Ngành phát thanh tìm cách thích ứng với giới trẻ

Ngành phát thanh tìm cách thích ứng với giới trẻ
TP - Giới trẻ có thể sẽ xa rời chiếc đài nếu loại hình phát thanh truyền thống không được thay đổi sang phát thanh kiểu mới và được phổ biến trên các thiết bị kỹ thuật số thông dụng.

> Đài TNVN đăng cai Hội nghị Phát thanh châu Á 2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Phát thanh châu Á 2013. Ảnh: Trúc Quỳnh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Phát thanh châu Á 2013. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Đó là vấn đề được nêu ra tại Hội nghị Phát thanh châu Á 2013 với chủ đề “Phát thanh và truyền thông xã hội: Xu hướng phát triển trong tương lai” khai mạc tại Hà Nội chiều 29/7. Đây là diễn đàn đề cập và chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề của phát thanh, đặc biệt là đưa ra một số dự báo, xu hướng, định hướng của phát thanh trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội.

Tại Hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU), ông Javad Mottaghi, phát biểu: “Người làm phát thanh hiểu rằng, giới trẻ có thể xa rời radio nếu ngành phát thanh không thay đổi từ radio truyền thống sang radio kiểu mới và không xuất hiện trên các diễn đàn mạng và thiết bị phổ biến hiện nay”.

 Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong số ít các đài phát thanh trong khu vực đi đầu trong lĩnh vực lưu trữ âm thanh số, thử nghiệm các công nghệ phát thanh số như DRM, HD Radio, DAB… .

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Nguyễn Đăng Tiến

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ số và sự bùng nổ của truyền thông xã hội mang lại cho công chúng cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn, đa dạng hơn, và đang nhanh chóng thay đổi bối cảnh truyền thông trên phạm vi toàn cầu và quốc gia.

Đây thực sự là cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của tất cả loại hình báo chí, đồng thời cũng là thách thức trực tiếp, ngày càng lớn, đòi hỏi chúng ta phải luôn năng động, sáng tạo và hợp tác hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của xã hội.

“Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành phát thanh Việt Nam theo hướng hiện đại hóa về công nghệ, thực hiện lộ trình ứng dụng kỹ thuật số đến năm 2020, chuyên nghiệp hóa về sản xuất và đa dạng hóa về thể loại chương trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân và của bạn bè quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ngành phát thanh Việt Nam đã phủ sóng mặt đất trên 99% khu vực dân cư và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, và luôn là phương tiện truyền thông đáng tin cậy trong mọi tình huống khó khăn.

Tỉnh táo với tin mạng

Trong hội nghị kéo dài đến ngày 31/7, các chuyên gia phát thanh đầu ngành chia sẻ quan điểm về các chủ đề được nhiều người quan tâm như đa phương tiện cho phát thanh số, ứng dụng Killer cho phát thanh, tương tác “trực tuyến” với khán giả, phát thanh: Nhà sản xuất thân thiện - thính giả sáng tạo…

Ông Steve Ahern, giảng viên cao cấp tại Tổ chức Đào tạo Truyền thông Cộng đồng (CMTO) của Úc, tác giả cuốn “Cẩm nang làm việc trong ngành phát thanh thời kỹ thuật số”, nói rằng, trong xu hướng hội tụ truyền thông, các nhà báo “nói” nên tận dụng mọi cơ hội mà mạng xã hội và thiết bị kỹ thuật số mang lại.

Cụ thể như nắm bắt thông tin thời sự, tương tác với người hâm mộ, quảng bá cơ quan qua Facebook, Twitter…, cũng như sử dụng iPhone, iPad để tác nghiệp linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, nhà báo phát thanh phải tỉnh táo trước biển thông tin thời kỹ thuật số, phải biết sàng lọc, kiểm chứng trước khi phát tin, tránh tình trạng “ăn quả lừa”, đưa “tin vịt”, ảnh hưởng xấu tới bản thân, cơ quan, người nghe, thậm chí cả một cộng đồng xã hội, ông cảnh báo.

Hội nghị Phát thanh châu Á 2013 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp ABU tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu đến từ các tổ chức phát thanh truyền hình khu vực và thế giới, cũng như lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương của Việt Nam.

Hội nghị Phát thanh châu Á do ABU sáng lập năm 2006, được tổ chức thường niên và trở thành sự kiện quan trọng hàng đầu của ngành phát thanh khu vực. Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành thành viên của ABU từ khi tổ chức này ra đời năm 1964.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.