Ngang nhiên đi vào đường cấm

Nhiều người vẫn cố tình đi lên cầu cạn Pháp Vân Ảnh: H.N
Nhiều người vẫn cố tình đi lên cầu cạn Pháp Vân Ảnh: H.N
TP - Mặc dù bị cấm nhưng người điều khiển xe máy, xe đạp;người đi bộ vẫn di chuyển trên cầu cạn Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tình trạng vi phạm diễn ra thường xuyên đã dẫn tới những vụ tai nạn nghiêm trọng.

> Cơ quan chức năng có làm ngơ xe 'tàng hình'?

Cầu cạn Pháp Vân được thiết kế là đường cao tốc đô thị, phía trên cầu sẽ dành cho ôtô với tốc độ tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h; đường gom phía dưới dành cho xe máy, xe thô sơ.

Nhưng thực tế, hơn một năm nay, tình trạng xe máy, xe thô sơ và người đi bộ, đi lên làn đường dành cho ô tô vẫn diễn ra khá phổ biến, dù đường đã được phân luồng, đặt biển báo chỉ dẫn giao thông rõ ràng.

Theo quan sát của chúng tôi, từ 5-7 giây là có một người điều khiển xe máy chạy trên cầu. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm khó có thể đếm hết được số lượt người điều khiển xe máy vi phạm quy định trên cầu.

Người đi bộ thì đi tắt ngang qua cầu mỗi ngày, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Đôi khi, cả đàn gia súc cùng lúc được dắt tắt qua chân cầu, trong khi ôtô đang lưu thông với tốc độ cao.

Những người hành nghề xe ôm đứng tụm năm, tụm ba chờ bắt khách trên đường cầu.

Nhiều xe khách thả khách ngay chân cầu và dọc đường… Tình trạng này kéo dài đã khá lâu, nhưng ở đây dường như sự vào cuộc của cơ quan chức năng còn chậm, các chốt giao thông đôi khi không có người trực.

Theo người dân sống ở gần chân cầu Pháp Vân, hiện tượng trên diễn ra hằng ngày. Chị Hoàng Thị Lan ở tổ 24, phường Yên Sở, Hoàng Mai- Hà Nội phản ánh, việc phương tiện bị cấm đi lên làn đường dành cho ô tô nhưng vẫn vi phạm diễn ra thường xuyên.

Nhiều người đi đến chân cầu, thấy có biển báo cấm xe máy, nhưng khi thấy các xe khác đi lên họ cũng đi theo. “Có những ngày cảnh sát giao thông đứng nhắc nhở người dân không được đi, nhưng nhiều người cố tình lách lên. Tất cả là do ý thức của người dân”- Chị Lan nói.

Những người cố vi phạm thường đạt được mục đích là: Đi tắt được một đoạn đường khá xa, giúp tiết kiệm được thời gian và công sức. Anh Nguyễn Văn Luật ở Thanh Xuân cho biết, vì cơ quan ở đường Lĩnh Nam nên anh thường đi làm qua cầu Pháp Vân.

“Tôi biết đi trên cầu là phạm luật nhưng đi bên dưới đoạn đường chỗ bến xe Nước Ngầm vừa đông, bụi bẩn, lại xa nên tôi đi trên cầu cho tiện”- anh Luật nói.

Anh Lê Hoàng Nam - xe ôm trên cầu cạn Pháp Vân cho biết, trên cầu ô tô qua lại nhiều, nhất là ô tô khách đi từ phía Hải Phòng, Hải Dương lên. Đứng đây cho tiện bắt khách.

Chính vì không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ mà rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại cầu cạn Pháp Vân. Điển hình là vụ tai nạn ngày 16-10-2011, nạn nhân đi xe máy đã bị ôtô đâm phải kéo lê 50m.

Nhiều nhà xe tăng giá vé 10 đến 15%

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với mức giá xăng, dầu tăng như vừa qua, doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách chỉ tăng từ 2 đến 5% giá vé là phù hợp. Tuy nhiên, nhiều xe khách tại bến xe Hà Nội vẫn tăng giá vé từ 5 đến 15%.

Đến ngày hôm qua, nhiều hãng vận tải đường dài chạy các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình... đều tăng giá vé từ 10 đến 15%; cá biệt có nhà xe tăng đến trên 20%. Ban Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, đã có hai DN tại bến thông báo tăng giá vé là Cty CP Vận tải Hùng Cường (tuyến Hà Nội- Thanh Hoá, tăng 14%) và Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (tuyến Hà Nội- Thái Bình, tăng 6,7%). “Do đã hoàn thành thủ tục với các cơ quan nhà nước nên mức tăng trên đã được hai DN này áp dụng từ đầu tuần trước”, ông Vương Duy Toàn, PGĐ bến xe Giáp Bát thông báo.

Tương tự, Ban Giám đốc bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm ngày hôm qua cũng cho biết, hiện đã có một số DN vận tải đường dài gửi thông báo tăng giá cước. Còn theo Cty Quản lý bến xe Hà Nội, hiện Cty đã nhận được danh sách của 6 DN thông báo tăng giá vé, do các bến xe gửi lên. Cũng có một số hãng xe không gửi văn bản thông báo tăng giá cước nhưng vẫn thu tăng của hành khách từ 10 đến 15%, thậm chí trên 20%. Theo giá niêm yết tại bến xe Mỹ Đình, giá vé từ Hà Nội về Hà Tĩnh là 160.000 đồng/ hành khách, nhưng từ hơn một tuần nay, nhiều sinh viên bắt xe tại đây đã bị nhà xe thu với giá 200.000 đồng/hành khách (tăng 25%). Tương tự từ bến xe Giáp Bát về Thanh Hoá vé có giá là 70.000 đồng/hành khách, nhưng từ hơn một tuần nay, nhiều người đi về trên tuyến này đã bị nhà xe thu 90.000 đến 100.000 đồng/hành khách (tăng 35 đến 40%)- Trọng Đảng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG