Ngày dài

Minh họa: Phạm Hiếu
Minh họa: Phạm Hiếu
TP - Nó biết được kết quả thi đại học từ sáng nay. Nó thiếu hai điểm. Cả nhà vẫn chưa ai biết điều này. Bố mẹ đi làm. Chị gái đi làm. Nó còn được ở một mình cho đến 6h chiều. Đầu óc nó lúc này đang xoay như chong chóng.
Minh họa: Phạm Hiếu
Minh họa: Phạm Hiếu.
 

Nó nghĩ ra mọi phương án có thể xảy ra khi nó thông báo điều này với gia đình. Nó tưởng tượng ra ánh mắt đầy trách móc nơi mẹ. Cái tát nảy lửa và không thiếu lời mắng nhiếc nơi cha. Và kết thúc là một lời an ủi chung chung từ chị gái nó. Không! Nó quyết không để điều đó xảy ra. Nó đã cố gắng. Đáng nhẽ nó đã làm được. Đây chỉ là điều không may. Không ai có quyền trách móc nó. Nó không cần sự thương hại của chị nó.

Nó thấy mình có quyền được bình đẳng, được tôn trọng. Nó không phải là nơi trút giận của bất cứ ai. Trong đầu nó nảy sinh những tính toán. Nó phải làm gì để có được điều đó? Nó sẽ thông báo kết quả với tư thế ngẩng cao đầu đầy thách thức? Nó sẽ đón nhận hết những lời sỉ vả của mọi người? Sau đó, nó sẽ chứng minh cho mọi người thấy. Nó vẫn sẽ thành công khi không cần bằng đại học. Không! Điều đó là không thể. Nó sẽ không có cơ hội để làm điều đó. Bố nó đã từng nói nếu nó không đỗ đại học thì cút xéo ra khỏi nhà.

Mà nó biết ở lại nó cũng sẽ không sống nổi. Một sự căm phẫn dâng lên trong lòng nó. Nó có cảm giác tổn thương kinh khủng. Nó ngồi bất động trên giường. Mắt nhìn ra hướng ban công. Trong đầu nó nảy ra một ý định. Nó sẽ làm cho tất cả những ai làm tổn thương nó phải ân hận cả đời. Nó sẽ tự tử.

Nắng xiên vào căn phòng qua cánh cửa sổ không khép. Nắng chói sáng, gắt gao. Tiếng ồn ào của xe cộ. Tiếng nhạc Rock ầm ầm phát ra từ cửa hàng điện thoại đối diện phía dưới đường. Tất cả như đang cùng kích trí não nó căng ra. Mắt nó nhòe đi. Nó mường tượng ra sau khi nó chết. Mẹ nó sẽ ngồi bên cạnh xác nó và gào lên đau đớn. Bà sẽ ngất lên, ngất xuống.

Bà sẽ tự cấu xé và sỉ vả mình. Bà sẽ cho rằng vì mình mà con gái bà phải chết. Bà sẽ ngồi nghĩ lại tất cả những gì bà đối xử với con gái bà và bà sẽ ân hận. Sau đó, bà sẽ quay sang phía chồng và chửi rủa. Lúc đó, chồng bà và cũng chính là bố nó sẽ ngồi bất động. Nó tưởng tượng ra từng dòng nước mắt ân hận chảy ra từ đôi mắt bất thần của bố. Và có thể, lúc đó bố nó sẽ nghĩ bố nó không xứng đáng được nó gọi là bố.

Bố nó đổ gục xuống sàn nhà mặc cho mẹ nó cấu xé, chửi rủa. Chị nó sẽ ôm lấy mẹ và khóc rất to thành từng tiếng. Chị nó sẽ luôn mồm nói câu “Chị xin lỗi em”. Tất cả những ai chứng kiến ở đó sẽ (chắc chắn) đều ngậm ngùi thương xót cho nó và không tiếc lời trách móc gia đình nó. Nghĩ tới đó trong lòng nó dâng lên cảm giác vừa xót xa lại vừa hả hê thỏa mãn. Điều đó càng làm quyết tâm muốn tử tự của nó lên cao. Nó nhất định sẽ chết trong chiều nay.

Đằng nào cũng chết nhưng chết như thế nào cho bố mẹ nó luôn luôn bị ám ảnh khi nghĩ tới nó. Đây là ban công tầng ba. Nếu nó nhảy từ đây xuống. Có thể nó không chết ngay. Máu sẽ từ mắt, mũi, tai nó trào ra. Cảnh tượng đó sẽ rất kinh khủng. Nhưng nó không chắc chắn được người nhìn thấy nó đầu tiên là bố hay mẹ hay lại là ai đó. Chỉ sợ nó được đưa vào bệnh viện.

Sau khi, bố mẹ nó nhận được điện và đến nơi thì người ta đã lau chùi sạch sẽ cho nó và phủ mặt nó bằng một tấm ga màu trắng. Như vậy liệu bố mẹ nó có đau lòng muốn chết đi không? Không! Đằng nào nó cũng chết nhưng nó muốn được đảm bảo rằng cái chết của nó phải khiến cho bố mẹ nó ám ảnh và đau đớn, dằn vặt mãi mãi. Nếu vậy thì nhảy từ ban công tầng ba này xuống không phải là sự lựa chọn tối ưu. Từ ban công xuống rất nhiều cây cối, nhảy xuống chắc gì nó đã chết.

Phải rồi nó sẽ cắt mạch máu tay. Nó sẽ làm cho máu của nó thấm hết ga trải giường. Bố mẹ nó mỗi khi đặt lưng xuống ngủ đều sẽ bị ám ảnh bởi con gái mình chết trên một chiếc giường đầy máu. Trên khuôn mặt nó một bên mép khẽ nhếch lên một chút. Ai? Ai sẽ là người thấy nó trong tình trạng đó đầu tiên? Có thể là mẹ nó. Mẹ nó thường đi làm về sớm hơn.

Mẹ nó sau khi mở cửa gọi không thấy nó thưa. Như có linh tính mách bảo bà sẽ đi về phía phòng nó và mở cửa ra. Bà rú lên kinh hãi và ngất đi. Không! Nó không muốn người nhìn thấy nó đầu tiên là mẹ. Bởi lẽ dù gì đi nữa mẹ nó cũng chỉ là nạn nhân trong ngôi nhà này. Bà quá nhu nhược. Bà sinh được hai cô con gái. Điều đó làm cho chồng bà không vui. Bà lúc nào cũng ép nó học. Bà chỉ muốn chứng minh với chồng rằng con gái cũng làm được mọi việc.

Xét cho cùng tội của bà không đáng để nhìn thấy nó đầu tiên. Nếu chị nó nhìn thấy nó đầu tiên thì sao? Chị nó sẽ hét lên và lao lại lay nó. Chị phát hiện ra nó đã lạnh ngắt từ bao giờ. Chị nó sẽ gào lên nó chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch. Phải trong con mắt của chị nó lúc nào nó cũng chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch. Chị nó thường nói với nó khi có bất cứ chuyện gì thì hãy tâm sự với chị. Nhưng kết quả sau mỗi lần tâm sự chị nó chỉ phán mỗi một câu “Thôi em, không có chuyện gì xảy ra đâu. Em đừng nghĩ ngợi nhiều. Việc tốt nhất của em bây giờ là tập trung vào học”.

Chị chưa bao giờ hiểu nó. Nhưng chị nó cũng không phải là người thực sự có lỗi để đẩy nó vào tình trạng này. Vậy nên, nó không muốn chị thấy nó đầu tiên. Nó ước gì người thấy nó đầu tiên là bố nó. Lúc đó, khuôn mặt của ông sẽ như thế nào nhỉ? Ông cũng sẽ hét lên? Ông bình tĩnh hơn mẹ và chị nó để rồi bấm điện thoại gọi xe cứu thương? Hay ông sẽ chạy lại bế xốc nó lên và chạy đến bệnh viện?

Dù gì thì khi đó nó đã chết và tất cả mọi cố gắng của ông chỉ làm ông thêm tuyệt vọng. Ông sẽ ngồi đó nhìn thật gần khuôn mặt nó. Ông lạnh toát người khi nhận ra một bên mép nó nhếch lên một chút. Điều đó có nghĩa là nó mãn nguyện. Nghĩ tới đây, nó thấy trong lòng mình hả hê.

Cái nắng giữa trưa như muốn thiêu đốt tất cả những gì nó nhìn thấy. Căn phòng hầm hập, ngột ngạt. Phía dưới, bên trái chỗ hàng cơm mọi người đang nói chuyện râm ran. Chuông điện thoại của nó rung lên điệu nhạc Trịnh buồn sâu lắng. Nó lướt mắt, là tin nhắn của một đứa bạn cùng lớp. Bạn nó hỏi đã biết được kết quả chưa? Bạn nó khoe đã đỗ trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và rủ nó tối nay đi ăn khao.

Nó bấm nút tắt nguồn. Nó không còn tâm trạng nào để nghĩ tới những chuyện ấy. Nó đang ngồi nhấm nháp cảm xúc của nó khi tưởng tượng cả gia đình nó đau buồn như thế nào trước cái tin nó tự tử. Nhưng liệu cả nhà nó có biết vì sao nó tử tự không? Mọi người sẽ biết nhưng nó muốn mọi người phải biết đầy đủ các lý do.

Nó quyết định viết thư. Phải! Đằng nào nó chẳng chết. Nhưng trước khi chết, nó sẽ nói hết những gì bấy lâu nay nó phải lặng im. Nói một lần và mãi mãi. Nó sẽ viết bốn lá thư. Lá thư đầu tiên là cho mẹ. Lá thứ hai cho chị gái. Lá thứ ba sẽ rất dài, dài hơn ba lá thư còn lại để cho bố. Lá cuối cùng nó sẽ gửi cho một người. Một người mà bấy lâu nó chưa bao giờ dám đối diện nhìn vào mắt người ấy.

Lá thư cho mẹ, nó sẽ nói những cảm xúc của nó về mẹ. Những điều trước đây nó muốn chia sẻ nhưng chưa bao giờ được chấp nhận vì với mẹ, nó chỉ là đứa trẻ. Nó sẽ khuyên mẹ, nếu thấy khổ quá thì bỏ đi. Hãy ly hôn với bố nó. Đừng tự đày đọa mình trong căn nhà thiếu hơi ấm từ người chồng. Nó lớn rồi và sẽ không bao giờ trách móc mẹ vì bỏ bố nó đâu. Mẹ đừng bao giờ nói vì chúng con nên mẹ phải ở lại ngôi nhà này.

Mẹ hãy sống vì mẹ. Khi mẹ sống vì mẹ. Mẹ thấy hạnh phúc thì con cũng mới thấy hạnh phúc. Đó mới chính là mẹ sống vì con. Con sẽ không trách mẹ bởi những cái tát vô cớ mẹ dành cho con trong những đêm bố không về nhà. Sao mẹ lại cứ tự đày đọa mình như thế nhỉ? Rồi lại nói vì con. Như thế là không công bằng mẹ biết không? Con căm ghét những bữa cơm mà chỉ có ba người phụ nữ.

Mẹ vừa ăn, mặt hằm hằm nhìn chị em con như chính chị em con gây ra nỗi đau cho mẹ vậy. Con ghét cái chuyện mẹ bắt con thi kinh tế trong khi con yêu thích văn chương. Mẹ nói có tiền thì mới sống khá lên được. Nhà mình có nghèo đâu mẹ? Vậy mà mẹ có thấy thỏa mãn, có hạnh phúc không? Mẹ luôn cho mình cái quyền là người lớn để áp đặt con và chẳng bao giờ chịu nghe con nói. Nếu nó đỗ đại học.

Nó sẽ lấy tư cách một người có học vấn để nói với mẹ rằng: “Mẹ hãy thôi cái kiếp sống cam chịu, tủi nhục này đi”. Nhưng nó không đỗ đại học. Và nó không có quyền nói về cách sống của mẹ. Vậy nên muốn mẹ nó nghe nó chỉ còn một cách để lại những dòng chữ tuyệt mệnh này. Có thể khi mẹ đọc lá thư này mẹ sẽ ân hận nhưng mẹ vẫn còn một đứa con gái nữa đấy.

Mẹ hãy trân trọng đừng dồn chị ấy vào chân tường như con. Con biết chị ấy cũng khổ nhiều. Nó sẽ nói hết những gì mà bấy lâu nay nó muốn nói. Và nó sẽ gào lên trong lá thư đó cái khao khát được mẹ nó tôn trọng, lắng nghe...

Sau đó nó sẽ viết thư cho chị. Nó sẽ bảo chị đừng lúc nào cũng nói mỗi một câu là mọi chuyện không sao. Mọi chuyện thế nào nó biết hết. Nhưng chị nó không hiểu nó. Không cho nó có cơ hội để hiểu nó. Hai chị em phải thương lấy nhau chứ. Nó cũng ghét cái cách chạy trốn khỏi ngôi nhà này của chị nó. Có chuyện gì là chị sẽ lấy xe phóng ra khỏi nhà. Có hôm chị đi qua đêm không về.

Nó thấy cô đơn, cô lập trong chính ngôi nhà của nó. Có những lần nó thấy chị nấp sau cánh cửa để khóc. Nó muốn được chạy lại ôm lấy chị mà khóc cùng. Nhưng chị nó lại tìm cách trốn tránh. Không biết từ bao giờ chị em nó lại trở nên xa lạ với nhau như vậy? Sau lần, chị nó dẫn bạn trai về nhà. Cái anh có cái dáng cao cao thanh tú.

Anh ta thường khen nó dễ thương. Thật lòng mà nói nó chẳng ưa gì anh ta. Nó ghét đôi mắt dài và ướt rượt của anh ta. Chị nó thì khác. Chị yêu và thần tượng anh ta. Anh ta là một tay họa sĩ có tài. Anh ta đã nhiều lần muốn nó ngồi làm mẫu. Nó không muốn. Nó luôn tìm cách trốn thật nhanh lên gác mỗi khi anh ta đến. Chị nó luôn nói bóng gió gì đó về sự sở hữu. Cái gì của ai thì hãy là của người đó, đừng hòng cướp mất. Tâm trạng nó nặng nề. Nó muốn nói rằng nó yêu chị nó và cần chị nó biết bao.

Mẹ thì quá mải mê với nỗi đau của mẹ mà không quan tâm đến nó. Nó cần chị để chia sẻ, để được dãi bày. Chị nó giỏi giang. Chưa bao giờ nó ghen tỵ vì điều đó. Nó sẽ trách chị. Nó sẽ viết rằng chị là người vô tâm. Nó không viết cho chị nhiều nhưng nó muốn chị nó biết nó quan tâm đến chị nó nhiều như thế nào. Và nó khao khát được chị quan tâm ra sao. Nó muốn đỗ đại học để chứng minh cho chị nó thấy rằng nó không còn nhỏ nữa.

Nó có đủ năng lực để cùng nói chuyện với chị nó. Nó sẽ không còn ngốc nghếch và kém hiểu biết. Nhưng nó đã trượt đại học. Nghĩa là nó vẫn chỉ là đứa trẻ con trong mắt chị. Sau cùng nó quyết định kí tên dưới dòng chữ “đứa em gái ngốc nghếch của chị”...

Tiếp theo, nó sẽ viết thư cho bố. Nó muốn nói với bố rằng “Nó yêu và hận bố”. Nó sẽ nhắc lại những ngày hạnh phúc của gia đình nó. Ngày cả gia đình nó cứ cuối tuần lại đưa nhau đi chơi. Nó sẽ nhắc về những nụ hôn mà bố nó đặt lên trán nó sau mỗi ngày bố nó đi làm về. Những lần bố nó giảng bài và cốc vào trán nó để mắng “con gái yêu”. Nó vẫn giữ những quyển sách hay đồ chơi bố nó mua tặng. Sau đó, nó muốn nói rằng nó biết người đàn bà kia của bố. Không ít lần, nó muốn rạch mặt chị ta. Nó ghét cái cách bố cười với chị ta.

Cái kiểu uốn éo, nũng nịu của chị ta với bố. Bố thì lúc nào cũng tỏ ra đạo mạo, oai nghiêm, chỉnh tề trước mặt mọi người. Trong nhiều cuộc họp, bố vẫn thường hay giảng giải về lối sống văn hóa chung thủy một vợ, một chồng. Có lần bố nó được cấp trên khen vì gương mẫu có hai con gái mà cuộc sống lúc nào cũng hạnh phúc tràn trề. Bố cười và nghiến chặt hai răng vào nhau. Nó còn nhớ như in hôm bố hất cả mâm cơm của cả nhà xuống nền chỉ vì chị ta nhắn tin giận dỗi gì đó. Mà chị ta lại chỉ hơn nó chừng đâu chưa đầy chục tuổi. Nó sẽ nói câu xin lỗi bố trước cái mong ước ngông cuồng của nó.

Đấy là nó muốn một lần trong đời nó có đủ quyền hạn để cư xử với bố nó. Thì chắc chắn nó sẽ tát bố nó. Cái tát của sự yêu thương, căm phẫn. Rồi nó muốn nói với bố rằng nó là người muốn mình đỗ đại học hơn bất cứ ai ở ngôi nhà này để nó được thoát khỏi nơi đây. Đó cũng chính là lý do nó đăng kí thi trường tận miền Nam. Nó yêu thầm một người nhưng không dám thể hiện vì nó muốn thật sự tập trung vào học. Nhưng nó có tập trung học nổi không dưới cuộc sống ngột ngạt và bí bách này?

Bố nó vẫn mắng nhiếc mẹ nó không biết đẻ nên sinh toàn con gái. Rồi lại mắng nhiếc nó không đỗ đại học thì chết quách đi. Dòng giống nhà này không có kẻ dốt nát. Bố nó luôn đổ lỗi cho mẹ con nó. Bố nó chán ghét gia đình nó thế thì sao không giải thoát cho mẹ con nó? Phải chăng, bố nó đang chức, đang quyền nên muốn giữ thanh danh? Giữ cái danh hão ấy để đày đọa bao nhiêu con người ư?

Như vậy có quá tàn nhẫn không? Nó sẽ không đợi được câu trả lời đó nhưng nó biết với câu hỏi đó bố nó sẽ phải dằn vặt, đớn đau. Nó muốn nói sau cái chết của nó. Nếu bố nó còn chút gì thương yêu mẹ con nó thì hãy quay về. Còn không thì hãy giải thoát cho mẹ nó. Nó muốn thức tỉnh bố nó. Nó muốn bố một lần hãy ngồi nán lại và nhìn thật lâu vào khuôn mặt của mẹ nó.

Hãy cầm và xem đôi tay của mẹ nó. Từ trong sâu thẳm, nó tin bố nó vẫn còn tình thương của người chồng, người cha. Cái chết của nó sẽ không trở nên vô nghĩa. Sau cùng trong mỗi lá thư nó sẽ lấy máu mình ra để viết lời xin tha thứ...

Lá thư cuối cùng, nó viết cho cậu bạn vẫn thường hay rủ nó đi học. Nó sẽ cảm ơn sự quan tâm của người đó với nó. Nó muốn nói rằng nó vui như thế nào khi được làm bạn với người đó. Nhưng rồi nó lại nhận ra một điều, người bạn của nó luôn cư xử tốt như vậy với tất cả các bạn gái còn lại. Nó đau đớn vì không có gì là của riêng mình trong cái thế giới này. Rồi nó băn khoăn không biết nó có nên nói nó đã yêu người đó không? Nếu viết như thế thì người bạn đó có ân hận và tiếc nuối không? Điều đó làm cho nó suy nghĩ rất mông lung.

Nó vừa thèm khát cái cảm giác người đó gào lên đau đớn khi nghĩ nó đã chết. Và ân hận vì không nhận ra tình cảm của nó ngay từ đầu để yêu thương, trân trọng. Nhưng nó lại sợ lại chỉ nhận được sự thương hại mà thôi. Nhưng đã có một lần người đó nói với nó: “Nếu chúng ta cùng thi đỗ đại học, tớ hi vọng mọi việc sẽ khác bây giờ”. Câu đó có nghĩa là gì? Có phải là lời hứa hẹn của tương lai? Giờ thì nó không còn cơ hội để biết câu trả lời nữa.

Nó đã trượt đại học. Không ít lần nó muốn nhìn vào mắt người đó, cầm tay người đó. Nó muốn được cùng đi tới chân trời, góc bể với người đó. Nhưng người đó không phải của riêng nó. Người đó hào hoa, lịch lãm với tất cả mọi người. Cuối cùng nó quyết định chỉ viết “Nếu có kiếp sau, tớ lại muốn được gặp lại bạn”...

Cái nắng đã đổi hướng không hắt vào căn phòng nữa. Tiếng hát rong não nề vang lên. Nó đứng dậy khép lại cửa phòng. Người nó mệt rã rời. Lê từng bước chân tập tễnh như người mất hồn. Nó đút cẩn thận từng lá thư vào phong bì. Nó đến từng phòng. Đây là phòng của bố mẹ. Ảnh cưới treo đầu giường. Nó thấy nụ cười trong mắt hai người. Nhưng căn phòng này giờ đây chỉ có mẹ nó ngủ. Sự lạnh lẽo của ga giường màu trắng, sự nhợt nhạt của chiếc rèm cửa màu xanh.

Nó khẽ run lên. Nước mắt nó trực trào ra. Nó nhón chân hôn lên ảnh cưới. Cẩn thận để lá thư dưới gối. Đi ra và khép cửa. Đây là phòng chị gái nó. Căn phòng tràn một màu xanh thẫm. Con gấu bông xinh xắn nằm ngay ngắn trên giường. Đây là con gấu mà nó tặng cho chị vào lần sinh nhật năm ngoái. Nó dường như nhìn thấy chị nó đang nằm trên giường đang gối đầu lên chú gấu và ngủ ngon lành. Nó cài lá thư vào bên trong áo chú gấu. Nó đi xuống tầng một. Một căn phòng nhỏ phía bên phải ngôi nhà. Căn phòng này vốn dành cho khách.

Giờ là căn phòng mà bố nó ngủ. Một căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp và đầy lạnh lẽo. Không một bức ảnh, không một kỉ vật của gia đình. Nó lấy bức ảnh cả nhà chụp chung ở phòng nó sang để lên chiếc bàn trong phòng bố nó ngủ. Dưới bức ảnh đó, nó để lá thư mà nó viết cho bố nó. Lá thư cuối nó để dưới gối của mình. Nó đi vào phòng tắm, tắm gội thật sạch. Chọn cho mình bộ đồ đẹp nhất. Một chiếc váy dài trắng.

Nó xịt lên mình loại nước hoa nó yêu thích. Chai chanel No5. Nó vào bếp cầm một con dao Thái Lan sắc bén. Từ từ nằm xuống giường. Vết cắt rất ngọt. Nó nhắm mắt và bắt đầu nghĩ về đám tang của mình. Sẽ rất nhiều người đến dự. Bố mẹ và chị nó trông như ba cái xác khô bên quan tài. Họ hàng, và người dân khu phố thì thút thít kể lể. Người trách nó nông nổi không biết suy nghĩ. Người thương nó khờ dại. Người mắng bố mẹ nó thất đức... cơ man là tiếng ầm ầm, ù ù bên tai...

Có người bảo, nó không chết. Nó được đưa đi bệnh viện kịp thời. Sau khi gia đình nó đọc được những lá thư để lại. Bố nó xin chuyển công tác chấm dứt với cô gái kia và đưa gia đình nó đến một vùng đất khác để xây dựng lại từ đầu...

Lại có người bảo người nhìn thấy xác nó đầu tiên là bố nó. Bố nó không hét, không gọi điện cho cấp cứu, cũng không bế xốc nó chạy đến bệnh viện. Bố nó tiến lại ngồi trên vũng máu và cứ thế ngắm cả tiếng đồng hồ về cái nhếch mép trên môi nó...

Chỉ có duy nhất cụ già ngồi bán quán nước ven đường lại kể với tôi rằng. Hôm đó, mẹ nó đang làm bỗng bị đau tim và ngất đi. Mọi người cuống cuồng đưa vào bệnh viện. Chị gái nó tức tốc đến ngay. Không ai liên lạc được với nó. Mãi tới 9h tối mới thấy bố nó đi xe đến đón. Nghe nói bố nó hôm đó đi công tác. Lần đầu tiên cả nhà nó cùng về một lúc. Khi mở cửa căn nhà, một mùi hương dìu dịu bay ra.

Căn phòng của nó không bật điện mà được thắp bằng trăm, bằng nghìn ngọn nến. Những ngọn nến lung linh. Không ai thấy nó. Chỉ thấy từ phía cửa sổ một con bươm bướm đêm cất cánh bay đi. Trước khi bay đi, nó lượn ba vòng quanh căn nhà như nói lời từ biệt. Đến bây giờ cũng chẳng ai biết nó ở đâu.

18-11-2011

Truyện ngắn của Phạm Thị Hương

Truyện ngắn “Ngày dài” cuốn hút người đọc qua thế giới hồi tưởng của một cô gái trước khi cô làm một việc đáng sợ: Tự tử. Để viết truyện ngắn này một cách thuyết phục, có lẽ cần có một khả năng thấu cảm. Điều mà tôi thấy lóe lên ở Phạm Thị Hương qua truyện ngắn này.

Ngày dài ảnh 2
 

Cô gái sinh năm 1987, quê Phú Thọ này hiện đang học năm cuối tại Khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình Văn học - ĐH Văn hóa Hà Nội. Lời tự bạch của cô về nghề, mang màu sắc lãng mạn nhưng cũng đáng trân trọng: Tôi vẫn mải miết đi tìm tôi qua mỗi trang viết. Tôi thấy mình mắc nợ ở nhiều cuộc đời, nhiều số phận...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG