở những điểm giao cắt quay đầu xe, mỗi khi thấy có chiếc xe nào muốn quay đầu nhưng gặp khó khăn do dòng phương tiện quá đông, y như rằng có một anh điếu cày, thường là người bán hoa quả rong hoặc cánh lái xe ôm đang chờ khách, nhảy ra chặn dòng xe lại giúp chiếc xe được quay đầu dễ dàng và dòng xe nhanh chóng thông thoáng trở lại. Trang bị lao động của họ chỉ là một chiếc còi nhỏ, chuyên nghiệp hơn thì thêm một lá cờ phất lên để gây sự chú ý.

Cũng giống anh điếu cày Việt Nam, những anh điếu cày Jakarta làm việc mà không đòi hỏi thù lao. Nhưng cánh lái xe cũng chẳng nề hà gì việc boa cho anh này vài đồng lẻ gọi là cảm ơn. Không cho cũng chẳng sao, các anh cũng chẳng đòi hỏi hay hạch sách.

Cũng cần phải nói rằng những tay lái ở Jakarta, kể cả xe máy, là những tay lái thuộc dạng bạt mạng, luôn phóng xe với tốc độ rất cao, có thể chạy tới 60-80km/h trong thành phố hay lên tới 130km/h trên đường cao tốc. Vậy nhưng họ cư xử rất hiền hòa và nhã nhặn, sẵn sàng giảm tốc độ nhường đường khi thấy tín hiệu xin đường từ những anh điếu cày hay những người qua đường ở khu vực không có cầu vượt.

Và, đội ngũ điếu cày này không phải chỉ chọn những cung đường ngon ăn để hành nghề mà họ cũng tham gia điều tiết giao thông ở những khu vực ít bác tài nào chịu ghé vào boa khi đang phóng xe vun vút. Một công việc tự nguyện giúp những con đường lưu thông được tốt hơn.

Đến đây, lại nghĩ tới bài toán giao thông ở Hà Nội và TPHCM đang làm đau đầu ngành giao thông nước nhà vẫn chưa tìm ra lời giải.

Thủy Chi
Từ Jakarta, Indonesia

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG