Ngành Chăn nuôi mất sân nhà

Ngành Chăn nuôi mất sân nhà
TP - Hơn 40 năm hoạt động trong ngành và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ông Lê Bá Lịch cho rằng, ngành chăn nuôi đã không thành công bởi những quyết sách sai lầm, phải nhường “miếng bánh” vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

> Mất kiểm soát thịt lợn?

Ngành Chăn nuôi mất sân nhà ảnh 1
 

Theo ông đâu là nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi đang điêu đứng trong khi miếng bánh lợi nhuận rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài?

Từ năm 1986 trở về trước, chúng ta có Vụ chăn nuôi, khi đó tôi là trưởng phòng kỹ thuật. Hồi đó, có hẳn một thứ trưởng Bộ NN&PTNT phụ trách chăn nuôi. Nhưng đến đầu năm 1987 thì vụ này bị xóa bỏ và hợp nhất với vụ trồng trọt để lập ra vụ sản xuất, sau này là cục Khuyến nông. Từ đó, ngành chăn nuôi không còn chỗ đứng trong bộ, ngành chăn nuôi bị xoá tên. Sau hai ba lần nhập, tách thì đến gần đây mới tái lập cục chăn nuôi.

Có điều đáng buồn là khi hợp nhất với trồng trọt thì lãnh đạo ngành chăn nuôi chỉ là cấp phó, trồng trọt luôn luôn làm trưởng. Không ai tổng kết tổ chức như thế được gì, mất gì.

Ngoài ra, từ đó đến nay toàn các ông thứ trưởng chuyên môn trồng trọt phụ trách chăn nuôi và thú y. Dẫn đến ngành chăn nuôi không có “đầu”. Đến khi xảy ra dịch bệnh, ông thứ trưởng chuyên môn trồng trọt lên truyền hình giải thích về dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Vậy quá trình vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài ra sao, thưa ông?

Từ năm 1991, Tập đoàn CP (Thái Lan) đã bắt đầu đặt vấn đề với chúng ta. Khi đó, Lãnh đạo Bộ muốn Tổng Cty Chăn nuôi Việt Nam liên doanh với Tập đoàn CP. Nhưng lãnh đạo Tổng công ty Chăn nuôi không muốn. Phía Việt Nam từ chối liên doanh thì CP mừng quá. Bởi giả sử phải liên doanh, thì CP không thể được như hôm nay.

Chính tôi theo dõi việc Tập đoàn CP vào Việt Nam. Trước khi đầu tư, họ đã mất hai năm để điều tra cơ bản. Điều tra từ chuyện một huyện có bao nhiêu người đi buôn gà. Đến năm 1993, họ mới bắt đầu xây nhà máy, tập trung vào khâu thức ăn. Chúng ta thì không chú ý khâu này, chỉ đi lo nghiên cứu về giống. Làm thức ăn “chán chê” thu lợi nhuận lớn rồi họ mới chuyển sang làm con giống, nuôi gia công...

Khi doanh nghiệp nước ngoài vào thì các doanh nghiệp chăn nuôi của nhà nước làm gì, thưa ông?

Tôi kiến nghị có chế tài quy định Nhà nước không đền bù hỗ trợ khi vật nuôi bị chết dịch, bị tiêu huỷ, thậm chí chủ vật nuôi còn bị phạt nếu để lợn, gà bị chết dịch mà trước đó không chịu tiêm phòng. Ngoài ra, những hộ nào không giữ vệ sinh làm lây lan dịch bệnh cũng phải bị phạt thật nặng.

 

Chúng ta cứ nói cơ chế, nhưng cái chính là con người. Doanh nghiệp nước ngoài vào cùng sân chơi với doanh nghiệp trong nước nhưng họ bứt phá lên, vừa đóng thuế vừa chuyển lợi nhuận lớn về nước họ. Còn ở ta, khi xây một trại lợn, doanh nghiệp đi lòng vòng qua các cục, vụ rồi không biết ai quản lý, bị cắt khúc.

Tổng Cty Chăn nuôi càng ngày càng teo đi. Thử tổng kết lại xem nhà nước đổ bao nhiều tiền cho tổng công ty này trong những năm qua. Vậy mà đến bây giờ còn cái gì, không biết có còn đóng thuế nữa không.

Còn các chính sách đầu tư cho chăn nuôi, chúng ta đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

Không có đầu tàu nên các chính sách đưa ra không kịp thời, đầy đủ. Nhiều năm qua chúng ta cứ loay hoay đi chống dịch, không phát triển chăn nuôi được.

Người chăn nuôi luôn đau đáu nỗi lo rủi ro dịch bệnh, giá cả bấp bệnh, có khi phải bán dưới giá thành. Mà giá lên thì họp hành vận động giảm giá, tụt giá chả ai nhìn ngó, quan tâm.

Ngân hàng không dám cho dân vay vốn nuôi lợn sợ không thu hồi được vốn. Nông dân chính là bố mẹ mình chứ ai. Anh cứ về làng nhà mình mà hỏi. Tôi có đưa em gái họ làm ở ngân hàng huyện, cô ấy bảo “anh toàn xui dại em khi cho nông dân vay vốn chăn nuôi, làm sao thu hồi được vốn”.

Trên này, mấy ông tổng giám đốc cứ nói ưu tiên vốn cho nông dân, nhưng cứ thử hỏi cán bộ tín dụng tại địa phương xem họ có dám cho vay không. Cho vay không thu hồi được vốn thì bị trừ lương ngay.

Cảm ơn ông.

Ngọc Tiến thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG