Ngân hàng và chu kỳ đào thải

Ngân hàng và chu kỳ đào thải
TP - Đời sống ngành ngân hàng hai tuần nay lại “sống trong xáo trộn”. Câu chuyện về ông Đặng Văn Thành chính thức rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch Sacombank một vị trí mà ông này đã nắm giữ từ năm 1995 chưa kịp lắng xuống, ngày 6-11, thị trường lại ồn lên bởi thông tin sau 3 tháng thử thách vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng SHB sau sáp nhập, bà Bùi Thị Mai, nguyên tổng giám đốc Habubank vừa bị giáng chức và thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi nợ.

> Ông Đặng Văn Thành rời hẳn Sacombank

Vốn kiệm lời, bà Mai không đưa ra bất cứ lý giải và bình luận nào. Còn về phía SHB, ngân hàng này chỉ ngắn gọn cho hay việc điều chuyển bà Mai đúng với quy chế và quy định chưa kể với những cán bộ liên quan đến nợ quá hạn, nợ khó đòi lâu ngày nên phải chuyển qua phòng thu hồi nợ để xử lý.

Nhìn nhận về sự việc này, giới trong nghề cũng có nhiều ý kiến. Một chuyên gia trong ngành cho rằng “cơn cớ” thu hồi nợ chỉ là bề nổi. Phần chìm của việc thuyên chuyển, từng được giới tài chính dự báo từ những ngày đầu Habubank rục rịch sáp nhập SHB là liệu vào thời điểm khó khăn này, SHB một ngân hàng chưa thực khoẻ, có nên “đèo bòng”(?!).

Câu chuyện sáp nhập đã đưa ra hai phép tính rút gọn nhìn thấy: sự ra đi của một số nhân viên tại bộ phận và việc “biến mất” một số vị trí chủ chốt của Habubank.

Một ý kiến khác. Theo Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán từng gắn bó với lĩnh vực ngân hàng, trong ngành này có những quy định rất chặt về tính chịu trách nhiệm khi phê duyệt vay nợ.

“Rủi ro là điều rất dễ xảy ra. Và tất nhiên khi dính đến một khoản nợ xấu, họ những người từng đặt chữ ký bên những bản hợp đồng vay nợ đến lúc này phải chịu trách nhiệm. Với những khoản nợ khó đòi này, họ buộc phải đi theo đòi nợ đến cùng. Thế nên, việc bà Mai thuyên chuyển vị trí cũng là bình thường” - Vị này nhìn nhận.

Tuy nhiên, không tránh khỏi cảm giác tiếc cho bà Mai, người gần 20 năm gắn bó và một thời đóng góp làm nên sự thành công của Habubank - thương hiệu từng “quen tai” với không ít người Hà Nội.

Câu chuyện của bà Mai và ông Thành hoàn toàn khác nhau. Hư thực đằng sau việc ông Thành làm đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT sau gần 17 năm gây dựng và chèo lái con thuyền Sacombank (dù là với lý do sức khoẻ) vẫn đang bỏ ngỏ.

Còn việc của bà Mai, nhìn một cách tổng thể và sâu xa chính là sự khắc nghiệt của lĩnh vực tài chính. Như bất cứ ngành nào cũng có chu kỳ tăng giảm, sau chứng khoán, bất động sản sẽ đến lượt ngân hàng.

”Ngân hàng cũng là một ngành như doanh nghiệp chỉ có điều có đặc thù hơn. Mọi thứ đã đến lúc phải trả về đúng bản chất, bền vững lâu dài. Và chu kỳ đào thải được xem là tất yếu”- Vẫn vị ở công ty chứng khoán trên nhìn nhận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG