Tuân thủ
Chiều 2/6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, trả lời câu hỏi báo chí liên quan trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với những sai phạm của BIDV, của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “UBKTTƯ đã có thông báo kết luận của đoàn kiểm tra liên quan đến hoạt động của BIDV, NHNN sẽ thực hiện nghiêm túc các kết luận của UBKTTƯ”.
Ngày 3/6, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN nói rằng, NHNN cũng có ý kiến đã nắm rõ tình hình và báo cáo UBKTTư trong những lần làm việc; tinh thần chỉ đạo của NHNN với BIDV là báo cáo và tuân thủ nghiêm túc những yêu cầu UBKTTƯ lưu ý. “Dù nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà là từ 2011-2015 và 2016-2020 nhưng do anh Hà đến năm 2016 đã nghỉ hưu nên mọi việc chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 2011-2016. Chúng tôi đã trao đổi với BIDV và mọi vấn đề nếu có liên quan đến thông tin đều xin ý kiến UBKTTƯ”, vị này nói.
Một cán bộ BIDV nói rằng, câu chuyện về công bố kỷ luật ông Bắc Hà và những sai phạm đến thời điểm này thực sự không còn quá bất ngờ. “Chúng tôi đã biết việc này rồi sẽ xảy ra nên với ngân hàng là đón nhận thông tin. Ở bên ngoài, ai là người hiểu thì thông cảm và chia sẻ. Hiện BIDV đã có báo cáo đầy đủ NHNN. Sự việc nằm trong giai đoạn 2011-2016”, cán bộ BIDV cho hay.
Theo UBKTT.Ư, ông Trần Bắc Hà - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT - chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Ông Đoàn Ánh Sáng - nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và ông Trần Lục Lang - ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV - cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan vụ án xảy ra tại VNCB.
Sau khi nghỉ hưu năm 2016, ông Hà thường xuyên sang Lào để cùng một số người thân triển khai các dự án trồng cây nông nghiệp tại đây. Gần đây, ông nhiều lần được triệu tập đến phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng và Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hà nhiều lần vắng mặt vì lý do sức khỏe và sang Singapore chữa bệnh. Ông Hà là một trong gần 200 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ đại án này được TAND TPHCM triệu tập lấy lời khai. Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng BIDV) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, hồi tháng 4/2018, ông Đoàn Ánh Sáng đã bán xong 255.000 cổ phiếu BID đăng ký trước đó. Hiện lượng cổ phiếu BID mà ông Sáng nắm giữ giảm từ 269.573 xuống còn 19.573. Ông Sáng bán bớt cổ phiếu BID để chi tiêu cá nhân. Giao dịch được thực hiện từ ngày 7/3 đến ngày 7/4 theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Khoảng thời gian trên, giá cổ phiếu BID ở vùng 44.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ông Sáng đã thu về khoảng 11 tỷ đồng.
Chứng khoán, tiền gửi có “rung lắc”?
Thị trường chứng khoán từng hai lần “dậy sóng” khi ông Trần Bắc Hà từng 2 lần dính tin đồn bị bắt vào năm 2013 và 2017. Cả 2 lần thông tin này xuất hiện đều khiến thị trường chứng khoán “bốc hơi” tỷ USD. Vậy, thông tin về sự việc của ông Hà vừa công bố sẽ tác động ra sao đến cổ phiếu BIDV và hoạt động của ngân hàng? Theo vị cán bộ BIDV, cũng phải chờ đến thứ Hai mở cửa thị trường chứng khoán mới “đo” được, nhưng cá nhân ông cho rằng, khả năng giá cổ phiếu hay gửi tiền sẽ không bị tác động nhiều.
BIDV hiện là kênh thanh toán duy nhất được chỉ định thực hiện dịch vụ thanh toán các giao dịch chứng khoán. Theo đó, các thành viên tham gia thị trường chứng khoán (cổ phiếu) phải mở tài khoản thanh toán tại BIDV và có số dư trong tài khoản dùng để thanh toán bù trừ cho các giao dịch mua bán trái phiếu, cổ phiếu lẫn nhau. BIDV sẽ hỗ trợ tiền vay cho các thành viên trong trường hợp thiếu thanh khoản và quyết toán tiền giao dịch chứng khoán qua việc hạch toán vào tài khoản của thành viên mở tại BIDV.
Câu chuyện này liệu có tác động đến thị trường và những định chế tài chính liên quan? Một chuyên gia phân tích, BIDV cũng hiện là ngân hàng do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối lên tới 97%, nên dù có bất cứ tác động gì thì cũng sẽ là tác động lớn tới doanh nghiệp nhà nước. Cũng theo chuyên gia này thông tin về BIDV có thể tác động đến thị trường, nhưng xét trên bình diện chung, thị trường sẽ không còn phản ứng tiêu cực nhiều, bởi thông tin đã âm ỉ từ lâu.
Liên quan hoạt động của BIDV, trong quý I/ 2018, BIDV đã tăng gấp 2,6 lần chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm đều có kết quả lãi cao hơn cùng kỳ năm 2017. Mặc dù các hoạt động kinh doanh có kết quả tích cực và chi phí hoạt động giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ, đạt 2.485 tỷ đồng. Lý do là BIDV đã phải trích tới 6.013 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Đến ngày 31/3, tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,227 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm. Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng là 1,4%, đạt 867.289 tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 5,8%, đạt 910.053 tỷ đồng. Cuối quý I, tổng nợ xấu tuyệt đối tại ngân hàng là 14.208 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ và chiếm 1,62% so với tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng.