Ngày càng ít doanh nghiệp nộp phí nước thải

Một phụ nữ múc cặn từ nước thải nhà máy Tung Kuang, tỉnh Hải Dương, xả ra con sông ngay cạnh nhà chị. Ảnh: QD
Một phụ nữ múc cặn từ nước thải nhà máy Tung Kuang, tỉnh Hải Dương, xả ra con sông ngay cạnh nhà chị. Ảnh: QD
TP - Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số doanh nghiệp nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cứ teo tóp dần.

Trong số 453 doanh nghiệp ở Hà Nội được nghiên cứu, chỉ có 76 doanh nghiệp nộp phí. Hai năm sau, số doanh nghiệp nộp phí chỉ còn 23. Tương ứng, số phí thu được giảm, từ 683 triệu đồng xuống còn 62 triệu đồng.

Tại TPHCM, số doanh nghiệp nộp phí lúc đầu có tăng nhưng sau đó cũng giảm. Cụ thể, số doanh nghiệp ở TP HCM nộp phí trong ba năm nghiên cứu tăng vọt từ 129 lên 1.851 nhưng sau đó lại giảm còn 1.594.

“Hầu hết các doanh nghiệp chây ỳ không trả hoặc nợ dây dưa”, TS Lê Hà Thanh, Khoa Môi trường Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, trưởng nhóm nghiên cứu, nói. Theo Viện Chiến lược Chính sách&Tài nguyên Môi trường, số phí thu được thấp hơn nhiều so với số phí ước tính ban đầu. Hà Nội và TPHCM cũng chỉ thu được 20 - 30% so với dự kiến. Càng dây dưa nộp phí, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra càng trầm trọng trên diện rộng, quy mô lớn.

Các cấp quản lý dường như quan tâm nhiều đến khoản phí thu được hơn là sự thay đổi mức độ ô nhiễm” - TS Lê Hà Thanh

Có tới 70% nước thải khu công nghiệp được thải trực tiếp, không qua xử lý; nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành; phần lớn nước thải của khu công nghiệp có chỉ tiêu ô nhiễm vượt quy chuẩn VN. Trong số các doanh nghiệp được điều tra, không doanh nghiệp nào có bộ phận và cán bộ chuyên trách về môi trường.

Một trong những nguyên nhân được các nhà nghiên cứu đề cập là mức xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế thấp hơn nhiều mức phí mà các doanh nghiệp phải đóng.

Theo TS Lê Hà Thanh, nguyên nhân cơ bản nằm ở Nghị định 67. Đề cập hiện tượng nhờn Nghị định 67, hơn nửa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, do cơ chế thực hiện đóng phí phức tạp, không rõ ràng, đưa ra quá nhiều chỉ tiêu ô nhiễm, khiến mức phí vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Các nhà khoa học đề xuất đối tượng chịu thu chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp lớn thuộc một số ngành gây ô nhiễm cao như sản xuất giấy, thuộc da, nhuộm, hóa chất, thủy sản, mía đường, v.v…, với những chỉ tiêu ô nhiễm chủ yếu là COD, TSS và một chất kim loại nặng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG