Bằng một khả năng ngụy tạo trá hình đáng kinh ngạc, gã thực hiện điều đấy như một cái phủ tay. Nhưng đó chỉ là vế đầu, muốn tồn tại được ở đấy, là làm cho mình đừng bao giờ tan vào đám đông, không bao giờ.
Tôi đã trải qua những buổi tiệc với đám người nhợt nhạt. Nhợt nhạt khủng khiếp. Cái khủng khiếp của họ, không phải một bóng ma hay một khuôn mặt nhợt nhạt hay những nụ cười đơ dại. Cũng không phải những linh hồn bất an được bọc bởi những khuôn mặt vô hồn.
Cảm giác giống như bạn nhảy múa giữa những mảnh giấy bìa nhiều màu sặc sỡ, có vẽ mắt mũi miệng, tay chân, biết chuyển động. Những sự nhợt nhạt cộng gộp với nhau. Có người lĩnh xướng. Có những câu đùa nhàm.
Có những câu chuyện phiếm. Có cả gây gổ. Nhưng tất cả như những mảnh gỗ được lắp ghép cho trùng khớp với nhau.
Kết cục là những mảnh giấy bìa nhảy nhót. Lạc nhịp và rơi mất trái tim ở chỗ nào.
Lúc đó tôi chỉ kịp cảm thấy vớ vẩn vì phải chôn chân ở đó. Trong không khí rình rang của những mẩu giấy bìa nhảy múa, hai tay muốn ôm lấy pháo hoa. Cách hay nhất chỉ là không dự phần vào.
...
Dạo gần đây liên tục nhớ về khoảnh khắc có được cơn hoang mang lớn nhất của mình. Có cảm giác tăm tối một chút. Nhưng là một cơn hoang mang ra trò. Nó không dính dáng gì hết đến những bất an hay thất bại, nhưng ít ra nó là một cơn tăm tối ra trò.
Có lẽ khi vật lộn với chính bản thân mình là một minh chứng tốt nhất cho sự tồn tại. Nếu sự cô đơn có thể chia được ở một thì, nó nên luôn được đặt ở thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn. Có cả một sự lê thê. Cô đơn trong hiện tại vẫn luôn kéo dài, tiếp diễn.
Tôi nghĩ đó có lẽ là một ngày hè đau đớn. Những cơn nắng đau đớn. Bầu trời cứ như khuôn mặt của một người đau khổ, hốc mắt thẳm sâu, hai tay rưng rưng ôm lấy mặt, nhưng tuyệt nhiên không một giọt nước mắt nào rỉ ra từ những chỗ nẻ cằn cỗi đó.
Tuyệt nhiên không. Có một cơn lốc bụi mờ, gần giống như vậy, thốc qua thành phố này. Bầu trời chỉ vừa kịp phát ra một tiếng ho khan.
Tôi bỏ hết các tiết lý luận mỹ thuật, trốn ra ngoài, chạy đến quán cafe của L. để giết thời gian. Nếu được tôi sẵn sàng từ bỏ thành phố này, màu sắc hệt như con người kinh hãi trong tranh Edward Munch, đi về hướng Đông. Nhảy lên một chiếc xe, mua một tấm vé, ra khỏi thành phố, đi cho đến khi gặp biển thì dừng lại.
Xưa nay đối với tôi biển cả vốn là một chướng ngại không thể vượt qua được. Nếu tôi có cánh, rất có thể sẽ lao vút lên bầu trời xám tro nọ, xuyên qua từng tầng ánh sáng mà vượt qua vũng nước mặn vĩ đại này. Nhưng biết đâu cũng giống như chàng Icarus, cũng sẽ không chịu nổi ánh nắng tháng tư đổ lửa mà tan chảy và ngất lịm, vùi xác dưới lòng đại dương xanh sâu.
Nếu tôi có vẩy cá, có đuôi, sẽ lặn xuống đáy nước, vẫy đuôi bơi đi, theo bất kỳ dòng hải lưu nào, cứ bơi đi mãi đi mãi.
Sau khi tốt nghiệp, ghi danh vào một lớp sơn dầu. Thật ra tôi không cần biết sẽ được dạy cái gì và tại sao phải như thế. Thậm chí tôi vẫn không biết những người chung lớp mình là ai. Thật ra chúng tôi vẫn chưa được vẽ. Thật ra sơn dầu là một con đường gian nan. Thật ra tôi không biết nó là cái gì.
Thật ra tôi cần có nó. Thật ra tôi không hiểu những người xung quanh mình cần nó theo kiểu gì. Nhưng cuộc đời không thể lúc nào cũng đòi phải có mục đích. Tôi có những mục đích, sẽ tốt nghiệp đại học, sẽ làm những việc mình yêu thích, dù ba mươi năm sau, năm mươi năm sau cũng không bao giờ thay đổi.
Nhưng sơn dầu với tôi là không có mục đích. Nó giống như một sự mơ hồ. Giống như một tán hoa sao trong khu rừng không thể dang tay chạm lấy được. Cũng giống như một tán trầm hương muôn đời ngậm ngải không với đến được. Phải có một khoảng cách.
Trên đời có những hoài bão vì thực dụng nhất định phải giành lấy cho bằng được. Có những thứ chỉ hoàn hảo trong trạng thái luôn đuổi bắt lấy. Luôn trên đường đi. Luôn là một quá trình. Luôn không chạm đến được. Để không bao giờ thấy được sự bất lực của bản thân mình. Luôn luôn là người ngoài cuộc, luôn luôn mải miết kiếm tìm.
Nhưng hiện tại tôi không ra được đến biển. Tôi vướng bận L. và quán cafe của anh. Những ngón tay của anh. Cafe của anh. Mùi hương của Bảo Lộc. Anh mang về một cành cafe thực, trịnh trọng cắm nó vào một chiếc bát bằng pha lê giữa quán. Thi thoảng sau khi điều chỉnh nhạc, tiện tay cắt bỏ những chiếc lá đã úa tàn.
Tôi bị ảnh hưởng thói quen trịnh trọng ấy, ngay khi quán không có ai cũng chẳng dám nằm lăn ra, không dám tụt giày ra khỏi chân, uống cafe cũng thẳng lưng nghiêm chỉnh. Dù là trốn học, tôi vẫn muốn mặc những bộ váy rực rỡ đến quán, đôi khi chỉ ngồi, thẳng lưng nghe ngóng thứ âm nhạc phát ra từ chiếc loa thùng, loại âm nhạc mà tôi còn không biết thể loại gì.
Đôi khi chỉ có tôi và tán hoa cafe héo úa giữa phòng, nhìn nhau. Nhưng tôi có một tách cafe riêng của mình. L. nói, sẽ dành riêng cho em tách cafe này, lần nào em đến cũng sẽ mang ra. Tôi cảm thấy rất vui mừng, thật thế ạ? Em được viết tên lên không ạ?
L. không nói gì, cũng không cười.
Tôi viết lên cái tách đó rất chân thành, “Cafe của Nhã”. Lần nào đến cũng phải chờ đến khi nó được mang ra. Chờ đến lượt mình được nói “Chào anh” “Dạ không sao, anh bận thì cứ làm việc đi” “Dạ không, mọi việc vẫn ổn”. Ngắn gọn đúng ba câu...
Truyện ngắn của Dương Nguyên
“Viết nhiều khi chỉ giản đơn là một hoạt động sống, nó đến ở giữa những chuyến đi, sự trưởng thành, một bữa ăn, một giấc ngủ, nhiều nghĩ suy và cái chết” - Dương Nguyên nói. Ba tác phẩm sau đây của Dương Nguyên khó có thể gọi là gì về thể loại. Nhưng cần gì nhỉ, khi nó tải đi được một năng lượng lớn của tinh thần và cảm xúc. Dương Nguyên sinh năm 1988. Cô học ngành công nghệ sinh, hiện công tác tại Viện Khoa học Công nghệ tính toán. Cô viết văn, chủ yếu đăng trên mạng. Cô là đại diện của một làn sóng nhà văn mới, làn sóng mà cách đây khoảng 10 năm, vẫn chưa hề có. L.A.H |