Hết vụ thu hoạch mật, ông Nguyễn Đình Phú (trú thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) lại bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để đi “săn” ong rừng. Ong rừng theo cách gọi của người dân vùng miền núi tỉnh Hà Tĩnh là “ong ruồi”, loài này sinh sống trong rừng, như cây gỗ khô mục, hang đá… |
Ông Phú là hội viên hội cựu chiến binh của xã Đức Lĩnh. Năm 1979, ông nhập ngũ vào cục xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu Cần. Sau khi tham gia chiến trường được một thời gian, ông trở về quê lập gia đình. Ông từng tham gia làm công tác thanh niên, đội trưởng hợp tác xã, hội nông dân… |
Nhiều năm qua, cứ đến tháng 9 âm lịch, ông Phú lại vượt hàng chục km đến các khu vực rừng núi vùng biên giới ở huyện Hương Sơn để bắt ong rừng. Bởi đây là lúc những đàn ong ruồi sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét vào mùa đông. |
“Khi bắt được đàn ong mới, tôi sẽ về nhà để nuôi lấy mật. Những đàn ong này được nuôi trong những chiếc hộp được đóng bằng gỗ, bên trong có nhiều ngăn để ong sinh sản và đến mùa lấy mật”, ông Phú nói. |
Ông Phú cho hay mùa lấy mật từ tháng 3 đến tháng 5 là hết. Bởi đây là dịp ở rừng các loài hoa nở nhiều. Còn từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là thời điểm đi bắt ong khi những đàn này di cư tránh rét. |
Mỗi hộp nuôi ong lấy mật được đóng cẩn thận, phía dưới chân đặt thêm 4 chiếc bát nhỏ để tránh kiến hoặc các loài côn trùng đến phá. |
Tại khu vườn của gia đình ông Phú, dưới những gốc cây ăn quả, các chậu hoa, cây cảnh đều được đặt làm bệ đỡ cho thùng gỗ nuôi ong. |
Hiện tại ông có hơn 20 tổ ong đang được nuôi tại vườn. Đây là những đàn ong mà ông đi bắt được vào mùa đông. |
“Để bắt được ong đòi hỏi phải có kỹ thuật, ngoài ra tổ ong mồi cũng phải được làm từ các loại gỗ như gỗ mít vì ong thích ở những gốc cây này. Mỗi năm từ hơn 20 tổ ong này, gia đình thu về hơn 3 tạ mật. Ước tính doanh thu mỗi mùa trên 30 triệu đồng”, ông Phú cho hay. |
Trong hộp nuôi ong được phân thành từng ngăn. Qua tháng 8 dương lịch, hết mùa hoa là giai đoạn chăm sóc, dưỡng ong, nên người nuôi không vắt mật nữa mà để đó làm thức ăn dự trữ cho ong. |
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhất là các chương trình dự án đào tạo nghề nuôi ong, ông Phú đã dành nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu, học tập thêm kinh nghiệm. |
Để tránh nắng nóng trong mùa hè và gió lùa vào mùa đông, người dân dùng những lá cọ đặt phía trên hộp nuôi ong để đảm bảo nơi ở không bị ảnh hưởng. |
Những tổ mồi đi săn ong được người dân làm sẵn để đựng ong. |
Là địa bàn chủ yếu đồi núi, các loài cây rừng, hoa tự nhiên phong phú rất phù hợp với nghề nuôi ong lấy mật. |
Đến mùa thu hoạch, sau khi vắt mật xong, người dân đóng thành từng chai để bán. Giá từ 250.000-300.000 đồng/chai. |
Theo thống kê, hiện nay toàn xã Đức Lĩnh có khoảng 2.000 đàn ong lấy mật. Nếu như trước đây, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thì nay hầu hết người dân trên địa bàn đều mạnh dạn nhân giống, tăng đàn, nuôi theo hướng hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |