Vừa qua, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF), Ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn TH phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ẳng Nưa và Quỹ phát triển cộng đồng (FCD) tổ chức Ngày hội Bình đẳng giới tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Ngày hội là một trong chuỗi các hoạt động của dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” được VSF triển khai tại đây. Ngày hội thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, trong đó có các phụ nữ đã tham gia các hoạt động do dự án tổ chức trước đó.
Đến với ngày hội, thông qua các gian trò chơi, người tham gia không chỉ được vận động, có những giây phút vui chơi thoải mái mà còn được tìm hiểu, ôn lại các khái niệm về bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới, những quan điểm xã hội không còn phù hợp và cần được xóa bỏ để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, người tham gia cũng được cung cấp các thông tin và thảo luận về các vấn đề liên quan tới bạo lực gia đình, bao gồm khái niệm, nguyên nhân, các hình thức bạo lực, cũng như hậu quả và các cách phòng chống.
Người tham gia ngày hội thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới |
Tại gian trò chơi “Bước chân biết nói", người tham gia được thảo luận, đưa ra quan điểm cá nhân về những nhận định liên quan tới giới và bình đẳng giới. Không đồng ý với quan điểm “kiếm tiền là việc của đàn ông, việc nhà là việc của đàn bà”, anh Tòng Văn Tính cho biết: “Kiếm tiền hay việc nhà đều là việc chung và cần có sự chia sẻ của cả nam giới và nữ giới, bởi chỉ khi có sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thì áp lực mới được giảm bớt. Việc phân chia công việc cần dựa trên năng lực chứ không phải giới tính”.
Đặc biệt, ngày hội còn là cơ hội để những phụ nữ đã nhận hỗ trợ từ chương trình vay vốn không lãi suất của Quỹ hỗ trợ sinh kế (thuộc Chương trình Tô cam của VSF) chia sẻ về hành trình của mình. Thông qua các hình thức sinh động, độc đáo như diễn kịch, triển lãm đồ vật, cắt dán thủ công và vẽ tranh minh hoạ, họ kể lại câu chuyện truyền cảm hứng về những cải thiện đáng kể trong cuộc sống liên quan đến kinh tế, nhận thức, cũng như tiếng nói và vị thế trong gia đình và xã hội của mình.
Những phụ nữ dân tộc thiểu số chia sẻ về hành trình thay đổi của họ sau khi tham gia dự án với người dân |
Gian triển lãm không chỉ là nơi chia sẻ câu chuyện mà còn là cách thức trao quyền chủ động cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ được tự do chia sẻ kinh nghiệm của mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, qua đó giúp người dân địa phương có cái nhìn sinh động, trực quan hơn về hiệu quả của dự án.
“Tôi thấy đây là cơ hội rất tuyệt vời để chúng tôi có thể chia sẻ, giúp bà con hiểu hơn về bình đẳng giới, qua đó giúp nâng cao giá trị của bản thân và cải thiện kinh tế như thế nào,” chị Lò Thị Tiên, một phụ nữ được vay vốn không lãi suất của Quỹ hỗ trợ sinh kế cho biết.
Không chỉ dừng lại là những người hưởng lợi từ dự án, những người phụ nữ này đã trở thành những người tiên phong lan toả những giá trị tích cực của dự án, để từ đó tạo ra những thay đổi bền vững trong cộng đồng.
“Tôi cảm thấy phần chia sẻ của các chị em trong ngày hội ngày hôm nay rất bổ ích. Qua đó tôi đã hiểu hơn về ý nghĩa của việc hai vợ chồng cùng bàn bạc, thống nhất khi đưa ra các quyết định trong gia đình,” chị Lò Thị Khiên, một trong những người tham gia ngày hội, bày tỏ sự ấn tượng đối với các gian triển lãm.
Cũng trong khuôn khổ ngày hội, VSF đã trao 15 huy chương Tiên phong vì sự thay đổi cho 15 phụ nữ dân tộc thiểu số nhận vốn vay không lãi suất đợt 1 của Quỹ hỗ trợ sinh kế nhằm tôn vinh những nỗ lực vươn lên để cải thiện sinh kế, tăng cường vị thế và tiếng nói của họ.
Trước đó, dự án đã triển khai gói hỗ trợ vốn vay không lãi suất với tổng trị giá 300 triệu đồng cho 15 phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Từ những đồng vốn này, họ đã có thêm điều kiện để đầu tư mua cây giống, phân bón, chăm sóc cây trồng mang lại năng suất cao, tạo đà để cải thiện sinh kế. Sau khi kết thúc đợt cho vay đầu tiên, khoản vay sẽ được hoàn trả để tiếp tục xoay vòng cho các hội viên phụ nữ khác, góp phần giúp cải thiện cuộc sống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Ẳng Nưa.
Ngoài ra, dự án cũng đã tổ chức 2 khoá tập huấn về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình cho 52 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số, trong đó có 15 phụ nữ được nhận vốn vay. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một khoá tập huấn về bình đẳng giới trên địa bàn xã Ẳng Nưa thu hút được sự tham gia của nam giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình thúc đẩy bình đẳng giới tại xã vùng núi Tây Bắc này.
Nhìn lại tác động tích cực của dự án, bà Tòng Thị Nọi, Chủ tịch Hội LHPN xã Ẳng Nưa cho biết: “Dự án đã thực sự mang lại những thay đổi tích cực rõ rệt cho phụ nữ thiểu số trên địa bàn xã, giúp họ không chỉ cải thiện sinh kế mà còn nâng cao tiếng nói và sự tự tin trong gia đình và cộng đồng.” Bà cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng và có thêm nhiều phụ nữ trên địa bàn xã được hưởng lợi để vươn lên trong cuộc sống.
Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc VSF chia sẻ: Sau 10 năm hoạt động, với vai trò là một quỹ xã hội phi lợi nhuận, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cam kết tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trọng điểm như Sức khỏe Học đường, Ươm mầm Tài năng, Bảo vệ Trẻ em và Phát triển Phụ nữ. Mục tiêu của các chương trình này là tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững về nhận thức và thực hành ở cả bốn cấp độ: cá nhân, gia đình, cộng đồng, và chính sách/pháp luật, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em nói riêng, cũng như của toàn xã hội. Chúng tôi tin rằng với sự chung tay và hỗ trợ từ tất cả các nguồn lực trong cộng đồng, những mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực.
Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” được triển khai tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên từ tháng 2 năm 2024 với tổng ngân sách hơn 430 triệu đồng, gồm các hoạt động như tập huấn về Bình đẳng giới trong kinh tế hộ gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, ngày hội Bình đẳng giới và hỗ trợ sinh kế. Trong đó, ngân sách để triển khai Quỹ hỗ trợ sinh kế đến từ Chiến dịch "Tô cam - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em". Đây là chiến dịch do VSF, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn TH và UN Women phối hợp triển khai từ ngày 15/11 - 15/12/2023, với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực.