Ngành xây dựng Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Từ TPHCM, những nhà thầu Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại, nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đã thay thế vật liệu ngoại nhập trong một thời gian rất ngắn.

Vươn ra thị trường nước ngoài

Ngày 20/10, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (SACA) tổ chức lể kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1991-2021). Từ 25 thành viên sáng lập, đến nay SACA đã lên đến gần 300 hội viên. Trong đó quy tụ những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc, bất động sản của TPHCM và các doanh nghiệp uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đang hoạt động tại TPHCM. Tổng doanh thu của các hội viên SACA năm 2020 ước tính gần 35.000 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch SACA cho biết: “Nhìn lại 3 thập kỷ qua, ngành xây dựng Việt Nam đã đi từ vô cùng lạc hậu đến hiện đại. Chúng ta đã có một tốc độ phát triển nhanh chóng cả về kỹ thuật công nghệ lẫn trình độ tổ chức quản lý trong sản xuất vật liệu xây dựng và thi công xây lắp, với thành quả là bộ mặt đô thị TPHCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thay da đổi thịt đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hẳn từ những đóng góp của nhiều doanh nghiệp được trưởng thành ở Sài Gòn. Cũng từ TPHCM, những nhà thầu Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại, nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đã thay thế vật liệu ngoại nhập trong một thời gian rất ngắn”.

Ngành xây dựng Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại ảnh 1

UBND TPHCM trao tặng Huy hiệu TPHCM cho lãnh đạo SACA.

Ông Hải định hướng, thị trường nước ngoài là một thị trường có quy mô gấp vài trăm lần so với trong nước. Thúc đẩy phát triển thị trường này, ngành xây dựng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và công nghiệp xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Từ kiến tạo và chinh phục đỉnh cao trong phạm vi quốc gia chúng ta hãy mạnh dạn, tự tin nhanh chóng vươn ra chinh phục thị trường xây dựng toàn cầu. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội thay thế các nhà thầu quốc tế ở thị trường nước ngoài đang mất dần lợi thế cạnh tranh sau đại dịch. Do đó, xuất khẩu dịch vụ tổng thầu xây dựng ra nước ngoài không thể là công việc của riêng doanh nghiệp nào, các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ có liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, dịch vụ thầu phụ chuyên ngành, thiết kế xây dựng, đầu tư địa ốc, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển, tư vấn pháp lý... cần hợp lực cùng nhau tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ. Yếu tố tiên quyết của sự phát triển chính là tinh thần đoàn kết, hợp lực theo cùng một hướng đi để cùng đạt được một mục đích. Trong vai trò là chiếc cầu nối, Hiệp hội sẽ là nơi gắn kết các thành viên, cùng hợp lực thành một khối chặt chẽ bổ trợ cho nhau và liên kết hợp tác với nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài tạo nên những dấu ấn mới, kỳ tích mới.

“Hiệp hội sẽ mang mọi nỗ lực để cùng Chính phủ, các đơn vị thành viên và các liên hiệp, hiệp hội, hội ngành nghề trong chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ liên quan đến ngành xây dựng, nhanh chóng đưa công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển ra thị trường nước ngoài, khôi phục tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong ba thập kỷ qua, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia”, ông Hải nói.

Ngành xây dựng Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại ảnh 2

UBND TPHCM trao tặng Bằng khen TPHCM cho SACA

Mong SACA đồng hành cùng TPHCM

Tại buổi lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã gửi lời chúc mừng đến (SACA). Ông Minh cũng ghi nhận những đóng góp tích cực và thiết thực đối với sự phát triển chung của đất nước và ngành xây dựng, ngày càng khẳng định uy tín và vai trò của hiệp hội trong đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh kỳ vọng SACA sẽ tiếp tục xây dựng bồi đắp thêm các giá trị cốt lõi, đảm bảo phát huy được sức mạnh tổng hợp vững chắc của hiệp hội. Quan tâm nâng cao nhân lực, đổi mới phương thức và tăng cường trong công tác tư vấn và các chính sách chủ động tăng cường phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng thể chế chính sách pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành xây dựng nói chung, ngành vật liệu xây dựng nói riêng để thúc đẩy công nghệ ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiến tới ngành vật liệu xây dựng giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo. Bên cạnh đó, thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo, hình ảnh xây dựng, vật liệu xây dựng, góp phần làm tăng hiệu quả ngành xây dựng.

Ngành xây dựng Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại ảnh 3

UBND TPHCM trao tặng Bằng khen TPHCM cho SACA

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao quá trình ngày càng phát triển của SACA. Theo ông, hiệp hội quy tụ những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản và vật liệu xây dựng ở TPHCM và các tỉnh lân cận, kể cả trong lẫn ngoài nước, có đội ngũ nhân lực giỏi nghề, tham gia tích cực trong việc xây dựng nhiều công trình mang tính hình ảnh cho thành phố. Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa cho các hội viên, tăng cường kết nối giao lưu và xúc tiến thương mại để hỗ trợ cùng nhau phát triển. Ngoài ra, SACA cũng góp phần tích cực nỗ lực chăm sóc an sinh xã hội của TPHCM, đặc biệt trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 vừa qua.

Ngành xây dựng Việt Nam đã dần thay thế các nhà thầu ngoại ảnh 4

Cuộc tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” diễn ra chiều ngày 20/10

“Trong thời gian tới, TPHCM mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hiệp hội SACA tiếp tục đồng hành với chính quyền thành phố trong các chương trình nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động thu nhập thấp cũng như tích cực tham gia chương trình di dời nhà ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ, xây dựng các khu đô thị hiện đại”, ông Bình nói.

MỚI - NÓNG